SEAGAMES 31 đang diễn ra trong sự háo hức đón chờ của người dân cả nước. Nếu bạn tới thủ đô Hà Nội đón xem lễ khai mạc, đừng quên trải nghiệm những điều đặc biệt này nhé!
Đi đâu?
1. Khu phố cổ
Khu phố cổ nằm ở phía bắc của hồ Hoàn Kiếm, có 36 tuyến phố được đặt tên theo giao thương mua bán trước đây. Tới nay, nhiều con phố đã không còn bán các mặt hàng như tên gọi nữa, nhưng nơi đây vẫn vô cùng sầm uất.
Đến Hà Hội, chắc chắn du khách không thể bỏ qua khu phố cổ như bàn cờ này, vừa tham quan những điểm đến thú vị, vừa có cơ hội thưởng thức những món ăn vô cùng hấp dẫn.
2. Hồ Hoàn Kiếm
Một trong những điểm thanh bình nhất ở thủ đô Hà Nội, thu hút cả người dân địa phương lẫn khách du lịch, đó là đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm vào buổi sáng sớm. Tại đây có rất nhiều hoạt động như tập Thái Cực Quyền, tập thể dục, chạy bộ…
Vào các ngày cuối tuần, nơi đây trở thành tuyến phố đi bộ với nhiều hoạt động thú vị.
Sau khi tản bộ, du khách có thể ghé thăm Nhà hát Múa rối nước, nơi có rất nhiều nghệ sĩ múa có tay nghề cao giúp lưu giữ loại hình nghệ thuật có tuổi đời hơn 1000 năm này.
3. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn gọi là Lăng Hồ Chủ tịch, Lăng Bác, là nơi gìn giữ di hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa 5 ngày/tuần, vào các buổi sáng thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật. Mùa nóng (từ 1/4 đến 31/10): Từ 7h30 đến 10h30; mùa lạnh (từ 1/11 đến 31/3 năm sau): Từ 8h đến 11h; ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật mở cửa thêm 30 phút.
Hàng năm, Lăng đóng cửa để làm nhiệm vụ tu bổ định kỳ vào 2 tháng: tháng 10 và tháng 11. Ngày 19/5, 2/9 và Mồng 1 Tết Nguyên đán nếu trùng vào Thứ Hai hoặc Thứ Sáu, vẫn tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
4. Hoàng thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trức đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá trong Hoàng thành Thăng Long phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010-1945).
5. Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Đây được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi chứa đựng những nét văn hóa lịch sử lâu đời và nền kiến trúc đậm đà bản sắc của dân tộc.
Văn Miếu được bao bọc bởi các tuyến phố chính của quận Đống Đa: Phố Nguyễn Thái Học, phố Tôn Đức Thắng, phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám. Văn Miếu Quốc Tử Giám gồm ba khu vực chính là Hồ Văn, Vườn Giám và khu nội tự Văn Miếu Quốc Tử Giám.
6. Nhà tù Hỏa Lò
Được mệnh danh top 5 địa điểm rùng rợn nhất Đông Nam Á hay “địa ngục trần gian” giữa lòng Hà Nội, đây là nơi các chiến sĩ anh dũng của dân tộc ta bị bắt nhốt và tra tấn man rợ bởi những cách thức tàn độc nhất của thực dân Pháp.
7. Cầu Long Biên
Cầu Long Biên từ lâu đã gắn với lịch sử của dân tộc ở các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Từ cầu Long Biên, quân đội Pháp phải rút khỏi Hà Nội, ra Hải Phòng để lên tàu về nước.
Đây cũng là nơi diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt của các chiến sĩ phòng không Hà Nội, đặt pháo trên đỉnh cầu để bắn máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Long Biên và khu Đông Hà Nội.
8. Hồ Tây
Là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở Hà Nội, được ví như “lá phổi xanh của Thủ đô”. Hồ Tây nằm ở vị trí Tây Bắc của trung tâm Hà Nội với diện tích hơn 500ha, có không khí trong lành, mát mẻ, cùng những cảnh quan hết sức nên thơ và yên bình.
Ăn gì?
1. Phở
Phở là cái tên gắn liền với Hà Nội, không chỉ là món ăn đơn thuần, đó còn là nét đẹp và sự tinh tế của văn hóa ẩm thực trong mắt bạn bè thế giới. Những thương hiệu làm nên tên tuổi cho món phở Hà Nội phải nhắc đến phở Bát Đàn, phở Thìn, phở Cồ…
2. Bún ốc
Bún ốc là một trong những món ăn nổi tiếng, mang đậm nét đặc trưng của Hà Nội. Bát bún với sắc màu hấp dẫn của cà chua chưng và những con ốc béo mỡ màng, chuối đậu vàng ươm luôn hấp dẫn thực khách. Thế nhưng, sự "quyến rũ" thực sự nằm ở nước dùng trong veo với vị chua chua thanh thanh, dậy mùi dấm bỗng đặc trưng.
3. Bún chả
Bún chả trước kia của người Hà Nội được nướng bằng que tre chỉ còn rất ít quán bán. Ngày nay, bún chả kẹp vỉ nướng than hoa là phổ biến hơn cả. Bạn có thể chọn chả viên hoặc chả miếng để ăn.
Nước chấm bún chả ở Hà Nội được xem là linh hồn của món ăn và thường đựng trong bát tô to, nóng hổi và thơm hương rất quyến rũ.
4. Bún thang
Bún thang là món ăn truyền thống của người Hà Nội xưa. Bát bún thang nhìn qua thì có vẻ đơn giản nhưng nguyên liệu lại khá cầu kỳ với sợi bún nhỏ, thịt gà, trứng chiên, nấm hương.
Để bát bún ngon hơn và nước dùng trong, ngọt, thơm thì phải được ninh kĩ từ xương gà hoặc tôm. Thực khách có thể ăn kèm cùng rau sống.
5. Phở cuốn
Phở cuốn Hà Nội hấp dẫn thực khách bởi bánh phở mềm dai, thịt bò đậm đà và rau sống thanh mát, chấm cùng mắm chấm thơm ngon tạo ra một món ăn rất Việt Nam, chiều lòng được cả những thực khách khó tính nhất.
6. Bánh tôm hồ Tây
Nếu đã đến Hà Nội, ghé thăm chùa Trấn Quốc, dạo vòng quanh hồ Tây lộng gió thì nhất định đừng quên thưởng thức món bánh tôm Hồ Tây. Bánh được làm từ bột gạo và tôm càng vùng hồ Tây. Vị bánh thơm bùi, hơi béo béo vô cùng hấp dẫn.
Bánh tôm nóng hổi cũng được ăn kèm với nước chấm chua cay, mằn mặn và rau sống. Nên vị ngấy sẽ bớt đi rất nhiều và đưa miệng hơn.
7. Cà phê
Chẳng biết từ khi nào mà thói quen ngồi nhâm nhi ly cà phê, nhìn ngắm dòng người qua lại trở thành một nét đặc trưng của người dân Hà thành. Không chỉ là ly đen đắng đơn thuần như ngày nào, hãy thử ngay ly cà phê trứng béo ngậy được phủ lớp kem bông mịn.
8. Kem
Tràng Tiền, Thủy Tạ, Hồ Tây... là những địa chỉ quen cho thú vui ăn kem của người Hà Nội. Thưởng thức nhiều hương vị kem mát lạnh với mức giá chỉ từ 6.000 đồng và trải nghiệm cảm giác được đứng ăn trực tiếp trong nhà máy sản xuất kem Tràng Tiền, đi bộ ăn kem ở Hồ Gươm hay ở một góc Hồ Tây lộng gió... là điều thú vị với nhiều người khi đến Hà Nội.