Bộ phim “Hoa hồng không dành cho em” có diễn biến và kết thúc bi thảm giống hệt nguyên tác Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu khiến khán giả yêu thích “Sống chung với mẹ chồng” đứng ngồi không yên.
Hai bộ phim Hoa hồng không dành cho em và Sống chung với mẹ chồng đều được phóng tác từ hai cuốn tiểu thuyết đình đám của Trung Quốc, cùng về đề tài mẹ chồng – nàng dâu và gây sốt ngay khi lên sóng. Tuy nhiên, Hoa hồng không dành cho em khá trung thành với nguyên tác từ việc xây dựng tuyến nhân vật, tính cách đến các tình huống xảy ra trong tác phẩm. “Điềm xấu” này khiến khán giả không khỏi quan ngại cho số phận của bộ phim chuyển thể Sống chung với mẹ chồng rất hot hiện nay.
“Điềm xấu” từ “Hoa hồng không dành cho em” – bi kịch y hệt tiểu thuyết gốc
Bộ phim đầy đủ cả nhân vật chính lẫn nhân vật phụ như trong nguyên tác:
Hoa hồng không dành cho em được phóng tác từ tác phẩm nổi tiếng Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu của tác giả Kỷ Đạt. Trong tiểu thuyết, Thúy Thúy là một cô gái hiền lành, chất phác, tốt bụng. Dù cô hay nói lắp, không được nhanh nhẹn nhưng lại rất giỏi chuyên môn. Thúy Thúy yêu Tôn Đại Lâm 4 năm thì đồng ý theo anh về nhà làm dâu.
Con dâu hiền thảo nhưng lại gặp phải mẹ chồng tham lam vô độ, âm hiểm và quái dị. Thúy Thúy đã cố gắng để làm tốt vai trò con dâu và cố gắng vun vén hạnh phúc gia đình nhưng cuối cùng lại bị mẹ chồng ép phát điên.
Trong nhà Đại Lâm chỉ có em họ của chồng là người thương cảm cho Thúy Thúy và cương quyết không ủng hộ kế hoạch chiếm đoạt tài sản nhà chị dâu.
Khi Hoa hồng không dành cho em lên sóng, fan tiểu thuyết ngay lập tức nhận ra các nhân vật trong sách được đưa lên phim rất đầy đủ. Thúy Thúy chính là Thùy Hạnh (Lan Phương đóng), Tôn Đại Lâm là Hoàng Sang (Hà Trí Quang), mẹ chồng là bà Sáng (Bích Hằng)… Nhân vật bí ẩn đưa Thúy Thúy đi điều trị bệnh và đem lòng yêu cô là Khải An (Trương Minh Quốc Thái). Thậm chí, em họ của Thúy Thúy và hai chàng trai suốt ngày quẩn quanh bên cô cũng đưa lên phim không sót một ai.
Đặc biệt, tính cách của các nhân vật trên đều được xây dựng giống với cuốn tiểu thuyết Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu.
Từng tình huống mâu thuẫn trong các tập phim đến kết cục cũng giống với nguyên tác:
Bà Sáng là người đàn bà tham tiền, ghê gớm và lắm quỷ kế. Trước khi cưới vợ cho con, bà ta lập kế hoạch để lừa tiền thông gia. Bà đi rêu rao khắp nơi rằng sẽ mua chung cư cao cấp cho vợ chồng Thùy Hạnh ra ở riêng và than nghèo kể khổ để ép gia đình thông gia rút tiền tiết kiệm đưa cho bà ta mua đồ cho đôi vợ chồng trẻ.
Đám cưới diễn ra, bà Sáng cũng kiếm cớ tổ chức chung hai nhà để chiếm đoạt hết tiền mừng. Lấy được số tiền lớn từ nhà thông gia, bà không sắm cho 2 con đồ tốt mà mua căn hộ chung cư bình thường, đồ đạc cũng mua rất ít để chiếm lấy số tiền thừa.
Sau đám cưới, bà còn trơ trẽn đưa chồng và cháu họ đến ngôi nhà mua riêng cho vợ chồng con trai để ở chung. Ngay từ đầu, việc mua nhà chỉ là một quỷ kế của bà để lấy tiền của nhà con dâu, bà chưa từng có ý định cho con dâu ở riêng.
Bà không chỉ tham tiền nhà con dâu mà còn muốn bòn rút hết tiền bạc của Thùy Hạnh. Bà cố tình sai con dâu đi mua thật nhiều đồ dùng nhưng vì hết tiền nên cô nhờ chồng đưa đi mua và trả tiền giúp. Khi biết được người trả tiền là con trai, bà Sáng xót tiền chì chiết con dâu không biết tiết kiệm, không muốn chi tiền cho gia đình và xông vào đánh con dâu tới tấp.
Những hành vi của bà Sáng còn đáng sợ hơn nữa khi vì lòng tham mà bà ép chết bà thông gia, làm con dâu hóa điên. Làm gia đình con dâu tan cửa nhát nhà nhưng bà vẫn không từ bỏ được lòng tham. Bà tìm cách mai mối cho bố của Thùy Hạnh một người phụ nữ xinh đẹp để tái hôn, nhằm giúp con trai bà chiếm được nhà của bố vợ.
Kết cục bi thảm đến khó tin
Thùy Hạnh phát điên thì được Khải An đưa đi chạy chữa. Mục đích của anh là muốn lợi dụng việc chữa bệnh để moi thông tin phần mềm ở chỗ cô. Nhưng ở gần một cô gái hiền lành, tốt bụng, đáng thương, Khải An lại dần động tâm và đem lòng yêu cô.
Sau nhiều tổn thương chồng chất, Thùy Hạnh cuối cùng cũng bị tình cảm của Khải An làm cho cảm động và dũng cảm yêu thêm lần nữa. Tuy nhiên, bản chất của Khải An vẫn là một người thực tế, dù rất yêu cô nhưng anh vẫn lựa chọn một cuộc hôn nhân lợi ích để đảm bảo việc phát triển kinh doanh.
Thùy Hạnh rời xa mà không biết mình đang mang trong mình giọt máu của anh. Nhờ sinh linh bé bỏng đó mà cô có lại động lực sống và một lần nữa đứng lên bắt đầu lại cuộc đời mình.
Nhưng người tốt không phải là sẽ có kết thúc hạnh phúc. Khi cô đang hạnh phúc bên đứa con gái nhỏ thì cô lại gặp tai nạn. Cô lao ra cứu mẹ kế vì bà qua đường không nhìn đường. Tai nạn thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của cô. Hai người đàn ông cô yêu hết lòng giờ mới ăn năn, hối hận nhưng mà điều đó có ý nghĩa gì với một người đã nằm yên dưới đất?
Một cô gái hiền lành, thật thà, dù bị cuộc đời đẩy ngã bao nhiêu lần vẫn dồn hết dũng khí để bắt đầu lại. Nhưng mỗi lần cô sắp chạm tay vào hạnh phúc thì hạnh phúc lại vụt bay để cô một mình rơi xuống vực thẳm. Những tình tiết này hoàn toàn giống với các tình huống trong tiểu thuyết Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu.
“Sống chung với mẹ chồng” liệu có đi vào vết xe đổ của “Hoa hồng không dành cho em”?
Hai bộ phim cùng một đề tài, cùng phóng tác từ hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng ở Trung Quốc, cùng làm dậy sóng ngay từ khi lên sóng. “Sống chung với mẹ chồng” từ đầu đến thời điểm này cũng khá giống với các diễn biến, xung đột trong cuốn tiểu thuyết cùng tên.
Quá nhiều điểm chung từ hai bộ phim này khiến khán giả lo lắng, liệu “Sống chung với mẹ chồng” có thể thành sản phẩm truyền hình phóng tác thứ hai trung thành với tiểu thuyết gốc hay không? Liệu những tập tiếp theo có những đột phá để bộ phim có thể gây bất ngờ, thu hút người xem và thoát khỏi ảnh hưởng quá lớn của nguyên tác?