Nhân vật bà mẹ chồng trong "Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu" là một người phụ nữ độc ác, nanh nọc đến mức khó tưởng tượng.
Những ngày gần đây, nhân vật bà Phương (NSND Lan Hương "Bông" đóng) trong bộ phim được phóng tác từ tiểu thuyết “Sống chung với mẹ chồng” đang được mệnh danh là người phụ nữ làm mọi cô gái chưa chồng phát hoảng. Nhưng chừng đó vẫn chưa là gì nếu đem so với mẹ chồng trong cuốn sách “Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu”.
“Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu” của Kỷ Đạt là nguồn cảm hứng thực hiện bộ phim “Hoa hồng không dành cho em” từng làm mưa làm gió trên sóng truyền hình Việt Nam cách đây 6 năm. Cuốn tiểu thuyết khắc họa một cách chân thực cuộc sống của nàng dâu mới về nhà chồng. Hóa ra, để có thể có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, tình yêu của hai người thôi chưa đủ mà còn cần sự hòa thuận của các thành viên khác bởi hôn nhân không phải chỉ là chuyện riêng hai vợ chồng.
Bìa sách “Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu” xuất bản tại Việt Nam.
Thúy Thúy là một cô gái hiền lành, ngoan ngoãn, chất phác. Cô là mẫu dâu hiền vợ thảo đúng chuẩn truyền thống. Ngay từ bé, cô đã được bố mẹ dạy dỗ rằng lấy chồng là phải theo chồng, cung phụng gia đình nhà chồng bởi đó là bổn phận của con dâu.
Nhưng sự đời khó lường. Mẹ chồng của cô lại là một người phụ nữ tai quái, độc đoán và tham lam vô độ. Có thể nói, bà là bà mẹ chồng độc ác, nanh nọc đến mức khó tưởng tượng. Trong mắt bà chỉ có tiền và con trai.
Tác phẩm đã được chuyển thể thành bộ phim truyền hình "Hoa hồng không dành cho em".
Chồng của Thúy Thúy là Đại Lâm. Anh là người chồng yêu thương vợ nhưng tham tiền, không có chí tiến thủ, năng lực lại hạn chế. Dù rất yêu Thúy Thúy nhưng khi đứng trước mẹ mình thì tình yêu ấy lập tức bị thu lại, nhỏ dần nhỏ dần...
Ngay từ đầu, mẹ chồng của Thúy Thúy đã tỏ ra là một người đàn bà tham lam nhưng mưu mô, khéo léo. Bà bán nhà mình để mua cho một căn nhà mới to hơn rồi đi rêu rao với tất cả mọi người là lấy số tiền đó để mua nhà cho vợ chồng con trai lớn.
Cũng mượn lý do này, bà còn đòi gia đình thông gia phải bỏ tiền hoàn thiện căn nhà. Nhưng sau đó, người đứng tên nhà lại là bố chồng của cô. Ngoài ra, bố mẹ chồng và em chồng Thúy Thúy đều đến ở cùng trong căn nhà đó.
Mẹ chồng còn không ngừng tìm cách vòi tiền của Thúy Thúy. Bà gọi điện bắt cô mua thật nhiều thứ để về nấu ăn cho gia đình. Đến khi biết được người bỏ tiền là con trai mình thì lại trở mặt, chì chiết cô không biết tiết kiệm, mua quá nhiều thứ.
Quan hệ mẹ chồng – nàng dâu cứ ngày một xấu đi dù Thúy Thúy đã cố gắng hết sức nhẫn nhịn và nghe theo lời mẹ chồng. Cuối cùng, cô phát điên vì quá sợ những trận đánh đập của mẹ chồng.
Đánh đập Thúy Thúy thôi chưa đủ, bà mẹ chồng lên kế hoạch cướp lấy căn nhà của bố mẹ lẫn nhà của ông bà cô. Bi kịch nhất trong cuộc đời cô gái này có lẽ là yêu và lấy nhầm người, chồng của cô không những không phản đối kế hoạch của mẹ mà còn tích cực thực hiện. Đồng tiền đã làm lóa mắt, dậy lên lòng tham và sự yếu hèn trong tư tưởng của chồng cô.
Khi không đạt được mục đích, mẹ chồng đến nhà Thúy Thúy chửi bới làm mẹ cô tức đến chết. Dù đã hại chết bà thông gia nhưng bà mẹ chồng vẫn không hề ăn năn hối cải, vẫn không từ bỏ lòng tham.
Bà ta tìm cách mai mối cho ông thông gia lấy người họ hàng của mình khi mẹ Thúy Thúy chỉ mới qua đời ít tháng. Chi tiết này làm tất cả bạn đọc phẫn nộ, không chỉ vì sự tham lam đến mức độc ác của bà mẹ chồng mà còn bởi sự dao động của bố Thúy Thúy.
Cuộc đời của cô gái ngoan hiền, chất phác nhưng lại gặp hết bi kịch này đến bi kịch khác làm trái tim độc giả thấy nhói đau. Ai cũng mong cô mau thoát khỏi gia đình phi nhân tính ấy để đi tìm hạnh phúc mới.
Nhưng người đàn ông thứ hai có thể đưa lại hạnh phúc cho cô không khi mà anh ta là người rất lý tính. Anh ta tự nguyện lựa chọn cho mình một cuộc hôn nhân lợi ích để phát triển sự nghiệp kinh doanh. Một kẻ tính toán như vậy liệu có thể lựa chọn tình yêu không?
Tác giả Kỷ Đạt đã thành công lấy nước mắt của độc giả vì những bi kịch chồng chất xảy đến với nhân vật nữ chính. Những khó khăn khi cô về làm dâu cũng làm nhiều chị em phải cảm thán vì thấy thoáng qua bóng dáng cuộc sống của mình trong sách. Dù kết truyện sẽ làm thắt lòng độc giả nhưng có lẽ đối với Thúy Thúy, đó cũng là một sự giải thoát.
Cuốn tiểu thuyết Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu như một lời cảnh tỉnh đến tất cả mọi người về việc giữ gìn một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Có những tổn thương đã gây ra sẽ không bao giờ liền lại được, có những thứ mất đi rồi sẽ không tìm lại được nữa vì vậy hãy giữ chặt nhau khi còn có thể.
Những cô gái cũng học được cho mình bài học về việc trân quý chính mình. Có những quyết định sai lầm không chỉ chính bản thân phải trả giá mà cả những người thân của mình cũng sẽ phải chịu liên lụy. Vì vậy, nếu quyết định sai hãy dũng cảm sửa sai chứ không phải cam chịu sa lầy trong sai lầm đó.