Nếu muốn thưởng thức những món ăn chỉ có ở Hưng Yên thì bạn nhất định không thể bỏ qua 4 đặc sản này.
Bánh dày làng Gàu
Bánh dày làng Gàu có nguồn gốc từ xã Cửu Cao, huyện Văn Giang. Loại bánh này được xem đặc sản nổi tiếng của đất phố Hiến nhằm để tưởng nhớ và biết ơn đến công lao của các vị vua hùng có công dựng nước. Đến với quê hương Văn Giang du khách không chỉ bị thu hút bởi cảnh đẹp của vườn hoa, cây cảnh nơi đây mà còn được thưởng thức, được trải nghiệm các công đoạn làm bánh dày cùng với người dân.
Nguyên liệu chính là gạo nếp cái hoa vàng. Cả một năm hai vụ, thóc lúa có bội thu thì năm đó bánh được sản xuất nhiều. Người làng Gàu kĩ lưỡng tỉ mẩn trong việc chọn gạo làm bánh. Sau khi thóc được xay xát, người già và trẻ nhỏ được phân cho công việc “chọn gạo”. Gạo hạt phải mẩy, chắc. Những hạt sâu lép được bỏ loại ra ngoài. Phải như vậy, khi thành phẩm cả miếng bánh mới đạt độ trắng trong như gái son trẻ. Gạo được ngâm với nước sạch sau đó giã đều tay rồi nặn thành những chiếc bánh giầy trắng tinh, tròn trịa. Bánh giã phải đúng số nhịp số chày buông xuống. Lực giã phải vừa, không được quá mạnh, chẳng được quá yếu mềm. Vì thế nam nữ phải giã cùng nhau, mới vừa mềm vừa rắn, bánh mới chuẩn dẻo.
Công đoạn làm nhân bánh khá cầu kỳ, cần sự khéo léo của người làm, nhân bánh làm từ đỗ xanh, Đỗ xanh phải mẩy hạt, xanh đều. Sau khi “tuyển chọn” kĩ càng, đỗ phải được ngâm nước ấm khoảng chừng bốn mươi độ qua đêm. Đỗ xanh ngâm mềm, đãi sạch vỏ, không được để vương vấn chút vỏ nào trong rổ, hấp chín nhừ tơi, giã đỗ bắt buộc phải nhuyễn sánh, không được lợn cợn hạt đỗ và vo tròn cùng dừa sợi bào sẵn thành từng nắm nhỏ. Mỗi một mẻ xôi, mẻ đỗ đưa ra bốc bừng hơi nóng. Không được giã ngay, không được quá nguội. Giã ngay dễ bết, giã nguội khó dính. Vì thế mà bánh dày làng Gàu nổi là món đặc sản nổi tiếng Hưng Yên.
Bún thang lươn Phố Hiến
Món đặc sản Hưng Yên đầu tiên phải nhắc đến chính là món bún thang lươn. Cũng giống như bún thang Hà Nội, món ăn đậm hương vị đồng quê này được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau như giò lụa, trứng rán, thịt ba chỉ, bún… nhưng vẫn sở hữu điểm khác biệt đó là ở phần thịt lươn xào lạ miệng.
Bún thang lươn như một bức tranh muôn màu bởi nền trắng của bún, màu vàng của trứng gà, màu nâu vàng của lươn, màu trắng ngà của giò lụa, màu vàng béo của thịt ba chỉ kết hợp với màu xanh của rau răm, hành lá. Tất cả được kết hợp với nhau một cách thật hài hòa, tạo nên một “tác phẩm” tuyệt hảo mà ít món ăn nào có được.
Thế nên, những người con Hưng Yên có dịp trở về thăm quê hay những du khách thập phương đều mong muốn tìm đến thưởng thức hương vị đậm đà của bún thang lươn Phố Hiến, niềm tự hào của người Hưng Yên mỗi khi nhắc đến đặc sản của quê mình.
Ếch om Phượng Tường
Làng Phượng Tường ở huyện Tiên Lũ, Hưng Yên. Ếch om là món ăn tuy dân dã nhưng nó mang đậm tính quê hương và đã được nâng lên tới mức nghệ thuật trong ẩm thực, được chế biến thành nhiều món khác nhau.
Ếch om Phượng Tường được chế biến cầu kỳ, ếch được làm sạch, mổ bụng bỏ hết ruột gan, chỉ bóc lấy lại mỡ áo tơi, đặt ếch lên thớt dùng gọng dao dần kỹ cho nhuyễn xương, nhưng khi cầm lên vẫn phải nguyên là con ếch. Muốn thế gọng dao phải tròn, dần thật khéo, sau đó đem ướp gia vị gồm mẻ, vỏ quýt khô, mộc nhĩ, hạt tiêu, mắm tép, nước mỡ khoảng nửa giờ cho ngấm. Đoạn lấy lạt bó lại cho vào nồi nấu với măng, thịt ba chỉ. Nhớ đun nhỏ lửa cho sôi kỹ rồi bắc xuống om cạnh bếp, sao cho khi chín ếch và nước chỉ vừa một bát. Khi múc ra ếch phải nhừ, nước om phải có màu vàng đậm, sóng sánh như mật ong, toả mùi thơm quyến rũ.
Chả gà Tiểu Quan
Món chả gà có xuất xứ từ thôn Tiểu Quan của huyện Khoái Châu, ăn ngon nhất vào thời tiết se lạnh. Để làm món chả gà cũng lắm công phu. Gà phải là những con to khỏe được nuôi ở vườn cho chắc thịt. Khi làm cũng phải chọn phần nạc nhất của con gà, lọc bỏ gân, da, xương rồi thái nhỏ, cho vào cối giã nhuyễn.
Thịt gà giã bằng tay thịt sẽ mịn và ngon hơn. Trong lúc giã cũng cho thêm một chút gia vị, vỏ quýt vào cho thịt đậm đà, thoảng thoảng hương thơm. Người giã thịt cũng phải rất khéo léo để cho thịt không được nát quá hay to quá, chả sẽ không mịn. Sau đó cho thêm lòng đỏ trứng, nước mắm, hạt tiêu, chút gừng. Sau khi giã xong, thịt gà được cho vào miếng mo cau rồi đặt lên bếp nướng bằng than hoa, than củi nhãn mới ngon. Người nướng cũng phải khéo léo lật để miếng chả không bị khô quá.
Miếng chả được dọn ra bao giờ cũng vàng óng, có độ kết dính, không bị nứt, thơm mùi thịt gà và thoang thoảng hương vỏ quýt. Không giống như các món khác, ăn chả gà phải nhấm nháp từng chút một mới cảm nhận được hương vị ngọt thơm, ngậy. Chả thường được dùng kèm với xôi, cơm trắng.