Đừng tự nhận mình là "tín đồ ẩm thực" nếu chưa từng thưởng thức qua những đặc sản nổi tiếng đất cảng này.
Nộm sứa đỏ
Bàn về món ngon Hải Phòng mà bỏ qua đặc sản nộm sứa đỏ thì quả thực là thiếu sót lớn. Đây là món ăn thông dụng của mùa xuân - hè, thường bắt đầu vào tháng 4 và kết thúc vào tháng 6. So với nộm sứa trắng thì cách chế biến nộm sứa đỏ có phần tinh giản hơn nhưng chẳng phải vì vậy mà hương vị lại kém phần đặc sắc.
Sứa đỏ mới đánh bắt sẽ được đun cùng rễ, vỏ cây sú vẹt và lá thơm đến khi thịt sứa chuyển sang màu hồng, mềm và trong như thạch. Khi ăn, người ta thái thịt sứa thành sợi mỏng rồi dùng kèm với rau kinh giới, tía tô, bạc hà, cùi dừa, khóm... và mắm tôm cay nồng. Bạn có thể tìm thấy món nộm sứa đỏ tại hầu hết quán ăn hay khu chợ bình dân tại Hải Phòng.
Nem cua bể
Nem cua bể là món ăn đặc trưng trong ẩm thực của Hải Phòng, mà bất cứ ai khi đặt chân đến thành phố đầy sức trẻ này cũng đều phải nếm thử. Bên cạnh cái tên phổ biến, Nem cua bể Hải Phòng còn có tên là nem vuông hay nem vuông cua bể do cách gói độc đáo - vuông vắn của người Hải Phòng.
Nem cua bể của Hải Phòng là một món ăn tiêu biểu cho nền ẩm thực phong phú, được làm từ nhiều loại nguyên liệu tiêu biểu như tôm, cua, thịt, mộc nhĩ cùng một số loại nguyên liệu khác. Đặc biệt để hương vị của nem được ngon và đúng nhất, người ta phải dùng thịt cua của vùng biển Đồ Sơn, Cát Hải, hoặc ở Bạch Long Vĩ - những nơi có nguồn hải sản phong phú, và tươi ngon, nhất là nguồn cua bể vô cùng dồi dào.
Nguyên liệu thơm ngon hòa trộn cùng các gia vị đậm đà theo cách chế biến của người Hải Phòng, sau đó được bọc trong lớp bánh tráng giòn rụm được chiên vàng, chỉ mới nghĩ đến thôi đã khó lòng cưỡng lại. Bên cạnh đó, khi thưởng thức nem cua bể, người ta thường ăn kèm với rau sống, ớt cay, đu đủ xanh và cà rốt thái mỏng. Đặc biệt là nước chấm chua ngọt đậm đà. Tất cả sẽ tạo nên hương vị khó quên cho những ai lần đầu thưởng thức.
Bánh đúc tàu
Bánh đúc là đặc sản nổi tiếng của người dân Hải Phòng. Bánh đúc Tàu có bánh đúc cắt nhỏ mà còn có tôm và thịt chiên vàng giòn, đu đủ xắt hạt lựu. Món đặc sản này bắt nguồn từ Trung Quốc. Bánh có vị chua, ngọt và mặn. Bánh đúc làm bằng gạo tẻ trắng, nước chấm pha bằng đường cát vàng, muối và dấm. Khi ăn sẽ ăn kèm thịt ba chỉ, tôm và đu đủ. Món ăn này sẽ hơi khó ăn ở lần đầu.
Bánh mỳ cay
Bánh mỳ cay bắt đầu được biết đến rộng rãi từ những năm 80, xuất phát từ một quán nhỏ trong ngõ Khánh Lạp, gần hàng Kênh. Chiếc bánh mỳ trông nhỏ nhỏ xinh xinh ngày nào nay đã trở nên nổi tiếng khắp các tỉnh thành. Có thể thấy hiện nay, bánh mỳ cay Hải Phòng có thể dễ dàng tìm thấy ở các tỉnh khác, nhưng để thưởng thức ngon và chuẩn vị nhất thì du khách phải nếm thử bánh mỳ cay ngay trên đất cảng.
Ngoài tên gọi là bánh mỳ cay, người ta còn gọi thức quà này là “bánh mì que”, có hình dạng khá đặc biệt. Không giống như các loại bánh mì thông thường, bánh mỳ cay Hải Phòng chỉ có kích thước to bằng 2 ngón tay, dài hơn một gang tay một chút.
Bánh mỳ cay Hải Phòng chỉ có phần pate là thứ nhân duy nhất, không cầu kỳ, vô cùng đơn giản mà thơm ngon. Các tiệm bánh mì ngon và nổi tiếng tại Hải Phòng đều tự chế biến pate, nguyên liệu chủ yếu từ gan lợn, mỡ phần và thịt nạc, rắc thêm chút tiêu cho đậm đà.
Ngoài pate thì phần nhân của bánh mì cay Hải Phòng còn có thêm một loại tương ớt bản địa, được gọi với cái tên “chí chương”. Chí chương theo công thức gia truyền được làm từ ớt, cà chua tươi bỏ hạt, tỏi băm nhuyễn và để lên men. Từ vỏ bánh giòn giòn, pate ngầy ngậy cùng chút cay cay của chí chương, tất cả tạo nên món bánh mì que đặc sản của đất cảng, gây thương nhớ cho bất cứ ai đã một lần nếm qua.
Bún cá cay
Món bún cá cay với sự kết hợp tinh tế giữa các nguyên liệu đặc trưng khiến bất cứ ai cũng đều thích mê nếu có dịp thưởng thức. Cá phải là cá trắm đồng, cá basa rồi lọc xương lấy phần thịt riêng. Sau đó ướp cùng các loại gia vị để thịt cá trở nên đậm đà hơn. Một bát bún đầy với những miếng cá rán vàng ruộm, thêm chút nước dùng ngọt thanh, đậm đà khiến du khách thương nhớ mãi.
Giá bể
Với người dân xứ cảng, giá bể từ lâu đã là một hải sản quen thuộc, nhưng với nhiều người, đây vẫn còn là một loại nguyên liệu xa lạ mà chỉ những ai sành ăn mới biết đến. Giá bể có hình dạng khá giống con trai, to bằng ngón tay cái, nhưng chân lại dài lêu khêu như cái giá đỗ, sống trong các bãi cát ven biển - cũng chính là lý do người ta gọi là giá biển. Thịt của giá biển có vị ngọt và rất ngon, dễ chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, như gỏi giá bể, giá bể xào,…
Trước khi chế biến thành món ăn, giá bể thường được ngâm khoảng 6 tiếng mới hết chất bẩn. tùy vào cách chế biến, giá bể sẽ được tẩm ướp theo những loại gia vị riêng. Giá bể tường có màu vàng nghệ đẹp mắt sau khi nấu xong, hòa quyện cùng chút nước sốt, chút rau thơm và đặc biệt là chí chương của Hải Phòng thì ngon tuyệt.