Tưởng tượng một ngày nọ khi bạn thức dậy và nhận ra mình đã biến thành… côn trùng, bạn sẽ làm gì?
Anh chàng Gregor Samsa của Hóa thân đã rơi vào tình cảnh trớ trêu như thế. Nếu là bạn, hẳn sẽ hoảng loạn và không thể hiểu điều gì sẽ xảy ra với mình, nhưng Gregor thì ngược lại. Ý nghĩ lo sợ không thoáng qua suy nghĩ của hắn dù chỉ một tích tắc, thay vào đó là nỗi lo lắng, sợ hãi bị ông chủ và gia đình quở trách vì nghỉ một buổi làm. The Metamorphosis đã bắt đầu bằng sự châm biếm như vậy.
Cũng như những tác phẩm khác của Kafka như tiểu thuyết Lâu đài và Thư gửi bố, Hóa thân mang một cái tôi cá nhân sắc nét. Nếu đọc qua Thư gửi bố của Kafka sẽ nhận ra tình cảm phức tạp của ông với những thành viên trong gia đình. Đó là mối quan hệ xung khắc với bố, tình yêu của ông dành cho những cô em gái và mẹ. Những mối quan hệ ngoài đời đó được Kafka đưa vào Hóa thân, dữ dội nhưng cũng rất thực tế, rất “đại chúng”. Người bố của Gregor phản ứng cay nghiệt, miệt thị khi nhìn thấy con trai hóa thành quái vật, người mẹ thương con nhưng ghê tởm thân phận mới của hắn, cô em chiều chuộng, săn sóc anh trai hết lòng nhưng ngây ngô, dễ thay đổi. Còn Gregor, kẻ hết lòng vì gia đình mình, kẻ luôn đặt việc kiếm tiền lên hàng đầu bỗng một ngày trở thành phế vật, mỉa mai thay tới lúc đó hắn mới có thời gian để ngẫm nghĩ về mọi thứ xung quanh mình. Và đó cũng chính là lúc hắn nhận ra có một màng ngăn giữa thế giới hiện tại của hắn và thế giới của những người khác.
Bối cảnh của The Metamorphosis chỉ quẩn quanh ngôi nhà của nhân vật chính Gregor, cụ thể hơn là chỉ trong 4 bức tường bao quanh căn phòng hắn ở, trong bối cảnh đó, Gregor đã bị giam cầm. Từ một trụ cột chính của một gia đình, hắn trở thành quái vật, thành “cục nợ” để rồi dần dần bị lãng quên quá khứ đã từng là Người. Gregor trở thành một kẻ cô đơn, lạc loài ngay trong nhà mình, giữa những người thân của mình. Dù hắn có cố bày tỏ suy nghĩ, cố hành động thể hiện tình yêu thương với mọi người trong nhà tới mức nào thì những hành động của Gregor trong mắt họ vẫn là hành động của loài sâu bọ gớm ghiếc. Và chính Gregor cũng bắt đầu hoài nghi về bản thân, chính hắn cũng cảm thấy xa lạ với con người mình, chính hắn cũng phải tự đặt ra câu hỏi: “Tôi là ai?”. “Hóa thân” là một câu chuyện siêu thực như nhiều câu chuyện khác của Kafka, nhưng nó cũng rất thực tế, rằng số phận của con người rẻ rúng tới mức nào trước bàn tay của số phận, và nơi chốn cô đơn nhất của một người không phải ở những nơi xa lạ mà ở ngay nơi mà hắn thuộc về.
Cốt truyện kì lạ với cách dẫn chuyện không đầu không cuối, thế nhưng Hóa thân lại có một sức hấp dẫn lạ lùng bắt người đọc phải dán chặt mắt vào từng trang sách. Có thể Kafka viết ra câu chuyện này một cách ngẫu hứng, trong lúc tâm lý của ông có vấn đề (Kafka bị nghi ngờ là rối loạn nhân cách – một dạng tâm thần nhẹ, người ta thấy điều đó thể hiện rõ ràng nhất qua Hóa thân) nhưng điều đó lại càng chứng tỏ khả năng thiên tài của Kafka trong lĩnh vực văn chương. Cả cuốn sách giống như một giấc mơ, mà đến tận cuối người đọc vẫn chẳng thể hóa giải nổi nguyên do của giấc mơ ấy. Không ngoa ngôn khi người ta thường gọi Kafka bằng cụm từ “thần tượng của những thần tượng”, nếu bạn tò mò, cứ đọc Hóa thân sẽ rõ.