Hàng trăm người trong trang phục cổ Việt Nam diễu hành quanh các tuyến đường và không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và du khách.
Sáng 19/1, hơn 400 người đã tham gia diễu hành trong ngày hội Việt phục 'Bách Hoa Bộ Hành' mừng Xuân Ất Tỵ 2025.
Đoàn múa nghêu, dẫn đầu đoàn diễu hành cổ phục.
Từ 8h đến 10h, đoàn diễu hành xuất phát từ Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) và kết thúc sau khi làm lễ tại Đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), đoàn Bách Hoa sẽ đi qua các di tích, danh thắng trong khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm.
Trang phục từ các triều đại như Lý, Trần, Lê, Nguyễn... được các bạn trẻ trình diễn dọc theo các tuyến phố.
Ca nương Nguyễn Thu Anh, đến từ đoàn ca trù Hải Phòng, dẫn đầu đoàn múa sênh tiền.
'Hôm nay, đoàn góp vui bằng tiết mục múa sênh tiền, thường được biểu diễn trong các buổi rước thành hoàng, lễ tế, nhằm mua vui cho nhà thánh và tạo không khí vui tươi, phấn khởi, khiến mọi người cảm thấy hân hoan hơn. Những điệu múa này không quá khó để thực hiện, nhưng để đi được quãng đường dài và múa đồng đều, các chị em phải rất hiểu ý nhau, tập luyện thường xuyên để không quên bài và bắt nhịp được với nhau', Thu Anh chia sẻ.
Đoàn diễu hành mất hơn 2 tiếng để đi hết các tuyến phố.
Trịnh Hà Vi thu hút sự chú ý khi diện trang phục ngũ thân tay chẽn, đầu đội khăn vành. Đây là lần thứ hai cô tham gia Bách Hoa Bộ Hành, lần đầu vào tháng 11/2024.
'Những chiếc khăn vành thường được làm sẵn và đội lên rất nhanh, nhưng điểm đặc biệt của chiếc khăn này là được quấn thủ công tỉ mỉ với từng đường quấn chỉn chu từ 15 m vải. Mặc dù hơi nặng, nhưng tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì hiếm có cơ hội nào để trải nghiệm một nét đẹp văn hóa như thế này', cô chia sẻ.
Những bộ cổ phục được các bạn trẻ trình diễn một cách đẹp mắt, tái hiện sinh động vẻ đẹp văn hóa và lịch sử dân tộc qua các giai đoạn.
Đoàn diễu hành cổ phục đi qua khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (quận Hoàn Kiếm).
Trong những năm gần đây, phong trào mặc trang phục truyền thống Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm, đặc biệt là từ các bạn trẻ. Đây không chỉ là cách thể hiện tình yêu đối với văn hóa dân tộc, mà còn là cơ hội để người trẻ hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử và vẻ đẹp tinh tế của các bộ trang phục cổ.
Nguyễn Khánh Huyền (19 tuổi) trong trang phục vân kiên cách tân thời Nguyễn. Đầu thời Nguyễn được tầng lớp quý tộc dùng như loại áo choàng để trang trí và tránh bẩn vai áo. Về sau chỉ thấy sử dụng nhiều cho hát múa, ca kịch. 'Triều Nguyễn với bề dày lịch sử và giá trị văn hóa đặc sắc đã khiến em thích thú và lựa chọn trang phục để tham gia diễu hành', cô nói.
Lưu Huyền Trang, 22 tuổi (ở giữa) khoác lên mình bộ trang phục lấy cảm hứng từ phong cách tiểu thư thời Lê Trung Hưng.
'Đây là lần thứ hai tôi tham gia diễu hành. Tôi đã dậy từ 4h sáng để trang điểm, chuẩn bị và có mặt tại địa điểm tập trung lúc 6h. Tôi cảm thấy tự hào khi đóng góp một phần nhỏ vào việc quảng bá văn hóa Việt phục đến với nhiều bạn trẻ hơn', cô nói.
Lê Ngọc Trâm (19 tuổi), cầm quạt, nổi bật trong bộ áo ngũ thân tay chẽn thời Nguyễn. 'Đây là lần đầu tôi tham gia, cảm thấy rất hạnh phúc khi mọi người xúng xính quần áo, tận hưởng không khí ngày Tết', cô cho hay.