Huyền Chip đã trả lời nhiều thắc mắc của độc giả và trình cuốn hộ chiếu với dày đặc con dấu của các quốc gia đã đi qua.
Sau tập 1 cuốn sách “Xách bá lô lên và đi” – “Châu Á là nhà. Đừng khóc!”. Huyền Chip tiếp tục cho ra mắt tập 2 với tựa đề “Đừng chết ở châu Phi”. Đây là hành trình thử thách bản thân cô gái 23 tuổi qua những vùng đất khắc nghiệt và hoang dã ở châu Phi.
Trong tập 2, Huyền Chip đã cho thấy được một cô gái trưởng thành hơn rất nhiều. Chuyến đi đến châu Phi mang nhiều nét khác biệt và cảm xúc hơn. Chưa bao giờ trải qua nỗi cô đơn, tủi thân và vất vả đến thế, nhưng cũng không nơi đâu đem đến cho Huyền Chip món nợ tình cảm như thế. Cô gái nhỏ bé giữa châu Phi có lúc không xu dính túi, có lúc bị cướp mà không ai giúp…
Khó khăn là thế nhưng cũng có những hạnh phúc đơn giản là đứa trẻ châu Phi vô tư cúi xuống khâu đôi giày rách của cô, những chàng trai ngại ngùng ngỏ ý xin được chạm vào mái tóc dài, bữa cơm đạm bạc nhưng thân mật chỉ dành tiếp khách… Tất cả những điều đó khiến châu Phi – ban đầu là nơi xa lạ và đầy hiểm nguy – đã trở thành món nợ trong trái tim Huyền Chip.
Tuy nhiên, những ngày vừa qua, lại có những tranh cãi của cư dân mạng về chuyện xin visa qua 25 nước, nghi vấn xin việc kiếm tiền quá dễ của Huyền Chip và cả tranh cãi chuyện chi phí thực sự hết bao nhiêu. Trong buổi ra mắt tập 2, Huyền Chip đã có những chia sẻ và giải đáp thắc mắc của độc giả.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra để Huyền Chip giải đáp về chuyến đi gây nhiều tranh cãi.
- Nghi vấn xin visa 25 nước khiến nhiều bạn trẻ thực sự khó tin, bạn giải thích thế nào về điều này?
Nhiều người nghi vấn về xin visa của tôi khi qua nhiều nước. Thậm chí, có một số bạn còn đưa ra lý lẽ một số nước bắt chứng minh tài chính khi xin visa hoặc khó xin visa với hộ chiếu Việt Nam. Tôi thừa nhận xin visa với hộ chiếu Việt Nam rất là khó. Mọi người cũng cần biết xin visa là khó nhưng không phải là tất cả đều khó. Nhiều nước không bắt chứng minh tài chính khi xin visa như Nepal, Tanzania, Zambia, Zimbabue… tôi có thể xin visa hay mua visa tại biên giới. Hành trình của tôi chỉ mới là châu Á và châu Phi, chưa hề sang châu Âu, Mỹ hay Australia và cũng chưa xin visa đi các nước này.
Visa xin khó nhất là khi tôi đi Israel, tôi đã xin visa đi Israel từ Nepal. Tuy nhiên, tôi nhận được yêu cầu về nước để xin visa. Sau đó, tôi gửi email đến lãnh sự quán, giải thích thêm và sau đó vẫn được cấp visa. Cũng có lúc không xin được như visa đi Pakistan. Hoặc như khi xin visa không được, thay vì bay từ Ai Cập sang Sudan thì phải bay từ Ethiopia sang Sudan. Hành trình xin visa sang Nam Phi rất vất vả tại 3 nước mà vẫn không được, cuối cùng tôi phải quay về Việt Nam.
- Có một câu nói của Huyền Chip là “ăn vạ xin visa” khiến cộng đồng mạng khó hiểu, bạn có thể giải thích rõ về sự “ăn vạ” này?
Đó là một câu nói sau khi tôi tham dự hội thảo về du lịch và vấn đề khó xin visa. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã hỏi rằng: “Cháu xin visa như thế nào?”. Lúc đó, sau buổi hội thảo với nhiều thông tin, tôi đùa bác là “Cháu ăn vạ xin visa bác ạ”, tức là người này không cấp thì sẽ gặp cấp trên và thậm chí cấp trên nữa đến lúc không cấp thì thôi. Sau đó, một số tờ báo trích lại câu “ăn vạ xin visa” nên đã đặt ra nghi vấn trong mọi người. Thực ra, Huyền thấy buồn cười vì đó là câu nói đùa.
- Về chi phí 700 USD để đi du lịch 25 nước cũng khiến nhiều người choáng?
Về vấn đề kinh phí, Huyền đã đính chính với một số báo. Thực chất đó là số tiền ban đầu chứ không phải toàn bộ kinh phí của chuyến đi. Với tôi, đi không phải là để lấy thành tích, số nước hay số tiền không quan trọng. Có một số báo khi phỏng vấn hỏi tôi đi được mấy nước, hết bao nhiêu tiền rồi nói đưa ra một con số cụ thể. Bản thân tôi không đếm đã đi qua bao nhiêu nước và khi đưa ra con số ước chừng thì phóng viên đưa ngay lên tít bài, Cho nên, bạn đọc hiểu sai về chuyến đi của Huyền.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng lật từng trang trong cuốn hộ chiếu của Huyền Chip để chứng minh về chuyến đi du lịch qua 25 nước khi một khán giả thắc mắc.
- Chuyện xin tài trợ chi chuyến đi thì như thế nào, Huyền có thể chia sẻ với mọi người ?
Thực ra gần đây có thông tin nói Huyền đi 25 nước hết chi phí 25.000 USD. Đây là con số được lấy trong một bài blog mà tôi viết năm 2010, khi bắt đầu lên kế hoạch cho chuyến đi. Lúc bắt đầu thì tôi không có tiền, nghĩ đơn giản là chỉ đi được tới Ấn Độ là có thể hết tiền. Cho nên, Huyền lên mạng kêu gọi tài trợ. Có một công ty hồi âm, nhưng sau khi đọc hợp đồng thì thấy họ bắt tôi phải đi theo lịch trình, đi nơi này, nơi kia, gửi báo cáo cho họ nên tôi từ chối và đi không có tài trợ Khi có người hỏi về chi phí chuyến đi, lúc đó tôi tạm tính là hết khoảng 25.000 USD.
- Một số người lại nói bạn được gia đình tài trợ?
Huyền lớn lên ở quê, gia đình không phải là đại gia. Số tiền tôi tiêu trong chuyến đi là bản thân tự kiếm được.
- Câu chuyện bạn làm nhân viên sòng bài ở Tanzania cũng khiến nhiều người đặt ra nghi vấn?
Khi ở Tanzania, sau khi trải qua một số công việc với mức lương thấp, tôi nghĩ có thể không đủ tiền đi sang nước khác. Một lần trên đường đi thấy sòng bạc tuyển nhân viên, Huyền mạnh dạn hỏi anh bảo vệ. Tuy nhiên, ban đầu nhận được ánh mắt đầy coi thường. Thế nhưng tôi vẫn nói với bảo vệ là muốn gặp quản lý cao nhất. Không hiểu sao, bảo vệ không đuổi mà vẫn đi báo với quản lý. Chị quản lý ra gặp và trao đổi về nhu cầu tuyển người quảng cáo chương trình khuyến mại hoặc MC trong những bữa tiệc của sòng bài. Mọi người nên nhớ sòng bạc ở châu Phi có quy mô nhỏ hơn ở Lasvegas. Cho nên, nhiều người đưa ra những quy chuẩn của sòng bạc trên thế giới là không phù hợp với sòng bạc ở châu Phi.
Cuộc họp báo thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả.
- Xin việc là điều không dễ, vì sao Huyền Chip lại có thể xin việc có vẻ dễ như vậy trong chuyến đi?
Những việc mình làm chủ yếu bán thời gian, không theo thời gian của văn phòng. Vấn đề quan trọng là không phụ thuộc vào bạn ở đâu mà chủ yếu là năng lực. Vì ở Việt Nam vẫn có những sinh viên ra trường không xin được việc. Nhiều khi đi tìm việc, cửa hàng có thể không cần tuyển nhưng thấy sự nhiệt tình và năng động vẫn giới thiệu bạn sang nơi khác.
- Vậy, tổng chi phí mà Huyền dành để đi hết 25 nước là bao nhiêu?
Huyền không tính cụ thể, ban đầu dự tính khoảng 25.000 USD. Người ta chỉ tính ngân sách khi có tiền để tiêu. Còn trong chuyến đi, có lúc tôi không có 1 xu nào. Tôi cứ đi và kiếm thêm tiền. Tôi cũng chia sẻ là có khi đi mấy ngày mà không tiêu 1 xu nào, thậm chí có những nước châu Phi bạn chỉ cần tiêu 5-10 USD/ngày.
Xin cám ơn những chia sẻ của Huyền Chip!
Ngay từ khi mới ra mắt tập 1, một số độc giả tỏ ra nghi ngờ về số tiền ít ỏi mà chu du được nhiều nước. Tuy nhiên, ngay trước thềm cuộc họp báo ra mắt tập 2 "Đừng chết ở châu Phi", một lần nữa, cư dân mạng lại "đào xới" lại vấn đề này. Hàng loạt ý kiến thắc mắc được đưa ra như chuyện làm visa du lịch mất ít nhất 30 ngày và một số nước còn bắt chứng minh… Thậm chí, công việc của nhân viên sòng bài cũng khiến không ít độc giả đặt ra nghi vấn vì sao một cô gái chưa quen nhiều đã có thể làm việc trong sòng bài… Trước đó, sau khi nhận được những phản hồi, thắc mắc, hoài nghi và tranh cãi trái chiều của độc giả về tính thực tế của những thông tin trong tập 1 cuốn sách xách ba lô lên và đi mang tên: Châu Á là nhà. Đừng khóc, Huyền Chip đã post dòng status trên trang cá nhân mà nhiều người cho rằng đó là phát ngôn cộc lốc, bất kính vì thiếu chủ ngữ: "Gửi mọi người. Sẽ sớm có thông báo chính thức với đầy đủ chứng cớ phản bác các nghi vấn không có cơ sở, thậm chí xuyên tạc. Cũng đã uỷ quyền cho một cơ quan pháp lý xử lý những kẻ có hành vi vu khống, bôi nhọ danh dự cá nhân. Trân trọng". Sau đó Huyền Chip đã đăng lòi xin lỗi như sau: "Trước hết, mình xin lỗi những bạn nào có thắc mắc chính đáng về chuyến đi và cuốn sách của mình và cảm thấy không thoải mái khi đọc status của mình ngày hôm qua. Thắc mắc của các bạn sẽ được trả lời tại buổi họp báo. Buổi hôm đó sẽ có nhiều báo chí, sẽ thuận lợi hơn để ý kiến của các bạn được nhiều người lắng nghe". |