Kết thúc tuần làm việc chính thức đầu tiên sau Tết, nhiều Gen Z mang "tâm trạng ngổn ngang"

Dung Phạm - Ngày 22/02/2024 15:50 PM (GMT+7)

Cạn kiệt năng lượng sau Tết khiến nhiều Gen Z chưa bắt nhịp trở lại với công việc.

Là kỳ nghỉ dài nhất trong năm, không khó hiểu khi sau Tết, từ trẻ nhỏ đến người lớn hầu như đều trở lại với trường học, công sở trong tình trạng uể oải, mệt mỏi. "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" hay "còn mùng còn Tết" là câu nói quen thuộc để nhiều người - trong đó có Gen Z - tự động viên bản thân khi phải tiếp tục "bán mình cho công ty".

"Trầm cảm" sau kỳ nghỉ Tết

Tết Giáp Thìn, đa số các cơ quan, công ty đều cho nhân viên nghỉ từ 6 - 8 ngày. Việc thảnh thơi, thỏa sức nghỉ ngơi suốt kỳ nghỉ Tết dễ khiến nhiều người rơi vào tình trạng không muốn đi làm, "từ chối" trở lại với nhịp sống quen thuộc thường ngày.

Thêm vào đó, mùng 6 Tết năm nay - ngày mà đa số các công ty làm việc trở lại - rơi vào thứ 5 nên không ít người đã sử dụng ngày phép năm để... nghỉ nốt 3 ngày cuối tuần. Nguyên nhân một phần cũng do Tết là thời điểm bận rộn nhất trong năm với đủ thứ công việc không tên, nhiều dịp tụ tập bạn bè ăn uống nên việc cạn kiệt năng lượng dẫn đến nảy sinh tư tưởng cần được nghỉ ngơi thêm là chuyện dễ hiểu.

Tết là khoảng thời gian mọi người dành để nghỉ ngơi, đi du lịch. (Ảnh minh họa: Trần Phương)

Tết là khoảng thời gian mọi người dành để nghỉ ngơi, đi du lịch. (Ảnh minh họa: Trần Phương)

Kiều Anh (24 tuổi, Cà Mau) thừa nhận sau Tết, cô không muốn quay trở lại TP.HCM làm việc. "Cảm giác không đành và cũng nghỉ dài ngày nên mình vẫn trong tâm lý muốn xả hơi thêm. Thực tế hơn là sợ đối mặt và chưa biết giải quyết những việc còn tồn đọng trước tết ra sau. Nói chung mình kiểu hoảng hốt lắm, xa nhà cũng không hề dễ chịu và tự thấy mình như khách, năm ghé qua nhà đôi ba lần" - Kiều Anh tâm sự. Đây cũng là tâm lý chung đối với những bạn trẻ xa nhà đi làm, bởi một năm chỉ có thể về nhà vào dịp Tết. 

Quỳnh Trang (26 tuổi, TP.HCM) bày tỏ cô hồi hộp và háo hức đi làm lại trong ngày đầu năm mới vì nhận được nhiều lời hứa hẹn "trao lộc đón xuân" từ sếp và đồng nghiệp nhưng mọi thứ... chỉ dừng ở đó.

"Hết niềm vui thì mình bắt đầu cảm thấy làm biếng vì nghĩ vẫn đang tháng Giêng mà. Tuy nhiên, mình vẫn duy trì động lực làm việc bằng cách cải thiện CV, phát triển bản thân qua việc học. Nói chung là hơi khó thích nghi lại từ đầu với guồng quay cả năm nhưng mình vẫn giữ tinh thần tích cực, sẵn sàng đối mặt với thử thách mới" - Quỳnh Trang cho biết.

Quỳnh Trang háo hức đi làm nhưng đâu đó vẫn có chút lười biếng trong những ngày đầu năm mới. (Ảnh: NVCC)

Quỳnh Trang háo hức đi làm nhưng đâu đó vẫn có chút lười biếng trong những ngày đầu năm mới. (Ảnh: NVCC)

Giải thích về hội chứng trầm cảm sau kỳ nghỉ lễ, Tiến sĩ Naomi Torres-Mackie - nhà tâm lý học tại Bệnh viện Lenox Hill (Mỹ) từng giải thích, đó là con người quá phấn khích với sự kiện nên khi nó qua đi, họ cảm thấy buồn bã và mệt mỏi hơn, thậm chí là có sự sợ hãi khi đối mặt với những ngày sau đó. Chuyên gia cũng nhấn mạnh, đây không phải trường hợp hiếm gặp và bạn không phải người duy nhất rơi vào tình trạng này, bởi nó là một vấn đề rất bình thường.

Làm cách nào để lấy lại tinh thần làm việc sau Tết?

Nhiều bạn trẻ hài hước chia sẻ, cách phổ biến nhất để lấy lại tinh thần làm việc sau Tết là "tự cứu lấy mình". Hồng Trâm (25 tuổi, Bình Dương) cho biết cô liên tục nhắc nhở bản thân rằng nếu không đi làm sẽ không có tiền mua sắm, trang trải cho cuộc sống nên có lười biếng bao nhiêu cũng phải có gắng đến công ty.

"Mặc dù nghĩ vậy nhưng nói thật là mình vẫn lười, chỉ hi vọng là đến công ty hòa vào không khí làm việc của các anh chị để hưởng ké rồi tự lên dây cót tinh thần" - Hồng Trâm nói.

Chia sẻ với đồng nghiệp cũng là một cách hữu dụng để lấy lại năng lượng. (Ảnh: Marvin Meyer/Unsplash)

Chia sẻ với đồng nghiệp cũng là một cách hữu dụng để lấy lại năng lượng. (Ảnh: Marvin Meyer/Unsplash)

Kết thúc tuần làm việc đầu tiên sau Tết, Kiều Anh nhận thấy mọi thứ đều phải sắp xếp lại, từ thời gian cho đến lối sống, công việc của bản thân và có vẻ phải mất thêm vài ngày, nhịp sống của cô mới trở về quỹ đạo thường nhật.

Cô gái 24 tuổi cũng tự nhắc nhở mình là nếu không lấy lại tinh thần càng nhanh càng tốt sẽ dễ trượt dài trong tinh thần nghỉ ngơi này: "Mình ghi chép các công việc cần làm một cách cụ thể, mức độ ưu tiên ra sao để tuần tự xử lý. Mấy ngày đầu trở lại với công việc sau Tết hơi khó khăn nên việc nào làm trước được thì mình ưu tiên.

Thêm nữa là lập lại giờ giấc sinh hoạt, ngủ đúng giờ và đủ giấc. Mình cũng có một cách hơi không liên quan mấy là xóa mạng xã hội và đọc sách để nhanh... buồn ngủ, đi ngủ sớm".

Kiều Anh lên kế hoạch cụ thể để lấy lại tinh thần sau Tết. (Ảnh: NVCC)

Kiều Anh lên kế hoạch cụ thể để lấy lại tinh thần sau Tết. (Ảnh: NVCC)

Khác biệt với nhiều bạn trẻ, Quỳnh Trang có một cách lấy lại tinh thần khác hơn, đó là... lướt các trang tuyển dụng việc làm. Không phải để "khai bút đầu xuân viết đơn xin nghỉ việc" mà đây là cách giúp cô tìm ra những cơ hội mới, tự tạo động lực để bắt đầu công việc trong ngày đầu năm.

"Mình cũng thường dành thời gian để đặt ra các mục tiêu và kế hoạch cho bản thân, từ đó giúp tạo ra một hướng đi rõ ràng và định hình lại tinh thần làm việc tích cực" - Quỳnh Trang nói thêm.

Theo nhiều chuyên gia, để cân bằng cuộc sống trở lại, mỗi người nên cho bản thân thời gian để thích nghi, không nên tự gây áp lực cho bản thân. Nếu có khó khăn gì, hãy chia sẻ với đồng nghiệp, bạn bè để tránh nảy sinh tâm lý từ chối đi làm. Bên cạnh đó, hãy chú ý đến chế độ ăn uống và khởi động việc tập thể dục thể thao dù ít hay nhiều.

Trôn Việt Nam là gì mà rần rần suốt cả mùa Tết?
Lạ mà quen, "trôn Việt Nam" thực chất xuất phát từ một từ tiếng Anh rất quen thuộc với giới trẻ.

Z Lifestyle

Theo Dung Phạm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h