Lạc giữa miền đau - tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Ngọc Thạch lại lần nữa mở ra những ám ảnh, trăn trở suy tư của con người trong thành phố Sài Gòn, đông nhưng lại quá đỗi cô đơn.
Năm năm sau Khóc giữa Sài Gòn, một số nhân vật của nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch đã trở lại với những câu chuyện mới và những bi kịch mới. Đó là phần mở đầu cho cuốn tiểu thuyết Lạc giữa miền đau vừa được phát hành. Cũng như "tiền truyện" Khóc giữa Sài Gòn, Lạc giữa miền đau tập trung vào mối quan hệ đan xen giữa các nhân vật đầy cá tính và đầy nỗi đau.
Đó là Mễ, cô bác sĩ tâm lý nay đã trở thành mẹ đơn thân, vừa nuôi con, chịu áp lực xã hội vừa sắt son chờ người tình trở về, dẫu rằng chuỗi ngày chờ đợi chỉ như khói sương, không thể nào chạm tới được. Mễ là đại diện cho nỗi trăn trở của người làm mẹ khi nhìn thấy những bức bối xã hội, ảnh hưởng của truyền thông mà e sợ rằng con mình rồi đây sẽ sống trong bối cảnh như vậy, nhưng cũng tràn đầy niềm tin với cách giáo dục, con mình sẽ là thế hệ đầu tiên của thay đổi cho tương lai tốt hơn.
Đó là Ân, cô gái trở về sau những chuyến phiêu lưu dài, mang nỗi ám ảnh vì cơ thể từng bị bọn đàn ông cưỡng đoạt. Cũng từ đó, Ân khoác lên mình sự gai góc, xù xì để che giấu cho con tim, bản ngã yếu đuối bên trong. Ân về Sài Gòn để lạc, để tìm và ghi lại những hình ảnh mặt người nơi này với tất cả các biểu cảm của hoan lạc, khổ hạnh... Để rồi đến cuối cùng, Ân lại bắt đầu con đường rong chơi của mình qua những miền đất mới, tìm những gương mặt mới.
Đó là Khánh, hiện thân bi kịch của người đàn bà yếm thế trong quan hệ hôn nhân. Khánh làm nghề giáo, giữ mọi thứ xung quanh trong chừng mực, ổn định, yêu thích an bình, sợ đổi thay sóng gió. Nên dù khi phát hiện ra trong mối quan hệ hôn nhân bắt đầu có rạn nứt, Khánh vẫn nhất mực nắm giữ, bất chấp việc chính mình tự làm đau mình.
Đó là Kate, cô đàn bà nhan sắc hạng trung, môi đỏ, phì phèo thuốc coi thường đàn ông lẫn xã hội bên ngoài. Kate như bản đối lập của những kiếp đàn bà cam chịu, bởi Kate muốn vùng dậy, đứng lên chống lại kiếp đàn bà và làm chủ suy nghĩ của đám đông ngoài kia. Kate độc đoán nhưng cũng độc đáo, là nhân vật mà Thạch tạo ra để dành bất ngờ cho đoạn kết của mình.
Đó là Sinh vật Cô đơn, cậu trai trẻ có cuộc sống nhàm tẻ và nội tâm phức tạp đến rợn người. Sinh vật Cô đơn là đại diện cho nỗi khó khăn của bất kỳ người trẻ nào khi tập tững bước vào đời, nơi đó họ bơ vơ, xa rời những lớp bảo vệ của nhà trường, gia đìng hay bạn bè, tập làm quen với căn phòng trắng trống toác hơi người và nỗi ám ảnh phải làm gì đó cống hiến cho cuộc sống.
Đó là Đăng và Khoa, hai gã trai cùng xuất phát điểm nhưng chọn cách tẻ sang hai hướng để thành đối thủ của nhau và cuối cùng, qua tất cả, lại gặp nhau ở nơi tâm tối nhất trong cuộc đời.
Và đó là Phan, người đàn ông nay đã ngoài ba mươi, trở về nơi bắt đầu để kết thúc cơn ác mộng đeo bám mình nhiều năm qua. Phan không còn ngạo nghễ, Phan không còn hiếu chiến, nhưng chính quá khứ đã không để Phan thoát khỏi vòng lặp của số phận. Và trong Phan là những ám ảnh mang tên Nam.
Những nhân vật đó tồn tại và giao thoa trong thế giới tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Thạch tạo ra. Nơi đó tạm gọi tên Sài Gòn nhưng chắc hẳn ở một thì không gian khác, bởi những hình trong đó là đan xen giữa hiện tại và quá khứ, tuyến xe Metro đã hoàn thành, quảng trường đi bộ vừa làm xong, bên bờ con sông huyết mạch vẫn tồn tại những xóm trọ bốc mùi nghèo đói. Bối cảnh trong sách không mới, nhưng những góc Nguyễn Ngọc Thạch khai thác lại mang đến cho người đọc những cảm giác hoàn toàn mới.
Bên cạnh đó, những vấn đề nổi trội trên truyền thông trong thời gian qua cũng được Thạch đưa vào tác phẩm với một sức sống mới, châm biếm và đầy trào phúng. Người đọc có thể bắt gặp những chuyện Nguyễn Ngọc Thạch kể sao mà quen quá với những gì đã đọc nhan nhản trên mạng, nhưng chắc chắn đến cái kết của mỗi truyện, người ta lại bật cười vì cách Nguyễn Ngọc Thạch mỉa mai.
Thay vì các câu chuyện “bom tấn” được truyền thông tạo ra một cách có chủ ý trong Khóc giữa Sài Gòn để câu khách, Lạc giữa miền đau lại đi vào “mổ xẻ” chuyện người ta dùng truyền thông để nổi danh, kiếm cơm một cách dễ dàng: Trong nền công nghiệp giải trí hiện tại, đâu thiếu những giọng ca đầy nội lực, cá tính nhưng mãi chẳng thể ngóc đầu lên nổi, dù là đi hát vất va vất vưởng hàng chục năm trời…
Ngược lại, có những người cất lên tiếng hát như thảm họa những vẫn được một nhóm đông gọi là “ca sĩ” và mời tới tham gia hết chương trình nọ đến chương trình kia. Nghệ thuật là ở chỗ đằng sau những giọng hát “thảm họa” kia là những cái đầu làm truyền thông cực tốt. Và tàn nhẫn ở chỗ, khi những miếng mồi ngon không còn chút dinh dưỡng nào để bòn rút, truyền thông sẽ quay lưng ngoảnh mặt như thể nhân vật tài năng kiệt xuất kia chưa từng có tên trên tấm bản đồ giải trí.
So với những tác giả cùng thời, Nguyễn Ngọc Thạch chọn con đường đi gập ghềnh hơn hẳn khi các tác phẩm của Thạch đa phần đều là tiểu thuyết hiện thực xã hội, thứ vốn dĩ khó viết, khó tiếp cận và kén người đọc hơn những cuốn sách tản văn tình yêu ngoài kia. Điểm yếu của Thạch trong hành văn là những đoạn miêu tả tâm lý nhân vật vẫn chưa được khắc hoạ đủ sâu để người đọc đi đến tận cùng suy nghĩ. Điểm mạnh là lối hành văn trực diện, kể chuyện tự nhiên có tính dẫn dắt rất tốt để người ta không bỏ sách Thạch xuống vì bản thân câu chuyện Thạch kể cần người đọc bỏ nhiều kiên nhẫn để theo dõi.
Sau Khóc giữa Sài Gòn, Lạc giữa miền đau chắc chắn sẽ là cuốn tiểu thuyết gieo rắc ám ảnh trong lòng người đọc khác của Nguyễn Ngọc Thạch. Sách hiện đã được phát hành rộng rãi tại các nhà sách trên cả nước.