Cùng nghe Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ về tác phẩm vừa ra mắt mang tên Lạc giữa miền đau của anh.
Là một tác giả trẻ được cộng đồng mạng quan tâm, Nguyễn Ngọc Thạch nổi tiếng với những tựa sách như Đời Callboy, Lòng dạ đàn bà, Lưng chừng cô đơn, Sông máu... Không giống những cây bút khác, ngay từ khi bắt đầu sáng tác, Nguyễn Ngọc Thạch đã lựa chọn khai thác những đề tài nhạy cảm và gai góc như đồng tính, mại dâm, chuyển giới. Mặc dù đây vốn được xem là những chủ đề dễ gây tranh cãi song bằng lối viết trần tục, không hoa mỹ nhưng vẫn giàu cảm xúc, các tác phẩm của anh đã được độc giả đón nhận nhiệt tình.
- Anh nghĩ gì khi là tác giả có nhiều buổi ký tặng nhất tại Hội sách TP.HCM năm 2016?
Mình chẳng nghĩ được gì cả, vì thực tế mình đâu phải ký tên nhiều nhất. Mình chỉ có ba buổi ký tặng, mỗi buổi dài tầm ba tiếng thôi. Sau đó mình bị ô nhiễm tiếng ồn ở Hội sách, đau đầu nên phải huỷ buổi ký tặng cuối cùng. Có những tác giả khác mình phục lắm, vì có thể ngày nào cũng ra ngồi ký tên, thậm chí có ngày ra đến hai ba lần, còn mình thì sức khoẻ thật không cho phép làm vậy nổi.
- Các cuốn sách mới ra đời của Nguyễn Ngọc Thạch liệu có bị tác động bởi hiệu ứng hội sách, khi hầu hết tác giả đều muốn kịp có tác phẩm để tham dự. Nếu có, tác động này là tích cực hay tiêu cực?
Với mình thì thời điểm không quan trọng, vì lịch ra tác phẩm của mình mỗi năm vẫn đều đặn vào hai lần là tháng ba và tháng chín, năm nay thì tháng ba trùng với Hội sách. Còn chuyện chất lượng của sách có bị ảnh hưởng hay không thì câu trả lời cũng là không. Với mình, mỗi một cuốn sách xuất bản đều được viết cẩn trọng cả về nội dung lẫn ý tứ.
Dĩ nhiên với áp lực của Hội sách, các công đoạn chế bản sách như xin giấy phép, in ấn đều phải bị đẩy lên với tốc độ gấp nhiều lần bình thường, nên những sai sót như lỗi in ấn, biên tập cực kỳ khó tránh khỏi. Qua đây, mình xin gởi lời xin lỗi đến toàn thể độc giả cho những sự cố về chất lượng thành phẩm sách lần này.
- Lần trở lại này của Nguyễn Ngọc Thạch có vẻ không ầm ĩ như cuốn sách trước là Người cũ còn thương, là dụng ý hay là yếu tố bão hoà sau nhiều lần ra mắt liên tiếp?
Mình chưa bao giờ ra sách ầm ĩ cả. Với mình mỗi lần ra mắt tác phẩm là một kỷ niệm cùng độc giả, mà kỷ niệm thì chỉ cần vừa đủ để giữ trong tim là được, càng phô trương lại càng dễ quên.
Bản thân hai tác phẩm “Người cũ còn thương” và “Lạc giữa miền đau” cơ bản là khác nhau về thể loại. Một là tản văn còn một là tiểu thuyết, nên cách đón nhận từ nhóm người đọc cũng khác nhau. Tản văn dễ đọc và dễ được chọn đọc bởi đám đông, trong khi đó tiểu thuyết thì cần độc giả kiên nhẫn hơn. Vì sự khác nhau đó, nên dĩ nhiên cách phản ứng của thị trường cũng khác nhau. Nhưng sức sống của tiểu thuyết là một mạch ngầm, như “Khóc giữa Sài Gòn” vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng độc giả mặc dù khi ra mắt, thị trường còn hờ hững hơn rất nhiều so với “Lạc giữa miền đau”.
- Có ý kiến bình luận cho rằng Lạc giữa miền đau là cú "xuống dốc" của Nguyễn Ngọc Thạch, anh nghĩ sao?
Mình đã bao giờ lên được dốc đâu mà đi xuống… Mỗi tác phẩm của mình viết ra đều mang một yếu tố và linh hồn riêng, nên không thể nhìn nhận hay so sánh các tác phẩm với nhau. Một cuốn sách, chỉ cần có nhóm độc giả của nó là thành công, chuyện hay hoặc dở hơn so với những tác phẩm trước đây chỉ đều là so sánh cảm tính của từng người đọc.
Với mình, nghiệp viết là một con đường dài. Ra một hai cuốn sách để nổi tiếng và có chục ngàn người mua, tới nay không quá khó. Nhưng ra đến cuốn thứ mười vẫn có rất nhiều người ủng hộ, đó mới là cái đích đến của người theo nghiệp cầm bút nên hướng về. Đường của mình, còn dài và gian nan lắm, vẫn đang từ từ lên dốc thôi.
- Anh đánh giá thế nào về kết quả top 10 cuốn sách bán chạy nhất Hội sách TP.HCM 2016? Cụ thể, anh đã đọc bao nhiêu cuốn trong số đó, và thấy gì ở thị hiếu của độc giả năm nay?
Mình chưa đọc tác phẩm nào trong đó cả vì hiện tại để dành thời gian đọc các tài liệu liên quan đến công việc và những cuốn sách về tâm lý tội phạm.
Kết quả của Hội sách mỗi năm theo mình đều phản ánh rất chân thực về bức tranh đọc gì của người mua sách hiện tại. Nhìn vào đó, điều chúng ta thấy rõ ràng là dòng sách tản văn vẫn đang chiếm đa số và thị trường đọc hiện nay người trẻ vẫn chiếm chủ yếu.
Mặt tích cực của vấn đề này chính là tạo nên thói quen đọc sách của giới trẻ. Nhiều người hay cho rằng những cuốn sách hiện tại yếu kém về chất lượng văn học và không giúp được gì cho người trẻ , chủ yếu các bạn mua theo trào lưu để ủng hộ cho thần tượng của họ. Nhưng nếu các bạn trẻ chịu mua sách, đọc sách thay vì dành thời gian cho những thú vui giải trí khác, vậy chẳng phải hay hơn sao?
Về mặt tiêu cực, việc viết và xuất bản quá nhiều tản văn trong thời điểm hiện tại khiến thị trường sách bão hoà và thiếu đi những cá tính văn học cần thiết, dẫn đến những nhận định cho rằng người viết hiện nay dễ dãi với ngòi bút quá. Bản thân người viết cũng mãi loay hoay trong những cảm xúc cố gắng với tới hoặc được biện giải bằng nhiều ngôn từ khác nhau. Về lâu dài, điều này làm hạn chế khả năng sáng tạo của tác giả.
- Liệu sẽ đến một lúc nào đó, Nguyễn Ngọc Thạch thôi viết về Sài Gòn?
Mình nghĩ là không. Bởi Sài Gòn trong máu và trong tim mình, nó tồn tại trong văn mình không chỉ đơn thuần như một bối cảnh cho nhân vật mà là hơi thở của họ cũng phảng phất mùi Sài Gòn. Nhưng dĩ nhiên cách khai thác về Sài Gòn sẽ không giống trước đây, còn cụ thể khác biệt ra sao, mình nghĩ phải chờ tác phẩm sau của mình thì mọi người sẽ biết.
- Và một Nguyễn Ngọc Thạch không phải là tác giả viết sách, liệu công chúng có được thấy anh xuất hiện với một danh xưng mới hay không?
Hiện tại mình đang bắt đầu học và thực hành viết kịch bản phim điện ảnh và chuyển thể chính tác phẩm của mình thành kịch bản phim. Danh xưng này tạm gọi là “biên kịch” và mình cảm thấy cực kỳ hứng thú với nó. Hi vọng mọi chuyện thuận lợi để đến một ngày không xa, mọi người có thể ra rạp và coi một bộ phim do mình làm biên kịch.
Cảm ơn Nguyễn Ngọc Thạch về bài phỏng vấn này!