Tân Hóa là làng duy nhất của Việt Nam được UNWTO bầu chọn trong danh sách 260 làng đến từ 60 quốc gia tham gia dự giải năm 2023. Trong cơn bão số 4 vừa qua, hàng trăm ngôi nhà tại đây bị ngập sâu trong nước. Có lúc nước lũ dâng cao tới 2m, cô lập Tân Hóa hoàn toàn với bên ngoài.
Tân Hóa là một xã miền núi của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hùng vĩ cùng những nét văn hóa đặc sắc. Được xem là "vùng rốn lũ", Tân Hóa là làng duy nhất của Việt Nam được UNWTO bầu chọn trong danh sách 260 làng đến từ 60 quốc gia tham gia dự giải năm 2023.
Tuy nhiên, xã Tân Hóa nằm trong địa hình "lòng chảo", bao quanh là núi đá. Trong cơn bão số 4 đổ bộ vào miền Trung vài ngày qua, mưa lớn đã khiến nước từ các sông, suối trên thượng nguồn đổ về khiến hơn hàng trăm ngôi nhà dân bị ngập sâu trong nước. Mưa lũ đã làm hơn 400 nhà dân ở Tân Hóa bị ngập sâu từ 0,5 - 2 m. Nước lũ dâng cao gần 2m cô lập hoàn toàn Tân Hóa với bên ngoài.
Năm nay, tình hình ngập lụt nghiêm trọng đã được chính quyền địa phương cảnh báo sau bão số 4 đi qua. Người dân đã chuẩn bị đồ đạc, vật dụng và tài sản lên nhà phao tránh trú nên mọi thứ diễn ra an toàn.
Ngôi làng từng được lên phim Việt Nam và cả quốc tế
Tân Hoá là một xã miền núi vùng sâu của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Xã có diện tích tự nhiên là 7.427,20 ha, nằm ở giữa các dãy núi đá vôi, có nhiều hệ thống hang động được kiến tạo qua hàng triệu năm như: Hang con Chuột, hang Dơi, hang Tụng, hang Tú Làn… Đây là nguồn lợi lớn về du lịch sinh thái và du lịch hang động.
Do vị trí địa lý và cấu tạo đặc thù của địa hình, Tân Hóa nằm ở phía tây của dãy hoành sơn và sự án ngự bởi các dãy núi đá vôi nên mang đậm tính chất khí hậu cận nhiệt đới, thể hiện rõ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Quanh năm khí hậu nóng, ẩm ướt, mưa nhiều và rét đậm.
Tân Hóa có phong cảnh sơn thủy hữu tình, với những dãy núi đá vôi trùng trùng điệp điệp ôm lấy thung lũng bao la cùng những cánh đồng cỏ bất tận. Xẻ ngang giữa thung lũng là con sông Rào Nan hiền hòa, xanh màu ngọc bích bồi đắp phù sa cho những cánh đồng hai bên bờ sông mỗi độ mưa về.
Tân Hóa còn nổi tiếng với hệ thống hang động Tú Làn xinh đẹp, nơi được chọn làm bối cảnh cho những bộ phim nổi tiếng trong nước cũng như quốc tế như: phim “Người Bất tử” của đạo diễn Victor Vũ, phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ và phim “Kong - Đảo Đầu lâu” của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts.
Từ vùng “rốn lũ” đến ngôi làng du lịch tốt nhất thế giới
Tân Hóa được nhiều du khách biết đến nhờ vẻ đẹp thiên nhiên của núi rừng và phong cảnh bình yên. Tuy nhiên, ngôi làng này cũng nằm trong khu vực được ví như "rốn lũ", "túi đựng nước" do thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập lụt vào mùa mưa.
Dòng sông Rào Nan khởi nguồn từ vùng núi giáp biên giới Việt - Lào, chảy ngầm khoảng gần 3km vào Hang Rục thuộc xã Trung Hóa rồi chảy về hạ nguồn tại làng Tân Hóa.
Mùa mưa, nước sông đổ ào ạt từ vùng thượng nguồn chảy về xã Tân Hóa. Lối thoát nước duy nhất chính là những hang động ở cuối thung lũng, tuy nhiên những lối thoát này không đủ lớn để lượng nước lũ ồ ạt có thể thoát ra một cách nhanh chóng. Vì vậy, vào các tháng 10 và 11 hàng năm, nơi đây phải hứng chịu hàng chục cơn lũ mỗi năm, với mực nước có thể cao đến 12m vào thời điểm đỉnh lũ.
Sau đợt lũ lịch sử năm 2010, đoàn cán bộ Xã Tân Hóa đã đi học hỏi mô hình ở nhiều nơi về phương án sống chung với lũ. Từ đó, họ đã sáng chế ra nhà nổi, rộng khoảng 20m2 làm bằng gỗ và có hệ thống thùng phuy được cột chặt bên dưới, giúp cho nhà có thể nổi được khi nước lũ dâng cao. Ngoài ra, mỗi một ngôi nhà còn có những cây cột để níu giữ, đảm bảo nhà không bị nước lũ cuốn trôi.
Từng bước đưa Tân Hoá từ một vùng được xem là "rốn lũ" của Quảng Bình trở thành trung tâm du lịch trọng điểm phía Tây Bắc, từ năm 2014, Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị du lịch xây dựng chiến lược phát triển từng bước vững chắc cho Tân Hoá: Đưa người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch đến việc từng bước đưa người dân làm chủ các dịch vụ mà họ cung cấp cho khách du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn, sản phẩm tour lái mô tô địa hình khám phá rừng Lim và các sản phẩm khác nhằm từng bước đa dạng hoá các dịch vụ dành cho khách du lịch.
Tháng 10-2023, làng Tân Hóa, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh "Làng du lịch tốt nhất thế giới". Tân Hoá được định hướng phát triển theo mô hình làng du lịch thích ứng với thời tiết, cung cấp các trải nghiệm đa dạng cho du lịch từ homestay, trải nghiệm công việc làm nông, ăn uống tại nhà dân, quầy hàng lưu niệm và trong các dịch vụ đa dạng khác dành cho khách du lịch.
Đến làng du lịch Tân Hóa chơi gì?
1. Khám phá hệ thống hang động Tú Làn:
Tân Hóa nổi tiếng với hệ thống hang động Tú Làn kỳ vĩ, là một trong những điểm thu hút du khách hàng đầu. Bạn có thể tham gia các tour khám phá hang động, bơi qua sông ngầm, chiêm ngưỡng những khối thạch nhũ tuyệt đẹp. Nhiều tour du lịch còn cung cấp dịch vụ cắm trại qua đêm trong lòng hang động, giúp bạn tận hưởng không gian yên tĩnh và khám phá vẻ đẹp của hang động về đêm.
Trekking tại hang động Tú Làn là hoạt động yêu thích của nhiều người trẻ.
2. Lái xe địa hình xuyên rừng lim
Với du khách yêu thích trải nghiệm mạo hiểm, hoạt động này hứa hẹn sẽ mang lại những cảm giác mới lạ. Theo đó, bạn có thể book tour hoặc thuê xe ATV địa hình, tự điều khiển xe qua những con đường, suối và khám phá rừng nguyên sinh. Điểm nhấn của hành trình là đoạn đường hầm gợi nhớ đến bối cảnh của bộ phim Kong: Skull Island từng quay tại nơi này. Chỉ mất khoảng 2 tiếng để bạn trải nghiệm rừng lim bạt ngàn.
3. Tham quan Hang Chuột
Nếu không có quá nhiều thời gian thám hiểm, bạn có thể đến Hang Chuột trải nghiêm. Đây là hang động khô dài hơn 400 m nối từ làng Tân Hóa với thung lũng Laken phía bên kia dãy núi. Du khách được trang bị mũ bảo hiểm, đèn đội đầu và các trang thiết bị an toàn để thám hiểm hang. Đây là hang động tuy nhỏ nhưng nhiều thạch nhũ tráng lệ, vòm hang cao, cửa hang rộng, hình trái tim.
Bạn có thể kết thúc buổi thám hiểm hang sau khoảng 3 tiếng.
Đặc sản ở làng Tân Hóa
Ẩm thực cũng là một phần không thể thiếu để tạo nên vẻ đẹp văn hóa của làng du lịch tốt nhất thế giới. Trong số những món ngon khu vực này, cơm Pồi được xem như một biểu tượng đặc biệt. Món ăn này không chỉ đơn thuần là thức ăn mà còn là kết tinh của sự đoàn kết, của tình làng nghĩa xóm. Nguyên liệu chính để làm cơm Pồi là sậu (ngô) hoặc thoóc (lúa), sắn, cùng với đậu. Quá trình chế biến cơm Pồi là một hành trình trải nghiệm văn hóa độc đáo. Người Nguồn sẽ ngâm ngô, giã nhuyễn, nhồi bột và hấp cách thủy trong những chiếc chõ bằng tre nứa. Mỗi công đoạn đều được thực hiện tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn.
Cơm Pồi khi chín tỏa ra hương thơm đặc trưng khiến du khách ăn một lần khó quên.