Trung Quốc là quốc gia có nền văn hóa vô cùng đa dạng song bên cạnh đó thế giới còn biết đến quốc gia này với không ít những hủ tục rùng rợn. Minh hôn hay âm hôn (đám cưới ma) là một trong số đó. Đám cưới này là sự kết duyên giữa hai người đã mất hoặc một người vừa mất và một người còn sống.
Cho đến tận ngày nay, nhiều người Trung Quốc vẫn tin rằng một người qua đời khi chưa kết hôn là một điềm xấu và gia đình họ sẽ bị xui xẻo. Người đó sẽ cô đơn ở kiếp sau hoặc linh hồn không siêu thoát, sẽ ở lại "ám" vào những người còn sống trong gia đình.
Người Trung Quốc tổ chức đám cưới ma với mong muốn “người chết” sẽ hạnh phúc, người sống luôn bình an, may mắn.
Nếu muốn gia đình yên ổn phải cưới cho người đã chết một cô gái hay chàng trai hoặc tổ chức âm hôn cho người đã chết một đám cưới nơi địa phủ.
“Đám cưới ma" có từ khi nào?
“Đám cưới ma” hay còn gọi là minh hôn, âm hôn được cho rằng có lịch sử rất lâu đời ở Trung Quốc nhưng không được ghi lại một cách rõ ràng. Tuy nhiên, nó rất thịnh hành trong các thời kì phong kiến Trung Quốc, đặc biệt thời Hán, Tống nhưng mai một dần vào cuối đời nhà Thanh.
Âm hôn tại Trung Quốc có lịch sử lâu đời và vô cùng thịnh hành qua các triều đại phong kiến.
Lịch sử Trung Quốc còn ghi lại điển tích: vào năm Kiến An thứ 13, Tào Xung - con trai Tào Tháo không may chết sớm. Tào Tháo đau khổ, day dứt vì chưa cưới được vợ cho con khi còn sống nên muốn tìm một tiểu thư gia đình quyền quý đã chết để làm lễ cưới với Tào Xung.
Một thời gian sau, nghe nói nhà họ Chân có con gái chết yểu, Tào Tháo liền đến nói chuyện. Hai gia đình chọn ngày lành tháng tốt tổ chức "đám cưới ma" như thật, sau đó mới tiến hành hợp táng cho "đôi vợ chồng mới cưới".
Người Trung Quốc vốn rất tin vào phong thủy mồ mả, họ cho rằng những ngôi mộ cô độc sẽ ảnh hưởng tới sự hưng thịnh của hậu duệ sau này. Thêm vào đó, nhiều nhà phong thủy vì muốn kiếm tiền bất chính nên xúi giục các gia đình cử hành âm hôn.
Người chết chưa từng kết hôn sẽ được người thân tổ chức đám cưới với người đã chết khác hoặc người còn sống.
Nghi thức tổ chức “đám cưới ma”
Việc tổ chức một “đám cưới ma” cũng phải tiến hành như với người đang sống, không được phép bỏ qua bất kỳ một tiểu tiết nào bởi nhiều người quan niệm rằng, những hồn ma chưa được tổ chức hôn lễ sẽ rất khó tính, nếu không khéo chiều thì người nhà sẽ bị họ hành đến hết đời. Tổ chức một “đám cưới ma” là vô cùng tốn kém, do đó, âm hôn thường diễn ra trong những gia đình giàu có thời xưa.
Trần sao âm vậy, “đám cưới ma” được tổ chức không khác gì hôn lễ thật và thực sự rất tốn kém.
Theo ghi chép, những nam nữ thanh niên chưa kết hôn không may chết sớm thì cha mẹ bắt buộc phải nhờ "quỷ mai mối" đi dạm hỏi cưới xin, sau đó tiến hành xem quẻ. Nếu như xem quẻ đồng ý cho cưới thì hồn ma của đôi nam nữ sẽ được may áo cưới rồi cử hành hôn lễ và chôn cất hai người cùng một mộ.
Nếu “cô dâu, chú rể” đều đã quá đời thì sau đám cưới họ sẽ được chôn chung một mộ.
Trong nghi thức âm hôn, nếu cả cô dâu và chú rể đều đã qua đời thì họ sẽ được đại diện bằng hình nhân, đặt trên bàn thờ. Nhà trai cũng phải tặng lễ vật cho nhà gái, mọi đồ ăn thức uống đều là thật, chỉ có duy nhất quần áo và trang sức là đồ vàng mã được đốt sau lễ âm hôn để cô dâu hưởng dưới suối vàng. Trong khi đốt vàng mã, nhà trai sẽ đứng quây xung quanh, đánh trống thổi kèn.
Các “đám cưới ma” thông thường nhất là giữa những chàng trai và cô gái chết trẻ chưa từng kết hôn (ảnh minh họa).
Nếu chú rể còn sống kết hôn với một cô dâu "ma" hoặc ngược lại thì thay vì để 2 hình nhân người ta chỉ để một bức ảnh cô dâu hay chú rể còn các nghi thức khác tiến hành như bình thường.
Những gia đình có con gái chết trẻ thường tìm mua chú rể sống với mong muốn chẳng may cha mẹ qua đời, anh em không có thì người thân của mình còn có người thờ phụng.
Sau nghi lễ âm hôn, hai bên gia đình thông gia với "cô dâu, chú rể" sẽ trở nên gắn bó với nhau hơn, đặc biệt là trong các dịp lễ Tết, hội hè. Thậm chí, người Trung Quốc còn cho rằng "đám cưới ma" là một cuộc hôn nhân trường tồn, vĩnh cửu. Hai người ở cõi âm sẽ sống hạnh phúc mãi mãi bên nhau, không hề có chuyện ly dị như các đôi vợ chồng trên dương gian.
Hệ lụy của âm hôn và nạn buôn bán "cô dâu, chú rể ma"
Chính phủ Trung Quốc đã chính thức cấm hủ tục đám cưới ma từ năm 1949. Tuy nhiên hiện nay, hủ tục này lại tiếp tục thịnh hành trở lại.
Với niềm tin vào tâm linh, sự mê tín một cách mù quáng, tại nhiều vùng nông thôn vẫn thường diễn ra việc mua xác chết chưa kết hôn thậm chí là trộm xác, cướp xác và dẫn đến những vụ giết người để làm nguồn cung cấp xác chết để làm “đám cưới ma”.
Với giá cao ngất trên thị trường chợ đen, nhiều ngôi mộ của người chết trẻ bị đào trộm phục vụ cho các “đám cưới ma” đang thịnh hành trở lại ở nhiều vùng Trung Quốc.
Âm hôn bị coi là phạm pháp nhưng một số gia đình khá giả ở nông thôn vẫn sẵn sàng bỏ tiền để mua "cô dâu ma" cho con trai đã chết. Những phụ nữ xinh đẹp chết trẻ thì càng có giá cao, giá một xác chết nữ mới qua đời trên thị trường chợ đen có thể lên tới 30.000 USD (gần 650 triệu đồng).
Nhiều cô gái trẻ bị bắt cóc, sau đó giết chết để bán xác cho những người có nhu cầu tổ chức “đám cưới ma”.
Âm hôn không những tốn kém mà còn gây ra nhiều tệ nạn, chính vì vậy chính phủ Trung Quốc vẫn đang nỗ lực để dẹp bỏ hủ tục này. Những vụ phạm tội nảy sinh từ "đám cưới ma" hết sức nghiêm trọng nhưng chế tài không đủ mạnh khiến loại tội phạm này có xu hướng gia tăng. Và chắc chắn rằng, hủ tục này sẽ vẫn tồn tại nếu người dân còn mù quáng tin vào ảnh hưởng của âm hôn với đời sống.