Việc mặc trang phục Hàn Quốc trong bối cảnh rất Bắc bộ bên cây hồng trăm tuổi ở Ninh Bình đã nảy ra tranh cãi quyết liệt.
Gần đây, giới trẻ khắp nơi nô nức tìm đến check in bên cây hồng trăm tuổi ở Ninh Bình khiến cho nơi đây trở nên tấp nập. Đây là cây hồng cổ trong khuôn viên một hộ dân tại thôn Khê Hạ, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Bà Xiêm - chủ nhân của ngôi nhà có cây hồng bất ngờ nổi tiếng (Ảnh: Mai Duyên)
Cây hồng sai trĩu quả trăm tuổi ở Ninh Bình nằm bên một cánh cổng cũ, bức tường rêu phong đã tạo nên góc "sống ảo" vô cùng độc lạ và đầy hoài niệm.
Để phù hợp với bối cảnh, nhiều bạn trẻ có ý tưởng mặc trang phục dân tộc, mang lại bức ảnh như kéo ngược thời gian.
Gần đây nổi lên xu hướng mặc trang phục hanbok của Hàn Quốc để check in. Trang phục được thuê ngay tại địa điểm có cây hồng trăm tuổi này.
Trend mặc trang phục Hàn Quốc đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn
Bên cây hồng, mặc trang phục truyền thống của Hàn Quốc cũng khá phù hợp vì đây cũng là đất nước có đặc sản nổi tiếng là quả hồng, hồng dẻo, hay được người Việt mang về làm quà. Nhất là khi bức ảnh được decor thêm dòng chữ Hàn vào thì ai cũng ngỡ đang check in ở xứ sở kim chi.
Trang phục áo dài truyền thống được nhiều người khen ngợi
Dù nhìn khá độc lạ và đẹp mắt nhưng xu hướng này cũng bị chỉ trích, tranh cãi khá nhiều. Họ cho rằng đây là biểu hiện của sự "lai căng", "xa rời bản sắc dân tộc", "sính ngoại"... Bởi với bối cảnh đẹp như vậy thì mặc gì cũng đẹp, sao cứ phải là Hàn Quốc? Đây là điều khó chấp nhận vì mặc trang phục dân tộc của nước khác ở một địa điểm du lịch nổi tiếng là không phù hợp, khập khiễng.
Có những ngày, hàng chục du khách đồng loạt diện hanbok đứng chờ chụp ảnh (Ảnh: Mai Duyên)
"Tôi thấy hình ảnh này đậm chất Việt Nam, là hình ảnh đặc trưng của làng quê Bắc bộ chứ đâu mang nét Hàn Quốc? Trang phục truyền thống Việt Nam rất đẹp sao các bạn không mặc? Đừng "râu ông nọ cắm cằm bà kia như vậy", một độc giả bày tỏ.
Ngược lại ý kiến phản đối thì cũng có nhiều người cho rằng không nên khắt khe quá vì đây chỉ là sở thích mang tính nhất thời. Hơn nữa, với bối cảnh này nếu mặc áo dài truyền thống của Việt Nam sẽ không đẹp hoặc quá "nhàm" rồi. Đổi mới sẽ mang lại sự độc đáo, hút "like" khi chia sẻ trên facebook.
Cây hồng trăm tuổi bên tường đá rêu phong (Ảnh: Chu Phương Linh)
"Đây là sở thích cá nhân của các bạn, các bạn ấy mặc theo sở thích sao mọi khắt khe thế nhỉ. Họ mặc gì cảm thấy tự tin, không hở hang quá đáng là được. Mà cũng chỉ là 1 chỗ checkin vui vui chứ có phải di tích di sản của đất nước rồi mang hanbok ra mặc đâu mà đã quy chụp là mất văn hoá. Nghe nghiêm trọng quá"; "đây chỉ là nhà dân, không phải di tích lịch sử được nhà nước công nhận nên việc mặc gì là quyền của mọi người, miễn không lố lăng là được"; "Trang phục Hàn Quốc cũng đẹp mà"; "thời đại giao thoa văn hoá nên mặc trang phục nước ngoài đâu có gì là cấm kỵ. Biết đâu lại kéo được khách du lịch Hàn đến"... là những ý kiến ủng hộ của "phe" ngược lại.