Đây là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới và được xếp vào nhóm loài cực kỳ nguy cấp và gần tuyệt chủng do người dân săn lùng để lấy trứng.
Cá tầm Kaluga tiếng Trung gọi là Cá hoàng là một loài cá ăn thịt có hành vi ngược dòng sông để đẻ trứng trong họ Acipenseridae của bộ Acipenseriformes.
Loài cá này có chiều dài phát triển cực đại lên tới 5,6m và nặng trung bình 400kg. Thậm chí, có con đạt trọng lượng tới 1 tấn khi trưởng thành. Tuổi thọ của chúng có thể kéo dài tới 80 năm.
Trứng, thịt, bóng của loài cá này là món ăn đặc sản của con người. Thịt của chúng được xếp vào thực đơn hàng ngày của vua chúa thời xưa. Vì thế mà loài cá này đã bị con người săn lùng và truy bắt từ hàng ngàn năm nay. Chúng đang được xếp vào nhóm loài cực kỳ nguy cấp và gần tuyệt chủng do người dân săn lùng để lấy trứng.
Trứng cá muối được lấy ra từ những con cá tầm Kaluga nổi tiếng trên toàn thế giới và có mức giá đắt đỏ không tưởng, có thể lên đến 7.000-10.000 USD/kg. Đây là món ăn sang chảnh chỉ dành cho giới nhà giàu và có biệt danh là "vàng đen". Trong nhiều thập kỷ, trứng cá muối được xem là một biểu tượng của cuộc sống thượng lưu.
Với vùng biển Caspian, Nga từng thống trị thị trường trứng cá muối toàn cầu cho đến khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Năm 2006, Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) cấm buôn bán cá tầm có nguồn gốc từ biển Caspian và biển Đen vì tình trạng khai thác quá mức.
Ở thời điểm hiện tại, phần lớn trứng cá muối đến từ các trang trại nuôi cá tầm ở 50 quốc gia trên thế giới. Và hơn 54% số trang trại khai thác "vàng đen" được đặt tại Trung Quốc, theo Công ty nghiên cứu thị trường Orbis Research.
Trứng cá tầm Trung Quốc đã đi một chặng đường dài tại các thị trường mới.
Trứng cá muối Trung Quốc hầu hết được sản xuất từ một vùng hồ đẹp như tranh vẽ ở tỉnh Chiết Giang, nơi công ty Kaluga Queen nuôi những trang trại cá tầm khổng lồ. Thành lập từ năm 2005, Kaluga Queen hiện sản xuất hơn 1/3 sản lượng trứng cá muối trên thế giới, thống trị toàn cầu về loại thực phẩm hảo hạng và xa xỉ này.
Trang trại cá tầm của Kaluga Queen nằm cách bờ hồ Qiandaohu (Vạn Đảo) ở Chiết Giang khoảng 20 phút đi thuyền. Cá tầm phải nuôi từ 7 đến 15 năm mới đẻ trứng. Những con cá tầm to nhất ở đây có thể dài tới 4 mét và nặng khoảng 300 kg.
Khoảng 54% trang trại nuôi cá tầm tính trên toàn thế giới được đặt tại Trung Quốc.
Trang trại cá tầm của Kaluga Queen hiện có 300 nhân viên chịu trách nhiệm nuôi khoảng 200.000 con. Đến tuổi đẻ trứng, cá tầm cái được đưa tới phòng thí nghiệm để gây mê và tiến hành lấy trứng. Trứng sau đó được rửa sạch, phân loại, ướp muối và đóng hộp.
Một bộ trứng của những con cá tầm đắt nhất có thể trị giá tới 2 triệu nhân dân tệ (hơn 284.000 USD). "Nó bằng giá của một chiếc Ferrari", Xia Yongtao, phó chủ tịch công ty, nói.
Nhân viên thu hoạch trứng cá tầm. Ảnh: AFP
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Anh Technavio, thị trường trứng cá muối toàn cầu vào năm 2021 có thể đạt quy mô 1,55 tỷ USD, tăng gần 75% so với năm 2016. Ngày càng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc lao vào thị trường béo bở này.