Món rau dại này khi xưa chỉ xuất hiện trên mâm cơm đạm bạc của người nghèo, giờ đây lại trở thành món đặc sản thành thị ưa chuộng.
Sau vài trận mưa đầu mùa, đặc biệt là khoảng tháng 8, tháng 9, tháng 10 âm lịch, các thửa ruộng vùng đất ngập phèn lênh láng nước. Đó là lúc những cây hẹ nước bắt đầu đâm tược. Thời tiết thuận lợi, những cọng hẹ đã mọc dài chừng 5 - 6 tấc, mặt lá rộng cỡ bề ngang một ngón tay. Hẹ nước xuất hiện ở khắp các tỉnh miền Tây: Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Hẹ nước có hương thơm rất đặc trưng, cọng dài và ẻo lả giống cọng dây. Nơi nào nước sâu chảy mạnh thì hẹ nước mọc dài có màu xanh đậm và cọng lá to bản hơn, xốp hơn, giòn hơn và thơm hơn hẹ mọc ở đáy mương. Ở môi trường nước cạn và ngầu đục thì thân cây hẹ nước ngắn lại, lá dày và có vị đắng, lại không giòn, thơm.
Nhưng khi có môi trường sống thích hợp trên cánh đồng đất phèn trũng thấp, mặt nước thông thoáng, mực nước sâu thì cây hẹ nước mặc tình phát triển với chiều dài của thân lá đến 5 - 7 tấc là chuyện bình thường.
Thoạt nhìn, hẹ nước trông giống như cây cải nhíp, nhưng lá khá dài, bề ngang của lá hẹ nước rộng chừng ngón tay cái, mềm giòn như cải xà lách, lại có vị ngọt nhưng hơi nhăn nhẳn đắng. Hẹ nước vớt từ dưới nước là phải ăn ngay khi chúng còn tươi rói, chứ không để lâu được. Chính vì vậy khi xưa ít người bán món rau này vì chỉ vài giờ là hẹ nước héo úa ngay.
Giờ đây, hẹ nước trở thành “của quý” trong các quán ăn hay trong bữa cơm gia đình của người dân nơi đây. Khi hẹ nước về, người ta cắt bỏ nguyên phần gốc, rễ, đem rửa sạch. Hẹ nước được dùng ăn sống như một loại rau, chấm với nước cá kho, thịt kho hoặc nấu canh chua… nhưng ngon nhất là chấm với mắm kho.
Xưa nay ăn mắm kho hay lẩu mắm, đi kèm theo là cả một “vườn” rau dại, nhưng có người cho rằng nếu không có hẹ nước thì coi như nồi mắm “bỏ đi”. Hẹ nước đem bán ngoài chợ, người ta đã cắt bỏ gốc, rễ. Trước khi ăn, đem ngâm hẹ vào thau nước khoảng nửa tiếng cho nó “nhả” phèn, dạo nhẹ tay lại vài ba bận cho thật sạch là được. Cái ngon của hẹ nước chấm mắm kho đặc biệt ở chỗ càng nhai càng nghe ngọt, nghe bùi.
Chính vì thế mà món hẹ nước vừa dân dã vừa “đỏng đảnh” khó chiều này đã trở thành một món đặc sản của vùng sông nước miền Tây. Nếu có dịp ghé thăm nơi đây vào đúng mùa hẹ nước, đừng quên nếm thử “lộc trời cho” này nhé, đảm bảo sẽ không thể quên hương vị của những sợi rau xanh mướt này.