6 món 'khó quên' mùa nước nổi miền Tây

Ngày 26/09/2024 16:00 PM (GMT+7)

Cá heo kho, chuột nướng lu, hẹ nước chấm cá kho là những món được nhiều người nhắc đến khi miền Tây vào mùa nước nổi.

Đến miền Tây mùa nước nổi từ tháng 9 đến 11 hằng năm, nhiều du khách thích tìm hiểu và thưởng thức các đặc sản vùng sông nước. Dưới đây là 6 món được nhiều khách tìm kiếm do Lan Chi, hướng dẫn viên chuyên tour miền Tây ở TP HCM, liệt kê.

Hẹ nước chấm mắm kho

Hẹ nước là loài rong cỏ thủy sinh mọc dại dưới nước lũ. Để thu hái, người dân phải lội xuống ruộng, trầm mình dưới nước, dùng tay tìm gốc hẹ lắc đất nhão ra rồi nhổ lên cả gốc lẫn rễ.

Rau hẹ nước (màu xanh trong đĩa). Ảnh: Huỳnh Nhi

Rau hẹ nước (màu xanh trong đĩa). Ảnh: Huỳnh Nhi

Những khóm hẹ non sau khi hái xong được giũ sạch bùn rồi đem về ngâm nước khoảng một giờ cho dễ rửa. Một bụi hẹ khoảng 20 lá sẽ được tỉa bỏ bớt khoảng 5 đến 6 lá già, úa rồi bỏ rễ, để lại phần cuống trắng muốt và những lá non. Lá hẹ mọng nước, có vị giòn mát, phần thân trắng gần gốc được cho là ngon nhất. Hẹ nước được dùng ăn sống, nấu canh chua nhưng ngon nhất là ăn sống chấm với mắm kho.

Hẹ nước có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. Khách có thể tìm mua ở các khu chợ dân sinh hoặc được bày bán hai bên đường. Giá mỗi kg khoảng 20.000 đồng.

Lẩu cá linh bông điên điển

Mùa nước nổi là thời điểm cá linh bắt đầu vào mùa sinh sản, điên điển trổ bông. Cá nhỏ bằng ngón tay út, xương mềm, vị béo, bùi. Lan Chi nói sẽ là thiếu sót nếu khách về miền Tây mùa nước nổi mà không thưởng thức món cá linh non nấu lẩu cùng bông điên điển.

Lẩu cá linh bông điên điển. Ảnh: Hà Lâm

Lẩu cá linh bông điên điển. Ảnh: Hà Lâm

Nồi lẩu ngon, "đúng kiểu miền Tây" phải có cá linh tươi và bông điên điển còn búp non. Để tăng hấp dẫn cho món lẩu, người nấu còn có thêm ngò gai, tỏi phi tạo hương thơm. Cá linh dễ chín nên khi ăn khách không cho vào nồi sớm, ăn tới đâu thả tới đó. Lẩu cá linh non bông điên điển thường ăn kèm các loại rau muống, nhút và bún tươi hoặc cơm trắng, kết hợp chén nước mắm ớt.

Lan Chi cho biết du khách đi bất cứ tỉnh miền Tây nào vào đúng mùa nước nổi cũng có thể thưởng thức lẩu cá linh bông điên điển. Giá lẩu từ 200.000 đến 300.000 đồng.

Chuột đồng nướng lu

Thịt chuột đồng được đánh giá là thơm, dai. Chuột đồng thường ăn lúa và các loại mầm cây non nên thịt sạch. Mùa nước nổi, người miền Tây săn chuột trong các bụi cây rậm gần mặt nước. Chuột đồng chế biến nhiều món nhưng phổ biến, dân dã là nướng lu.

Chuột đồng nướng lu. Ảnh: KDL Mỹ Phước Thành

Chuột đồng nướng lu. Ảnh: KDL Mỹ Phước Thành

Thịt chuột ướp cùng tiêu, sả, ớt, đường, bột ngọt, sa tế, chút ngũ vị hương cho ngấm đều gia vị, sau đó xếp từng con vào lu. Người nướng vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị trong khoảng một tiếng cho thịt chín vàng. Chuột đồng nướng lu thành phảm thịt phải thơm, mềm thấm gia vị và da giòn. Món này có thể ăn kèm các loại rau thơm, xà lách và chấm cùng muối ớt chanh.

Lan Chi gợi ý chuột đồng mùa nước nổi bán chủ yếu ở Long An và Đồng Tháp. Khách có thể thưởng thức ở các quán ăn địa phương giá từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng phần.

Cá lóc nướng trui

Cá lóc đồng có thịt chắc, vị ngọt xuất hiện nhiều vào mùa nước nổi. Ngoài canh chua cá lóc, người miền Tây thường nướng trui để thưởng thức theo vị đồng quê. Cá sẽ được xiên vào que tre, cắm xuống đất rồi phủ rơm lên và đốt đến khi dậy mùi.

Cá lóc nướng trui. Ảnh: KDL Mỹ Phước Thành

Cá lóc nướng trui. Ảnh: KDL Mỹ Phước Thành

Cá lóc nướng trui ngon khi vừa chín tới, thịt trắng được bao bọc bởi lớp vảy cháy xém. Ngoài chấm muối tiêu chanh, cá còn được cuộn bánh tráng, kèm các loại rau thơm, chuối xanh, dưa chuột, khế và chấm nước mắm me.

Món cá lóc nướng được bán nhiều trong các quán ăn ở miền Tây. Giá từ 100 đến 150.000 đồng phần.

Cá heo kho

Loài cá da trơn nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long có tên gọi heo vì khi lặn dưới nước, hoặc bắt đem lên bờ, cá phát âm thanh "ùng ục... eng éc" như tiếng heo kêu. Cá heo mình dẹp, ăn khi đạt cỡ ba ngón tay người lớn. Khi vào mùa, người dân miền Tây thường đặt dớn, lợp hoặc giăng lưới để đánh bắt. Thịt cá heo thơm ngon nhất là da dai, béo. Cá heo sông là một sản vật khan hiếm của miền sông nước.

Cá heo kho tộ. Ảnh: KDL Mỹ Phước Thành

Cá heo kho tộ. Ảnh: KDL Mỹ Phước Thành

Cá được cắt đầu, đuôi, vây, móc sạch ruột, rửa với giấm và dùng tay chà nhẹ cho hết nhớt và bớt tanh. Phần cá sau khi rửa vài lần với nước sạch được bắc lên bếp đun lửa liu riu cho đến khi nước rút vào cá sền sệt, thịt mềm rồi tắt bếp.

Để thưởng thức các món về cá heo, Lan Chi gợi ý địa chỉ:

- 266 Tôn Đức Thắng, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp.

- Khu bãi bồi, Ninh Kiều, TP Cần Thơ

Gỏi tép đồng bông điên điển

Bông điên điển phổ biến ở An Giang, Đồng Tháp, Long An và TP Cần Thơ, được người miền Tây chế biến thành nhiều món như dưa chua, canh, gỏi, hoặc ăn sống chấm cá kho, nhúng lẩu, ăn kèm với bún cá. Trong đó, gỏi tép đồng với bông điên điển là một trong những món khách nên thử.

Gỏi tép đồng bông điên điển. Ảnh: Ngọc Liên

Gỏi tép đồng bông điên điển. Ảnh: Ngọc Liên

Bông điên điển và tép được xào nhanh trên lửa để giữ được độ giòn, tươi. Bông thơm nồng, tép vị ngọt nhẹ kết hợp kích thích vị giác và đưa cơm. Món này ăn kèm cơm trắng và chấm nước mắm ớt.

Khách muốn thưởng thức gỏi tép đồng bông điên có thể tìm đến các quán ăn địa phương. Giá từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng phần.

Đặc sản nổi tiếng chỉ có ở miền Tây, xưa cho lợn ăn nay dân thành phố ưa chuộng, thơm ngon khó cưỡng
Những món ăn được chế biến từ cá linh chứa đựng nét tinh túy của ẩm thực miền Tây. Du khách gần xa đến đây đều tìm để thưởng thức. 

Đặc sản 4 phương

Tuấn Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Du lịch Miền Tây