Mỹ nhân kế mắc nhiều lỗi ngớ ngẩn, vô duyên

Ngày 25/02/2013 16:29 PM (GMT+7)

Tất cả các khâu của bộ phim đình đám hiện nay của điện ảnh Việt-Mỹ nhân kế đều được làm chưa tới nơi tới chốn.

Mỹ nhân kế, phim kiếm hiệp cổ trang 3D đầu tiên của Việt Nam được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ấp ủ nhiều năm quy tụ một dàn mỹ nữ không thể hot hơn, cảnh nóng, úp úp mở mở về cảnh đồng tính của các kiều nữ, giới thiệu, quảng bá rầm rộ hơn hết thảy các phim cùng thời điểm, chừng ấy là quá đủ để khán giả ùn ùn kéo nhau tới rạp để rồi thấy: tất cả các khâu của Mỹ nhân kế đều đang ở lưng chừng, làm chưa tới.

Cốt truyện của phim có thể được kể tóm tắt là: Đường Sơn Quán là một tửu điếm nằm sát biển ở vị trí hiểm trở, nội bất xuất ngoại bất nhập. Đứng đầu nơi đây là tú bà Kiều Thị (Thanh Hằng). Kiều Thị lãnh đạo các kỹ nữ chuyên cướp của giết người. Trong một lần cướp bóc, các kỹ nữ cứu được một cô gái xinh đẹp tên Linh Lan (Tăng Thanh Hà). Qua lời kể của Linh Lan, mọi người biết cô đang ôm mối thù sâu sắc với tên Quan Du (Lê Thái Hòa) - kẻ đã giết hại cả gia đình cô.

Kiều Thị cũng muốn ám sát Quan Du nên đã đào tạo  Linh Lan trở thành một nữ sát thủ, vì lí do chỉ có những cô gái còn trinh trắng mới tiếp cận được tên quan này. Khi các kỹ nữ đang bận tiếp khách, dưới nhà bếp xảy ra trận đánh nhau giữa Linh Lan và gã chăn dê Dương Linh (Phạm Anh Khoa). Thế là thân phận thật của cả hai được tiết lộ một cách rất vô duyên. Linh Lan chính là thiếp của Quan Du được y cài vào làm mật thám theo dõi Đường Sơn Quán. Dương Linh trước đây cũng làm nhiệm vụ như Linh Lan nhưng đã bị sắc đẹp quyến rũ và phản chủ. Thân phận nhân vật được tiết lộ chóng vánh, rõ ràng làm khán giả cảm thấy bị hụt, bị mất sự hồi hộp để theo dõi tiếp phim. Đây là lỗi non tay trong cách xử lí tình huống của biên kịch và đạo diễn.


Mỹ nhân kế mắc nhiều lỗi ngớ ngẩn, vô duyên - 1
 Linh Lan (Tăng Thanh Hà) bị tiết lộ thân phận quá sớm.


Tiếp tục với diễn biến trên phim, Linh Lan ra khỏi tửu quán thì bị Dương Linh chặn lại. Hai nhân vật này lại tiếp tục “kể chuyện” cho khán giả nghe. Linh Lan đã lấy được viên xá lị mà Quan Du đang tìm kiếm. Khi đã hoàn thành nhiệm vụ, cô quyết định bỏ đi và tha cho 4 cô kỹ nữ kia.  Dương Linh lại vô tình làm đứt liên lạc khiến cho Quan Du kéo quân đến “xử” Đường Sơn Quán. Nhưng tất cả các sự việc liên quan đến viên xá lị, đến việc Linh Lan vẽ bản đồ, đến các hành động cô thăm dò tửu điếm đều không được thể hiện trên màn ảnh. Khán giả như đang nghe Linh Lan kể chuyện chứ không phải đang xem một bộ phim điện ảnh, không có đầu có cuối, không triển khai, không có sự phát triển của đường dây cốt truyện.

Phần đầu phim lủng củng xoay quanh cuộc sống sinh hoạt của mấy cô kỹ nữ thì đến phần cuối phim diễn biến quá nhanh, quá gấp. Khán giả cứ ngẩn ngơ chưa kịp hiểu gì thì đã thấy đội quân của Quan Du vèo vèo ập đến. Cuộc giao chiến nổ ra, khán giả lại ngã ngửa khi thấy Linh Lan đứng về phe các cô kỹ nữ, bảo vệ cho các cô này. Trong khi trước đó, đạo diễn chưa làm rõ được sự thể hiện tình cảm sâu sắc của Linh Lan với Đường Sơn Quán. Không có sự kiện, không có hình ảnh đủ sức nặng tác động làm Linh Lan thay đổi tâm lí từ việc phục tùng chồng quay sang tình nghĩa chị em. Sự thay đổi một cách chóng mặt về tâm lý nhân vật chứng tỏ lỗi vô lý lớn của phim. Nhân vật không có cơ hội mà đấu tranh tâm lý. Không có đất mà thể hiện, thành ra diễn xuất của Hà Tăng bị chê nhạt nhòa. Những sự vô lí, vô duyên cho thấy sự thất bại trong việc xây dựng nhân vật chính của các tác giả.

Nhân vật chính không được chăm chút chu đáo nên các nhân vật phụ cũng rất thất vọng. Hình ảnh là ngôn ngữ của điện ảnh, ấy thế mà số phận, tính cách nhân vật ra sao đều được kể bằng thoại của nhân vật theo kiểu: cô này tên là gì, trước đây sống ra sao, số phận thế này thế kia. Lại có cô Liễu thị xem đến hết phim rồi khán giả mới biết tên.

Nhân vật Kiều Thị (Tú bà) do Thanh Hằng đảm nhiệm. Nhân vật này lúc đầu tỏ ra rất ... nguy hiểm. Cô kĩ nữ đứng đầu Đường Sơn Quán chuyên đi giết người cướp của, lại có lòng thù hận sâu sắc với đàn ông nhưng càng về cuối phim, tính cách của Kiều thị lại đơn giản đến ... phát chán. Xem phim, chưa thấy được tài trí của người đàn bà lãnh đạo Đường Sơn Quán tồn tại đã gần chục năm. Gỡ gạc lại là diễn xuất của Thanh Hằng. Có thể nói cô là diễn viên nhập vai nhất trong phim. Nhân vật Đào Thị của Ngọc Quyên tưởng là gian xảo mà hóa ra lại hiền lành và ngây ngô ... đến lạ.

Mai Thị của Diễm My 9x có số phận, có tính cách nhưng chưa được khai thác triệt để. Khán giả có đôi chút cảm động cho chuyện tình của Mai Thị nhưng vẫn rất để ý đến sự vô lý của phim. Đào Thị đang mang thai mà đánh đấm, bay lượn uỳnh uỳnh, bị xô ngã xuống đáy biển sâu rồi bất thình lình xuất hiện 'khô cong' đâm chết Quan Du. Sự vô lý này đã làm giảm bớt thiện cảm mà khán giả có được. Nhân vật cuối cùng trong nhóm kĩ nữ - Liễu Thị do Kim Dung đảm nhiệm là nhân vật kém sắc nhất và cũng nhạt nhòa nhất so với các cô gái còn lại. Chính vì đạo diễn ôm đồm quá nhiều nhân vật, mà nhân vật nào cũng muốn thể hiện một ít nên nhân vật không có số phận, không có tính cách rõ ràng, không có chiều sâu. Thay vì quá ôm đồm, hãy chăm chút cho nhân vật chính thì có lẽ phim đã thuyết phục hơn.



Mỹ nhân kế mắc nhiều lỗi ngớ ngẩn, vô duyên - 2
Vì quá ôm đồm nên nhân vật không có số phận,
không có tính cách sâu sắc.

Phần kịch bản yếu kém, phần kĩ xảo còn cho thấy sự yếu kém hơn nữa. Ngay từ những hình ảnh đầu tiên đập vào mắt khán giả là hiệu ứng 3D quá mờ tối, nhòe, xem 3D mà không khác gì 2D. Các hình ảnh không có chiều sâu, không có độ nổi. Xem phim kiếm hiệp, những cảnh đánh nhau, đâm chém phải làm cho khán giả giật mình thon thót. Ngược lại, xem phim khán giả cứ ... ngồi im vì các lỗi về kĩ xảo liên tiếp mắc phải.

Ở cảnh đá cầu mây của các kĩ nữ, cầu một nơi, chân một nẻo, cảnh Mai Thị dùng ống tre đâm xuyên qua người Quan Du thì ống tre quá lỏng lẻo, cảnh Mai Thị ngã từ trên cao xuống biển tiếp tục lộ lỗi kĩ xảo dưới nước. Xem suốt gần 2 tiếng của phim, nhiều khán giả không khỏi nhức mắt và lắc đầu ngao ngán. Thật tiếc cho khâu hậu kì của Mỹ nhân kế, bởi có tới một đội quân hơn 40 người đảm nhiệm khâu này. Với một dàn mỹ nữ sắc nước hương trời và khung cảnh thần tiên của khu resort rất đẹp, đáng lẽ khán giả phải được thưởng thức những hình ảnh, chi tiết làm thật cẩn thận và mãn nhãn hơn. Cái đẹp trong phim là đẹp kiểu du lịch, đẹp kiểu nhiếp ảnh, không phải là cái đẹp của điện ảnh.



Mỹ nhân kế mắc nhiều lỗi ngớ ngẩn, vô duyên - 3

Cầu một nơi, chân một nẻo.

Còn hai điều nữa Mỹ nhân kế làm chưa tới: võ thuật chưa tới và gây hài chưa tới. Làm phim võ thuật cổ trang ở Việt Nam là một thách thức lớn, các diễn viên đã phải bỏ ra hàng năm trời để khổ luyện võ công nhưng khi xem, các diễn viên cầm kiếm còn rất lóng ngóng, những màn đâm chém lực chưa đủ mạnh để thuyết phục người xem. Trận giao chiến giữa phe của Quan Du với Đường Sơn Quán nhiều người nói như xem ... đánh trận giả. Tốp lính của Quan Du 'phải đợi' cho tốp này bị các cô kĩ nữ giết chết hết, rồi các tốp kia mới ở đâu ùa đến. Sự hớ hênh trong việc sắp đặt làm khán giả thấy nực cười hơn là chăm chú xem. Lại có cảnh Mai Thị báo thù cho người yêu. Cô còn cầm kiếm phạt tung mấy bụi hoa giấy sau đó mới lao lên. Hoa giấy bay lả tả trông rất lãng mạn (!).



Mỹ nhân kế mắc nhiều lỗi ngớ ngẩn, vô duyên - 4
Cảnh kiếm hiệp chưa thuyết phục khán giả.


Làm phim kiếm hiệp, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lại còn ôm đồm thêm yếu tố hài. Nhưng tiếc là cái hài lần này kém duyên hơn. Dăm ba phút anh lại cố để chọc cười mà khán giả không cười được. Như cảnh mấy cô kĩ nữ uống rượu say rồi uốn éo hát hò, mỗi cô hát một tông một phách, lại thêm Thanh Hằng giả trai khiến khán giả không thể cười nổi.

Cuộc chiến dư luận khen chê về Mỹ nhân kế còn chưa đến hồi kết, chỉ biết rằng mỗi ngày phim vẫn hốt về hàng tỉ đồng doanh thu từ các rạp lớn nhỏ. Phim đã thu về 52 tỉ sau 17 ngày công chiếu. Ngoài khâu quảng bá của phim tốt, sức hút của các mỹ nhân, cũng có thể là do khán giả vì tò mò muốn xem hành động cổ trang 3D Việt ở mức độ nào, mà cũng có thể, xem phim vì muốn biết ... dở ra sao.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phim Việt Nam