Khác với dòng dõi “old money” - giàu từ trong trứng nước, các tỷ phú “new money” được xem là những người giàu mới nổi với những đặc điểm nhận biết riêng.
Không phải người giàu nào cũng giống nhau?
Khái niệm new money bắt nguồn từ “novus homo” của thời La Mã cổ đại, chỉ những người có xuất thân bình thường hoặc thậm chí nghèo khó nhưng "phất" lên nhanh chóng và được làm việc trong ban lãnh sự, là một đối trọng với old money - tầng lớp thượng lưu giàu nhiều đời.
Đúng như tên gọi "tiền mới", new money chỉ những người giàu mới nổi. Họ có thể là những doanh nhân giỏi giang gặp thời như Jack Ma, những bộ óc thiên tài như Mark Zuckerberg, những nghệ sĩ tài năng vụt sáng sau một đêm với khối gia sản kếch sù, hoặc là những người may mắn trúng số hay hưởng lợi từ đầu tư bất động sản,... Đều là những người giàu có, nhưng xã hội có sự phân chia giữa người giàu lâu đời nhiều thế hệ - old money và người mới giàu - new money.
Khác với tầng lớp người giàu nhờ thừa kế, new money là những người mới giàu tự lực.
Vậy old money và new money khác nhau như thế nào? Về xuất phát điểm, khác với old money "giàu từ trong trứng nước", là những phú nhị đại thừa kế tài sản của gia đình, new money là "phú nhất đại" tay làm hàm nhai và tự sở hữu tài sản hiện có.
Old money thuộc tầng lớp thượng lưu, không có nhu cầu khoe khoang tài sản bởi lẽ ai cũng biết họ giàu. Vì gia đình có điều kiện nên họ được đầu tư toàn diện về mặt giáo dục, thường theo học những ngôi trường đại học danh giá hàng đầu thế giới. Ngược lại, new money vì mới giàu nên không được xếp vào giới thượng lưu, họ có nhu cầu khoe khoang tài sản hơn để chứng tỏ bản thân và "quảng bá" sự giàu có của mình. Việc quảng bá này phần nào giúp ích cho việc kinh doanh lẫn nâng cao uy tín, tuy nhiên đôi lúc cũng gây ra tác dụng ngược là khiến họ bị ghét vì khoe mẽ.
Những khác biệt giữa old money và new money.
New money và định kiến "kém sang"
Gastby có lẽ là nhân vật kinh điển đại diện cho lực lượng new money. Một người đàn ông tay trắng phất lên thành triệu phú, ôm ấp những giấc mộng phù phiếm và tình yêu ảo vọng với nàng Daisy. Để tiến nhanh vào xã hội thượng lưu và cơ hội ở bên người trong mộng, Gastby thường xuyên tổ chức những bữa tiệc xa hoa, thể hiện tấm lòng hiếu khách thịnh tình. Thế nhưng đáp lại anh chàng lại là sự trống rỗng giả tạo, mãi vẫn không thể hoà nhập với những bữa tiệc do chính mình tổ chức cũng như chinh phục Daisy.
Nhìn chung, xã hội vẫn có những định kiến về new money. Cách họ giàu lên không đủ thuyết phục hay cách họ chi tiêu và thể hiện bản thân "quá đà" cũng đều có thể trở thành tâm điểm chú ý. Lực lượng new money thường bị gán với những cụm từ như "giàu xổi", "kém sang", "khoe mẽ",...
Những nhân vật new money thường không được lòng cả tầng lớp thượng lưu lẫn trung lưu.
Suy cho cùng, chỉ cần không làm ăn phi pháp hay tạo ra ảnh hưởng tiêu cực, new money thật sự đáng khâm phục trong khoản "tay không dựng cơ đồ". Còn việc họ khoe của quá đà hay tiêu xài phù phiếm vốn thuộc về phạm trù lựa chọn cá nhân. So với việc cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người và được công nhận là tầng lớp thượng lưu, thì có lẽ mối bận tâm lớn hơn của hội người giàu mới nổi này là cách duy trì tài sản và sức ảnh hưởng của mình, để có thể tạo ra những thế hệ tiếp nối.
Giàu lên nhanh chóng là bước đầu. Giàu bền vững và để lại những di sản mới thật sự là đích đến của lực lượng new money.
So với những người giàu nhiều đời như old money, new money có câu chuyện sự nghiệp truyền cảm hứng hơn khi tự tạo tay tạo ra đế chế của riêng mình. Họ chính là đại diện cho giấc mơ làm giàu, rằng dù có xuất phát điểm như thế nào thì với trí tuệ và sự chăm chỉ, chúng ta đều có khả năng đạt được những chỗ đứng nhất định trong xã hội. Từ new money sẽ có những trang sách mới được viết nên, những thế hệ tinh anh tiếp nối ra đời, những sáng kiến và cả những thay đổi tích cực trong nền kinh tế như cái cách mà vô số triệu phú tự thân đã và đang gầy dựng.