Nhắc đến mảnh đất Thanh Hóa, nhiều người chỉ nghĩ tới nơi đây có đặc sản nem chua mà không biết vùng đất này còn có rất nhiều món ăn độc đáo, lạ miệng.
Canh lá đắng
Đây là một món ăn quen thuộc thường xuất hiện trong bữa cơm hằng ngày của người dân xứ Thanh. Đúng như tên gọi, món ăn này được chế biến bằng cách lấy cây lá đắng nấu canh. Nếu có dịp ghé thăm bản Mường nằm tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, bạn sẽ được chủ nhà thiết đãi món canh lá đắng đậm chất núi rừng này.
Cây lá đắng (hay còn có tên gọi khác là lá mật vịt) là một loại cây rừng thường mọc ở các khe núi. Lá cây có hình dạng thon dài, vị đắng và được người dân địa phương đem từ rừng về trồng trong nhà. Để món ăn thêm chuẩn vị, người chế biến phải lựa chọn thật kỹ lưỡng, chỉ sử dụng những chiếc lá bánh tẻ có hình răng cưa, phiến mỏng mới nấu được bát canh ngon.
Sự kết hợp hài hòa của ớt, mẻ cùng nhiều loại gia vị khác đã giúp cho canh lá đắng thêm độc đáo. Sau vị đắng, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt, bùi xen kẽ. Điều này tạo nên một hương vị độc đáo khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ khi thưởng thức.
Ốc mút chùa Thanh Hà
Ốc mút chùa Thanh Hà là một trong những món ăn vặt thu hút nhiều thực khách tại Thanh Hóa. Ốc được xào với sả ớt để tăng hương vị cho món ăn. Khi thưởng thức, bạn chỉ cần cầm ốc lên và hút rột rột. Bạn sẽ cảm nhận được ngay vị nóng hổi, béo béo của ốc hòa quyện cùng với vị cay và thơm của sả ớt, lá chanh.
Những con ốc luôn được ngâm và lọc cặn bẩn kỹ trước khi chế biến. Hàng ốc mút chùa Thanh Hà đã trở thành địa chỉ tụ tập quen thuộc của các bạn trẻ. Món ăn này cũng có giá cả bình dân, chỉ từ 10.000 đến 50.000 đồng cho mỗi phần.
Bánh đúc sốt
Bánh đúc vốn không lạ gì đối với những người dân Việt Nam nhưng thứ bánh đúc xanh tựa miếng ngọc có thể nói chính là nét riêng của mảnh đất Thanh Hóa. Món quà dân dã ấy nhất định bạn không nên bỏ lỡ và thưởng thức lúc nóng mới tròn vị.
Xúc một thìa bánh sánh mịn, thưởng thức độ ngậy thơm của bột gạo nấu nước rau ngót, đỗ xanh bùi bùi, chút béo của mỡ hành, bạn sẽ thấy mọi tế bào thần kinh vị giác như được đánh thức. Tuy nhiên, theo thời gian, món đặc sản Thanh Hóa này đã ít nhiều bị mai một, chỉ còn có một số khu vực còn làm và bán.
Cháo canh Thanh Hóa
Cháo canh thơm ngon đặc sản Thanh Hóa được nấu từ bột gạo, nước hầm ninh từ xương ống được ví như linh hồn của món ăn. Được làm từ những nguyên liệu đơn giản và thân thuộc nhưng cháo canh Thanh Hoá có thể làm xiêu lòng bất kỳ thực khách khó tính nào khi thưởng thức.
Nguyên liệu của món ăn được lựa chọn rất kĩ càng, sợi bánh canh phải mềm, dai vừa phải. Hơn nữa khi chuẩn bị nguyên liệu, bánh canh sẽ chần qua nước ấm sau đó nhúng với bột gạo. Cách làm này khiến tô cháo canh sánh mịn thơm ngon. Một tô cháo canh đúng chuẩn sẽ đặc sánh, có sườn lợn, tôm bóc vỏ, rắc thêm rau mùi thái nhỏ và chút ớt bột, vô cùng hấp dẫn.
Gỏi cá nhệch
Một món ngon tại Thanh Hóa sở hữu công thức riêng độc đáo rất dễ gây nghiện chính là gỏi cá nhệch. Đây là món ruột của các tín đồ ưa đồ sống, được làm từ thành phần chính là cá tươi.
Để làm nổi bật hương vị của gỏi cá nhệch, người ta thường ăn gỏi cùng với các loại lá như lá lộc vừng, lá ổi, lá mơ,… Ngoài ra, gỏi cá nhệch không thể tròn vị nếu thiếu chẻo – một loại nước chấm “thần thánh” và được chế biến từ xương cá nhệch. Đã đến đây du khách đừng quên thưởng thức hương vị này.
Bánh khoái tép
Bánh khoái tép là món ăn được làm từ những nguyên liệu dân dã như bột tẻ, rau cần, bắp cải, hành và đặc biệt không thể thiếu tép đồng tươi. Ở vùng đất phía bắc của miền Trung này, nơi rừng, biển, đồng bằng liền dải, trong mỗi chiếc bánh khoái như chứa trọn vẹn mọi sản vật gần gũi với đời sống người dân.
Dù dễ kiếm, những nguyên liệu làm bánh khoái lại đòi hỏi phải lựa chọn, chuẩn bị cẩn thận. Gạo làm bột bánh phải là chọn kỹ thì bánh mới khô và giòn.
Gạo tẻ sau khi ngâm sẽ được xay nhuyễn thành bột nước, tráng thật mỏng lên chảo tạo thành lớp vỏ bánh giòn rộm. Tép đồng phải là mớ được mua từ sáng sớm, nhảy tanh tách, sau đó ướp gia vị và xào chín. Rau cần và bắp cải rửa sạch, rau cần bỏ lá, còn thân cắt khúc vừa ăn, bắp cải được thái sợi mỏng. Tùy vào sở thích của thực khách, người chế biến có thể đập thêm một quả trứng gà vào bột bánh, để chiếc bánh thêm phần thơm ngon.
Những chiếc bánh khoái “đạt chuẩn” là phải được tráng mỏng, càng mỏng càng tốt, giòn mà không bị cháy. Chiếc chảo tráng bánh phải là chảo gang sâu lòng, càng lâu năm sử dụng càng cho ra những chiếc bánh ưng ý.