Mấy chục năm hoạt động nghệ thuật, NSƯT Hán Văn Tình không chỉ được yêu mến trong các phim truyện như “Đất và người” (vai Chu Văn Quềnh) mà còn qua nhiều vở tuồng nổi tiếng.
Trưa 4/9, nghệ sĩ Hán Văn Tình - hay vẫn được công chúng quen gọi là Chu Văn Quềnh - đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 59 tuổi. Ông ra đi sau thời gian dài chiến đấu cùng căn bệnh ung thư phổi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người thân, bạn bè và đông đảo khán giả. Trong suốt sự nghiệp nghệ thuật của mình, "lão Quềnh" được đồng nghiệp nhớ tới là người hiền lành, sống nghĩa tình và sẵn sàng nhận vai để phục vụ công chúng mà không màng tiền bạc.
Khởi nghiệp từ chàng trai hát tuồng:
Vốn xuất thân từ làng cười Văn Lang, thế nên từ nhỏ chất hài đã ăn sâu trong máu chàng trai Hán Văn Tình. Sau khi thỏa nguyện ước mơ nghệ sĩ với việc tốt nghiệp trường Sân Khấu Điện ảnh Hà Nội, anh được nhận về Đoàn tuồng Trung ương (nay là Nhà hát tuồng Việt Nam). Nhờ con mắt tinh anh của cố đạo diễn NSƯT Đoàn Anh Thắng, Hán Văn Tình được tin tưởng giao thể hiện vai gã đồn trưởng trong vở Không còn đường nào khác. Sau vai diễn đầu tay hết sức thành công này, Hán Văn Tình tiếp tục tham gia hàng loạt vở tuồng khác như: Hoàng hôn đen, Triệu Đình Long cứu chúa, Nghêu sò ốc hến, Tiếng thét giữa Hoàng cung, Hạng Võ bại Ô Giang, Trần Hưng Đạo, Bạch Tinh…
Có một kỷ niệm vô cùng đặc biệt với Hán Văn Tình là nhờ tuồng mà anh… trọc lóc. Trong một lần phỏng vấn, nghệ sĩ từng kể lại rằng, tới khi 12 tuổi, anh chỉ “mất tóc” trên đỉnh đầu mà thôi, mà sau này khám mãi cũng không ra bệnh gì. Nhưng đến năm 1985, khi nhận vai Lý Đại Hỷ trong vở diễn Hoàng hôn đen, anh buộc phải để phần tóc còn lại “bay nốt”. Cũng từ đó đến giờ, hình ảnh nghệ sĩ Hán Văn Tình với nụ cười hiền lành cùng cái đầu trọc đã trở thành “thương hiệu nhận diện” của “lão Quềnh”…
Diễn viên “đa hệ” phá vỡ cái “dớp đen” của nghệ sĩ tuồng với màn bạc:
Có thể nói, tuồng chính là định mệnh không chỉ dẫn ông đến con đường nghệ thuật mà còn cả phim ảnh. Trong một lần diễn tuồng, nghệ sĩ Hán Văn Tình đã “lọt mắt xanh” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và được mời đảm nhận vai diễn lão Trọc trong phim truyện nhựa đầu tay Canh bạc của vị đạo diễn này. Sau đó, Hán Văn Tình tiếp tục được đạo diễn Trần Đắc mời tham gia bộ phim nhựa Vụ áp phe Đông Dương với vai Vàng Đọ. Thành công bất ngờ của ông khiến đồng nghiệp trêu rằng: Hán Văn Tình đã phá vỡ cái “dớp” của diễn viên tuồng với màn bạc, bởi trước đó, chưa có một nghệ sĩ tuồng nào “đá chéo sân” sang lĩnh vực này mà “nên cơm, nên cháo”.
Nhờ khả năng diễn xuất biến hóa và một phần tướng mạo, Hán Văn Tình luôn làm hài lòng đạo diễn với những vai phản diện đầy mưu mô, gian xảo. Phải đến khi đạo diễn Nguyễn Hữu Phần xem Hán Văn Tình diễn xuất trong bộ phim Người vác tù và hàng tổng, sự nghiệp của người đàn ông hát tuồng này mới bước sang một trang mới.
Đạo diễn Hữu Phần tiết lộ: “Tôi đã nhìn thấy một vóc dáng, một khuôn mặt rất lạ: vừa hiền từ, vừa vui vẻ, thật thà, nhưng lại có thể lưu manh được một chút. Đó sẽ là gương mặt cho nhân vật điển hình của nông thôn thời kỳ đổi mới. Thế nên, khi thực hiện bộ phim Đất và Người, tôi đã nghĩ ngay đến Hán Văn Tình cho nhân vật Chu Văn Quềnh.”
Để đời với một lão Quềnh “Không thể hoãn cái sự sung sướng ấy lại được”
Được chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Đất và Người là một trong những bộ phim xuất sắc nhất về đề tài nông thôn Việt Nam. Tác phẩm này của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần gây “bão” ngay khi phát sóng cuối năm 2002, được phát đi phát lại nhiều lần trên các kênh truyền hình và đến nay vẫn rất được ủng hộ. Dù không phải nhân vật chính nhưng vai Quềnh của NSƯT Hán Văn Tình lại là một trong những vai diễn thành công và được khán giả yêu thích nhất.
Quềnh là một tay chuyên làm nghề dao thớt, cỗ bàn trong làng, quanh năm suốt tháng rượu chè, ngờ nghệch nhưng lại khôn ngoan khi biết lợi dụng thời thế kiếm lợi cho bản thân. Cái say say, điên điên, nửa khôn nửa dại của Chu Văn Quềnh kèm câu nói cửa miệng bất hủ “Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại” khiến khán giả khó quên. Thậm chí điệu hát “Tình cốp tình cốp tình tình cốp” của Quềnh cũng trở thành “đặc sản” nhà nông được nhiều người thích thú.
Nói về “cơ duyên” khi gặp câu nói này, nghệ sĩ Hán Văn Tình từng thổ lộ: “Ngay từ đầu, tôi và biên kịch Phạm Ngọc Tiến đã bàn với nhau phải tìm một câu nói nào đó thật ấn tượng cho nhân vật Quềnh, một câu nêu bật được tính cách của một Chí Phèo hiện đại. Cũng có nhiều câu làm “ứng cử viên” như, lúc đầu, nghĩ anh ta như một mõ làng, ở đâu có tiệc tùng là sấn vào giết chó mổ gà nên các câu slogan chỉ tập trung vào việc “băm, chặt”.
Một bữa, anh Tiến trong cuộc trà dư tửu hậu đã tỉnh cả rượu khi nghe người bạn của mình nói “không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại bác ạ”. Hôm sau anh ấy vui mừng tuyên bố đã tìm được câu rất “đắt” cho nhân vật Quềnh. Và quả thực, nó đã tạo thành một trào lưu… ra ngõ là “sung sướng”.
Tính tới thời điểm này, đây cũng chính là vai diễn để đời của Hán Văn Tình xuyên suốt sự nghiệp. Thậm chí, nghệ sĩ còn nhiều lần tâm sự, sau khi đóng vai Quềnh, nhiều người đã quên mất tên thật của ông. Ra đường, khán giả gặp ông lại chào bác “Quềnh” và không quên nháy mắt nhắc lại câu “Không nên hoãn cái sự sung sướng ấy lại…”
“Ra ngoài đường chẳng ai gọi mình là Tình nữa, ai cũng gọi Quềnh, khi thì Quềnh trọc, có lẽ cái tên này sẽ theo tôi cả cuộc đời”.
“Có những lần bị mời uống rượu nhiều quá, tôi phải thanh minh rằng, Hán Văn Tình ở ngoài đời không biết uống rượu nhiều như Chu Văn Quềnh ở trong phim. Mà khi diễn tôi cũng chỉ toàn uống nước trắng thôi. Chứ uống rượu thật như thế thì say đứ đừ rồi còn đâu mà diễn”.
Đời nghệ sĩ phải “nuốt nước mắt vào trong để diễn”
Điều đặc biệt nhất với Hán Văn Tình là hầu hết phim ông nhận đều quay vào mùa đông, tiết trời lạnh giá như phim Canh bạc, Đất và Người, Bác cả là người sung sướng... Để hoàn thành vai diễn, ông phải lội bùn, lội ruộng, cởi trần chạy trên bờ đê, gió lạnh thấu xương. Thậm chí có lần, Hán Văn Tình còn suýt tử vì nghề trong một lần hóa thân vào nhân vật đang bị chết đuối dưới sông. Cả đoàn đang quay thì tự dưng nước lũ tràn về cuốn phăng ông đi. May mà lúc đó Hán Văn Tình giữ bình tĩnh, lại biết bơi nên thoát nạn.
Dường như, “dớp” mưa bão cứ quanh quẩn bên lão nông dân hiền lành, chất phác này. Nhưng cũng chính những vai diễn mộc mạc ấy đã đưa tên tuổi NSƯT Hán Văn Tình lên bệ phóng đỉnh cao của sự nghiệp.
Ký ức buồn và đáng nhớ nhất trong nghiệp diễn của Hán Văn Tình là khi bố và chú mất, “lão Quềnh” đều không có mặt mà lý do đều là vì đắm đuối với nghề. "Nhiều lúc nghĩ cuộc đời tôi chẳng khác nào Kép Tư Bền, cha, chú chết đều phải nuốt nước mắt vào trong để diễn”, nghệ sĩ Hán Văn Tình tâm sự. “Chẳng thể nào nói hết được những khó khăn khi đã chọn nghiệp diễn viên. Bên cạnh việc phải biết hóa thân tốt vào nhân vật, thì ngoại cảnh, thời tiết cũng khiến diễn viên phải gồng mình vượt qua”.
Khi đã bước sang ngoài 50, cuộc sống người nghệ sĩ cũng đã trải nghiệm đủ những ngọt bùi, đắng cay, Hán Văn Tình lẽ ra đã sớm có thể ”rửa tay gác kiếm” nghỉ ngơi. Nhưng ông vẫn bảo, với tôi, diễn không chỉ để kiếm sống mà đó còn là nơi ông giấu mình.
“Nhiều người không hiểu, nói tôi ham hố vật chất khi có những thời kỳ, tôi vắt kiệt sức đi diễn. Thế nhưng, họ không biết, hóa thân vào vai diễn là cách để tôi tạm quên đi những nỗi cô đơn, thoát khỏi sự chống chếnh khi mất đi những người thân yêu hay gặp phải những trở ngại,” nghệ sĩ Hán Văn Tình bộc bạch.