Mặc dù chủ quán vẫn gặp phải nhiều chỉ trích về thái độ phục vụ nhưng món mì tôm đặc biệt không có ở nơi nào khác vẫn thu hút rất nhiều khách quen.
Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Kế Xương (Q. Phú Nhuận), quán mì cay của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền (60 tuổi) vẫn tấp nập khách ra vào suốt hơn 40 năm qua. Quán mì từng được nhiều food blogger tìm đến để thưởng thức và review món ăn.
Nhiều người còn tò mò về quán bởi mỗi khi đông khách là lại nghe tiếng “chửi như hát” của bà chủ. Thực tế bà chủ chỉ đang thúc giục nhân viên nhanh tay nhanh chân hơn để phục vụ khách.
Quán mì này mở cửa từ khoảng 11h trưa đến chiều tối. Giờ cao điểm khoảng 13h, lúc này bạn có thể bắt gặp một hàng người đứng ngồi từ ngoài hẻm nhỏ để đợi đến lượt vào ăn. Có hôm, trời Sài Gòn nắng rát nhưng nhiều người vẫn chấp nhận đứng đợi để vào thưởng thức món ăn.
Đó mới chỉ là chờ để có chỗ ngồi. Đến khi được ngồi tại quán, khách cũng phải chờ rất lâu mới có thể ăn. Tính sơ sơ tổng thời gian chờ có khi lên đến 1 tiếng đồng hồ. Lý do không phải bà chủ làm chậm hay nhân viên phục vụ lâu mà là quán phục vụ nhiều người cùng một lúc. Bà chủ có thể làm cùng lúc 50 suất ăn.
Một suất ăn gồm 1 bát mì tôm trộn muối ớt và 1 bát nước dùng gồm thịt bò, bò viên, tôm viên, trứng chần... Nhìn bà chủ thoăn thoắt tay cho đủ các nguyên liệu vào rồi trộn đều mì lên nhưng lại tạo nên hương vị cực lạ.
Thoạt đầu, nhiều người thắc mắc lý do món ăn này lại được chú ý khi chỉ đơn giản là mì khô trộn với muối ớt. Điểm độc đáo chính là sự hòa quyện vị ngọt của thịt bò băm, giòn giòn của bò miếng cộng với tôm xay nhuyễn, trứng gà... làm nên vị ngon không lẫn vào đâu được. Nhiều người đã từng thử làm tại nhà nhưng không tài nào làm được hương vị giống ở đây.
Nguyên liệu chế biến món ăn cũng đơn giản, nổi bật là tô thịt bò được xắt miếng mỏng có màu đỏ au, trông bắt mắt. Kế bên đó là thau thịt bò đã xay nhuyễn. Theo chủ quán, bò được lấy tươi mỗi ngày ở mối quen. Vì có công thức nấu sẵn nên quan trọng nhất vẫn là đồ ăn phải tươi thì món ăn mới ngon được.
Ngoài ra, bên trong tô mì “đắt nhất Sài Gòn” này còn có tôm được giã nhuyễn, quện thành viên lớn. Trụng đến đâu, chủ quán xắn miếng tới đó.
Bên cạnh đó, đặc trưng của món này là cho rất nhiều hành lá. Nếu bạn không quen dùng hành thì có thể nói với chủ hàng lúc gọi món.
Mì được trụng trực tiếp trong nồi nước lèo to. Suất ăn một vắt có giá 52.000 đồng. Người ăn khoẻ có thể gọi suất 2 vắt với giá 60.000 đồng. Ngoài ra, ai thích ăn gì có thể gọi thêm ví dụ như thêm bò, thêm tôm, thêm trứng,… với mức giá cao hơn.
Món ăn có gốc ở Bình Định. Thành phần chính là mì gói nhưng nhiều thực khách muốn đổi khẩu vị cũng có thể gọi bún. Thành phần tương tự như mì cay. Sợi bún to như sợi bánh canh, có màu trắng nõn, mềm và trơn tuột.
Mỗi quả trứng trong bát mì đều được luộc chín lòng đào, ít bị vỡ và ăn rất đã miệng. Nếu bạn không thích ăn trứng lòng đào có thể lưu ý với chủ quán trước.
Quán có phục vụ nhiều loại nước giải khát với giá bình dân. Nước mía và rau má là loại được nhiều người ưa thích, giá 15.000 đồng một ly.
Được biết, quán là “gia tài” của mẹ bà Huyền để lại. Đây cũng là một trong những quán mì cay đầu tiên xuất hiện và nổi tiếng như một hình ảnh ẩm thực đường phố Sài Gòn.
Đôi khi bà chủ lớn tiếng khiến nhiều khách cảm thấy không hài lòng nhưng món ăn độc đáo này là điều níu chân thực khách quay trở lại. Trải qua nhiều lần di dời với hơn 40, quán vẫn tồn tại và vô cùng đông khách, có cả khách mới lẫn khách quen nhưng mọi người đều công nhận bát mì tôm ở đây quả nhiên chẳng hề giống bất kỳ một nơi nào khác.