Đạo diễn của bộ phim hài nhảm tiết lộ một số chuyện hậu trường thú vị của đoàn làm phim.
Không thuộc hàng phim bom tấn như nhiều bộ phim truyền hình Trung Quốc khác cũng không thuộc dạng sướt mướt, tình cảm như các bộ phim Hàn, Thái tử phi thăng chức ký được khẳng định đích thị là một bộ phim "nhảm" trên mạng. Tuy nhiên, sức hút mạnh mẽ của dàn diễn viên cùng câu chuyện thú vị với những lời thoại độc đáo trong phim lại từng bước chinh phục khán giả.
Dựa theo tiểu thuyết ngôn tình cùng tên của tác giả Tiên Chanh, Thái tử phi thăng chức ký là câu chuyện về Trương Bằng - vốn là một gã công tử đa tình thời hiện đại vô tình xuyên không về cổ đại vào thân xác một Thái tử phi Trương Bồng Bồng. Không chấp nhận được sự thật này, Trương Bằng tìm đủ mọi cách để thay đổi nhưng không thành. Vậy là Thái tử phi Trương Bồng Bồng phải sống cuộc sống chốn hậu cung nhưng mang "thân nữ, hồn nam".
Đạo diễn Lữ Hạo Cát Cát của bộ phim Thái tử phi thăng chức ký.
Mới đây nhất, trong một cuộc phỏng vấn, đạo diễn Lữ Hạo Cát Cát, đạo diễn chính của bộ phim đã tiết lộ một số câu chuyện hậu trường liên quan đến quá trình sản xuất phim.
Đôi dép Lào
Nếu đã từng xem phim khán giả không khỏi thắc mắc tại sao dàn diễn viên trong phim đều đi một loại dép Lào mà không phải là những đôi giầy đặc trưng của các phim cổ trang khác, lý giải cho điều này, vị đạo diễn trẻ cho biết: "Thật ra đây là sai sót của bản thân tôi. Ban đầu, tôi muốn làm giống như trong phim Spartacus, các nam diễn viên đều đi "xăng đan La Mã" để lộ đôi bàn chân và bắp chân trông rất bi tráng. Tôi đã lên Taobao chọn từng đôi một. Riêng chọn giày dép, tôi đã mất 4 đêm để chọn lựa. Nhưng, loại xăng đan hiện nay lại hơi hiện đại và cần phải chỉnh sửa lại. Tuy nhiên, do đặt hàng từ nhiều nơi khác nhau nên chúng tôi không thể nhận hàng được cùng một lúc. Có những đôi ba ngày trước khi khởi quay mới đến nơi. Vì vậy, chúng tôi không kịp làm gì vì sửa toàn bộ phải mất ít nhất một tháng. Tôi không thể để diễn viên đi chân đất quay phim. Trong tình huống bị động, tôi chỉ còn cách hạn chế để đôi dép trước ống kính, đặc biệt là các diễn viên nữ".
Các diễn viên đi dép Lào được đặt từ Taobao (trang bán hàng qua mạng tại Trung Quốc).
Hình ảnh đôi dép mà đạo dễn muốn nhắm tới.
Đạo cụ: Chẳng có gì
Nhắc tới sự nghèo nàn của đoàn làm phim Thái tử phi thăng chức ký, đạo diễn Lữ Hạo Cát Cát lại cho biết trong 10 tập đầu, đặc biệt là cung Thái tử phi, đoàn làm phim không có bất kỳ đạo cụ nào ngoài mấy tấm màn rủ, vài cái bàn và một số đồ lặt vặt. "Chúng tôi khai máy tương đối gấp gáp, vì vậy khi thuê đạo cụ, chúng tôi mới phát hiện ra kho đạo cụ của Tượng Sơn (một phim trường nhỏ ở Tượng Sơn, Ninh Ba, Chiết Giang) đã bị đoàn làm phim Võ thần Triệu Tử Long thuê mất và mang tới Hoành Điếm. Phim trường Tượng Sơn không có đạo cụ dùng được nữa và trong 10 tập đầu khung cảnh của bộ phim hoàn toàn trống không như các bạn đã xem", đạo diễn tiết lộ thêm.
Cảnh quay khá đơn giản gần như trống không trên phim.
Đoàn làm phim chỉ có một cái quạt gió
"Ngoài một cái quạt gió, chúng tôi còn có một cái tủ quạt nữa nhưng bị rò điện. Đoàn làm phim đã phải mạo hiểm để điều khiển chiếc quạt này và luôn phải đeo găng tay mỗi lần sử dụng. Mỗi lần trời mưa là chỉ sợ bị điện giật chết người. Tóm lại, quạt gió đều do tôi điều khiển vì mọi người không biết cách chỉnh hướng lúc nào cần, lúc nào thì ngừng...", Lữ Hạo Cát Cát nói.
Quạt gió được sử dụng trong đoàn làm phim.
Hình ảnh hậu trường của thái tử Tề Thịnh.
Chi phí sản xuất
Theo lời của vị đạo diễn trẻ, vì dàn diễn viên đều là những người mới nên mức cát-xê rất thấp. Số tiền chi cho trang phục, vải vóc tốn khá nhiều và lên tới 100 ngàn NDT.
Hình ảnh trong phim
Dù bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi vì hình ảnh đẹp nhưng theo Lữ Hạo Cát Cát, anh hoàn toàn không ưng người quay phim vì năng lực quay chưa đạt. Anh cho biết: "Ví như, tôi thích cảnh quay động, cảnh quay dài nhưng quay phim lại không thể làm theo ý đồ của tôi. Khán giả khen ngợi hình ảnh trong phim nhưng tôi lại thấy hoàn toàn ngược lại. Ở khâu hậu kỳ, chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian và công sức để chỉnh sửa màu sắc cho từng cảnh quay một, thậm chí có những hôm chỉ ngủ được vài tiếng đồng hồ".
Mỗi cảnh quay đều được đạo diễn kỳ công chỉnh sửa.
Ngoại cảnh của bộ phim
Nhắc tới ngoại cảnh khi truy sát Thái tử phi, đạo diễn Lữ Hạo Cát Cát lại cho biết: "Chúng tôi quay ngoại cảnh ở ngoại thành. Cảnh truy sát của nguyên tác trong truyện là ở trên thuyền nhưng ở phim trường Tượng Sơn lại chỉ có một con sông làm nguồn nước uống nên không thể xuống đó quay phim. Đặc biệt, đoàn làm phim lại không có thuyền đạo cụ và chúng tôi đã phải tự đóng lấy. Nếu đã quay phim không thể đóng một chiếc thuyền mà cần ít nhất phải 10 chiếc và cả thuyền chở máy quay nhưng lại chẳng thể kiếm đâu ra kinh phí để làm điều này".
Cảnh nội cung
Tiếp tục chia sẻ về những khó khăn khi làm phim, đạo diễn Lữ tiết lộ: "Phim trường Tượng Sơn chỉ có bốn khu nhưng một khu lại tương đối xuống cấp và phải sửa sang lại nhiều. Cả đoàn đã chọn hai khu cho cảnh quay chính là nơi ở của Hoàng thượng và Bồng Bồng ở. Bởi vậy, tất cả từ thư phòng của Tề Thịnh trước và sau khi lên làm Hoàng thượng, phòng ngủ, cung Thái hoàng Thái hậu, nhà bên ngoại của Bồng Bồng thực chất chỉ được quay tại cùng một nơi...".
Có tới 3 cảnh quay khác nhau được quay tại một khu hậu viên này.
Hiện tại, Thái tử phi thăng chắc ký đang là bộ phim hot trên diễn đàn mạng. Dù không sở hữu dàn diễn viên xuất sắc, nội dung ấn tượng và cảnh phim hoành tráng nhưng khán giả vẫn rất dễ "xiêu lòng" bởi sự thú vị khi xem từng cảnh phim. Để làm ra một tác phẩm với kinh phí nghèo nàn như vậy, có thể nói đoàn làm phim Thái tử phi thăng chức ký đã cho ra mắt một tác phẩm ấn tượng.