“Paris bây giờ tạm thuộc về quá khứ. Hà Nội đã thuộc về quá khứ từ lâu”. Vậy còn Sài Gòn?
Năm 2004, một thiếu phụ trẻ gốc Việt, sau cái chết khó hiểu của mẹ cô trong thang máy Sài Gòn, đã quyết định đi tìm người đàn ông có tên Paul Polotski mà mẹ cô từng gặp và yêu trong nhà tù Hoả Lò, đêm trước chiến dịch Điện Biên.
Đó hứa hẹn là một cuộc hành trình gian nguy, kịch tính nhưng cũng là chìa khoá mở ra những điều mới mẻ mà thiếu phụ này cần tìm thấy trong cuộc đời. Giữa Hà Nội và Sài Gòn, Paris và Bình Nhưỡng, vừa hài hước vừa bướng bỉnh, ly kỳ, hành trình tìm kiếm của cô là những tuyệt vọng của một nửa thế kỷ bị lãng quên.
Bìa cuốn sách.
Thang máy Sài Gòn của Thuận được trao tặng giải Sáng tạo (Bourse de Création) năm 2013 của trung tâm Sách quốc gia Pháp (Centre National du Livre). Thuận tốt nghiệp khoa văn đại học Sorbonne, hiện sống ở Paris và là tác giả của sáu tiểu thuyết, trong đó Chinatown, T mất tích và Thang máy Sài Gòn đã được dịch và xuất bản ở Pháp. “Trong Thang máy Sài Gòn, chính trị và tình cảm được xử lý như những chất liệu nghệ thuật độc đáo. Điện Biên Phủ, Đông Dương hay tình yêu đã mất chỉ là những ảo ảnh của một cuộc thử nghiệm văn chương khó nhọc và vô cùng cá nhân” – nhận định của tiến sĩ văn học Đoàn Cầm Thi.
Nhà văn Thuận sống ở Paris, tác giả 6 tiểu thuyết trong đó Thang máy Sài Gòn bản tiếng Pháp được trao Giải Sáng tạo 2013 của Trung tâm Sách quốc gia Pháp. Sách do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành.