Nghệ sỹ Thành Lộc nhớ về những kỷ niệm ấu thơ với các chú Xì trum.
Kiếm được một cái tên để cho cả trẻ con và người lớn cùng yêu thích thì chắc có lẽ đến giờ khó có ai qua được NSƯT Thành Lộc. Nhắc đến anh là nhắc đến những chương trình đầy hấp dẫn dành cho trẻ thơ. Mùa hè 2013, bên cạnh những chương trình quen thuộc, anh lại tiếp tục gặp gỡ các khán giả nhí qua giọng nói trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng Smurfs 2 - Xì Trum 2. Đây cũng là lần thứ 2 anh tham gia góp giọng trong câu chuyện về các nhân vật tí hon da xanh...
Tiếc hoài tuổi thơ
- Điều gì đã khiến cho anh luôn có mặt trong các dự án dành cho thiếu nhi, từ Ngày xửa ngày xưa cho đến việc lồng tiếng cho các bộ phim hoạt hình?
Tôi là người luôn có duyên với các dự án dành cho thiếu nhi. Đầu tiên là xuất phát từ những chương trình Ngày xửa ngày xưa – sân khấu thực tế dành cho các em. Có lẽ từ đó mà các nhà sản xuất, các nhà làm phim đã để ý đến tôi nhiều hơn ở phân khúc này. Ai cũng vậy, ai cũng từng phải trải qua một thời tuổi thơ. Tôi đã chứng kiến các em, các cháu của mình gặp những thiệt thòi về thông tin, vui chơi, giải trí. Chính vì vậy mà khi xã hội phát triển dần, chúng tôi đã có một sân khấu dành riêng cho thiếu nhi. Chúng tôi muốn bù đắp những gì dành cho một khoảng thời gian mà các thế hệ trước đó đã không có thì thế hệ ngày nay phải được nhận.
Được xem những bộ phim hoạt hình, truyện tranh với màu sắc rực rỡ là những nhu cầu tối thiểu mà con em chúng ta phải được hưởng . Gần đây, các nhà sản xuất đã mang các tác phẩm dành cho trẻ em về Việt Nam và lồng tiếng là một điều rất đáng mừng. Nếu không làm điều này thì các em rất khó có thể thưởng thức trọn vẹn các bộ phim hoạt hình vì sẽ phải chăm chú vào phần phụ đề mà bỏ quên đi những hình ảnh sống động, độc đáo. Khi được góp phần vào những điều đó, tôi rất sẵn sàng. Nó giống như một sứ mệnh mà mình được giao và mình phải làm tròn.
- Lần thứ 2 gặp lại các Xì Trum, cảm giác của anh như thế nào?
Khi lần đầu tiên đến với Xì Trum 2, tôi vẫn nghĩ là nó sẽ không tạo được sự thú vị như phần 1. Nhưng khi hoàn thành xong thì tôi lại cảm thấy câu chuyện lần này hay hơn. Khi xem hoạt hình, chúng ta luôn thấy yếu tố vui nhộn chiếm phần lớn. Nhưng cái hay của phim hoạt hình Hollywood bao giờ cũng có những đoạn sâu lắng.
Một trong những đoạn tôi rất thích đó là sự xung đột giữa 2 cha con Patrick Winslow trong phim. Họ có những đoạn đối thoại bất đồng ý kiến với nhau. Nhưng trong một khoảnh khắc, họ lại có những khoảng lặng cần thiết để có thể chia sẻ với khán giả được một điều: mối quan hệ giữa con người với con người, đặc biệt là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình bao giờ cũng rất là quan trọng. Nó giúp cho chúng ta vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy. Những phân đoạn diễn tả mối quan hệ giữa 2 gia đình của con người và Xì Trum đã khiến tôi rất xúc động. Nó khiến tôi suýt nữa thì rơi nước mắt.
Thành Lộc tiếc hoài tuổi thơ khi lồng tiếng phim Xì Trum,
- Xì Trum đã ra đời từ rất lâu và có mặt ở Việt Nam từ rất sớm. Chắc hẳn cũng sẽ gắn liền với tuổi thơ của anh?
Bộ truyện tranh Xì Trum đã xuất hiện ở Sài Gòn từ trước năm 1975, ngay từ lúc tôi còn là một cậu bé 8-9 tuổi. Tôi đặc biệt yêu thích bộ truyện tranh này. Đến mức mà tôi từng ước rằng trên đời này có được một ngôi làng Xì Trum thực sự và mình sẽ kết bạn với những chú Xì Trum tí hon. Nhưng mà đến bây giờ người ta mới bắt đầu làm phim về Xì Trum nên tôi cứ tiếc hoài về một tuổi thơ của mình. Dù sao thì mình cũng là một nhân chứng sống theo dõi những nhân vật này qua rất nhiều năm tháng. Bây giờ, được lồng tiếng cho bộ phim Xì Trum, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Giống như mình được gặp lại những kỷ niệm xưa của mình vậy. Các nhân vật đó không bao giờ phai nhòa trong ký ức của tôi cả.
- Yêu Xì Trum nhưng lại phải thể hiện giọng nói vai... phản diện. Anh có thể chia sẻ với khán giả về điều này?
Thú vị chính là cảm giác xuyên suốt của tôi khi tham gia lồng tiếng cho bộ phim này. Với phần 1, tôi lồng tiếng 2 vai là Gà-mên và Tí Vụng Về. Hồi xưa, tôi vẫn nhớ trong truyện gọi là Tí Khờ. Có 2 cảm giác song song, thứ nhất là được thể hiện một trong những chú Tí mà mình rất yêu thích. Thứ 2 là... hình như những cái gì dính dáng tới phù thủy, độc ác thì lại gắn với các hoạt động nghệ thuật của tôi. Có một sự thử thách rất độc đáo là cùng một lúc mình thể hiện được 2 chất giọng có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Nó khiến tôi cảm thấy rất hứng thú.
Dung hòa văn hóa Việt và Tây phương
- Mặc dù là nhân vật phản diện nhưng lão Gà Mên vẫn được các em bé nhớ đến và yêu quý không kém gì các xì trum da xanh. Anh có thể lý giải về chuyện này được không?
Tại sao những nhân vật phản diện, phù thủy... trong mắt các bạn nhỏ thiếu nhi luôn luôn là những nhân vật hài hước? Đây là một điều mà tôi cảm thấy nó rất hay. Nó rất khác với cách nhìn về truyện cổ tích dành cho thiếu nhi của người châu Á.
Người phương Tây lúc nào người ta cũng lý giải những kẻ độc ác như là những kẻ ngớ ngẩn luôn tạo ra bi kịch cho chính mình. Họ không thoát khỏi được cái vòng luẩn quẩn và trở thành những kẻ hợm hĩnh, hài hước. Nên trẻ con nhìn về kẻ ác, kẻ xấu như một điều gì đó đáng chê cười. Trong khi với cách nhìn của triết học phương Đông, bao giờ người ta cũng thấy kẻ ác như một cái gì đó rất đáng sợ.
Cười và tránh xa cái xấu chứ không sợ hãi, e dè nó. Tôi rất tâm đắc cách nhìn này của người phương Tây. Tất cả những nhân vật phản diện trong lăng kính của người phương Tây bao giờ cũng là hài hước, vui nhộn. Có lẽ vì thế nên trong tất cả các truyện tranh hay hoạt hình phương Tây, trẻ con rất thích nhìn các nhân vật phản diện. Khi lồng tiếng cho Gà – mên, tôi cũng trung thành với nguyên tắc này để làm cho nhân vật trở nên hài hước hơn, làm cho trẻ con vui đùa là chính.
- Trong quá trình lồng tiếng cho phim, điều gì là khó khăn nhất đối với anh?
Sự bất đồng về ngôn ngữ là điều mà mọi người dễ thấy nhất. Nên nó sẽ dẫn đến những điều khác nhau cơ bản như cách hành văn, cách chơi chữ, cách sử dụng các ngạn ngữ, thành ngữ mang tính địa phương... Nên đôi khi một câu của nhân vật nói ra thì người Mỹ, người Anh có thể cười nhưng người Việt thì không thể cười được. Khi chuyển thành tiếng Việt thì phải chuyển thành một ý khác và nó phải mang tính song hành với nhau. Chúng ta phải tìm những điển tích tương tự mà người Việt Nam có thể hiểu được.
Khi lồng tiếng, tôi phải tìm ra một cách nói có nhiều âm sắc lên xuống mà trong phiên bản gốc người ta không nói như vậy để có thể truyền tải thông điệp dễ dàng hơn. Chính vì vậy mà nói nôm na là cũng sẽ dẫn đến nhiều bất đồng giữa các bạn Việt Nam và các bạn đến từ Hollywood. Nhưng vì khán giả, chúng tôi phải tìm ra được một sự dung hòa để giải quyết. Ngay cả chính các bạn đến từ Hollywood cũng cảm thấy rất thú vị khi nhận ra được những sự khác nhau này.
- Còn về những nhân vật Xì Trum mới của phần 2?
Với những bạn nhỏ không xem truyện tranh thì có lẽ sẽ không hiểu vì đâu mà có Tí cô nương. Cô ấy được tạo ra bởi lão Gà-mên. Hai nhân vật Tí hư mới cũng vậy. Nhưng cuối cùng họ cũng đều trở thành những dân làng Xì Trum đúng nghĩa. Lòng tốt thì sẽ luôn lan tỏa khắp nơi và sẽ cảm hóa được những cái xấu. Và đây cũng là chủ đề tư tưởng của các câu chuyện về Xì Trum. Tí Vua cảm hóa Tí cô nương và giờ đây cô ấy tiếp tục làm như vậy với 2 người em của mình là Hakus và Vexi.
Lão phù thủy Gà mên trong Xì Trum.
- Sau ngày công chiếu tại Việt Nam, có thể thấy không chỉ có các bé thiếu nhi mà rất nhiều các bạn trẻ cũng tìm đến bộ phim này. Anh nghĩ sao về điều này?
Nhiều người lớn vẫn cứ nghĩ phim hoạt hình là dành cho trẻ con nên ít quan tâm đến nó. Nhưng đã từ hơn 20 năm nay thì người ta làm phim hoạt hình không chỉ là cho trẻ con mà luôn có những câu chuyện để gửi gắm đến người lớn. Vì vậy mà trên thế giới, người lớn đã đi xem các bộ phim hoạt hình rất đông, chật kín cả các rạp. Ở Việt Nam cũng vậy. Tôi nghĩ là các bậc phụ huynh nên chịu khó đưa con mình đi xem phim hoạt hình đi. Bên cạnh những góc nhìn dành cho con trẻ thì cũng còn có những điều rất tinh tế mà những nhà làm phim luôn muốn gửi gắm cho người lớn.
Xin cám ơn nghệ sỹ Thành Lộc.