Tại Việt Nam, người dân Quảng Nam coi xương rồng là đồ ăn cứu đói mỗi khi mưa lũ, bão lụt...
Xương rồng là loại cây gai góc, sống ở vùng khí hậu khô hạn và vùng nhiệt đới. Sau đó chúng được coi như cây cảnh, trồng trong nhà để trang trí cũng như tô điểm sắc xanh cho không gian.
Có hai loại xương rồng phổ biến, đó là xương rồng tai thỏ và xương rồng lê gai. Trong đó, xương rồng tai thỏ - loại mỏng dẹt, có hình elip được sử dụng làm thực phẩm ở các quốc gia châu Âu, Mỹ Latinh...
Theo đó, ở Mexico và các quốc gia châu Mỹ, các món ăn từ xương rồng rất phổ biến và được xem là một món rau xanh, có trong thực đơn hàng ngày của mọi gia đình. Còn tại một số bang ở Mỹ, xương rồng được xem là một thực phẩm "kỳ lạ", rất bổ dưỡng và chỉ dành riêng cho người sành ăn. Vì thế, những trang trại trồng xương rồng cũng được hình thành để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của mọi người.
Với người dân Tây Ban Nha, thực phẩm này giàu chất sắt, vitamin B và C này rất ngon và tốt cho sức khỏe. Nhiều nhà hàng tại Anh bắt đầu sử dụng lá, thân và quả xương rồng để chế biến các món salad, bánh mỳ hoặc ép lấy nước.
Tại Việt Nam, người dân Quảng Nam từ xa xưa đã biết cách chế biến lá xương rồng thành những món ăn dân dã như luộc chấm mắm cái, kho cá, xào tỏi, nấu canh chua... Đặc biệt, nó được coi là đồ ăn cứu đói cho người dân mỗi khi mưa lũ, bão lụt...
Theo kinh nghiệm của người dân xứ Quảng, để có một món ăn ngon, khâu quan trọng nhất là chọn những lá xương rồng non, sẽ mang lại hương vị ngọt, mềm. Ngoài ra, cách chế biến khá đơn giản.
- Xương rồng luộc
Xương rồng sau khi gọt bỏ phần gai bên ngoài cùng lớp màng xanh, sau đó thái mỏng rồi đem luộc cho đến khi những miếng xương rồng chuyển sang màu vàng là có thể thưởng thức được.
- Xương rồng xào
Cũng chế biến như món luộc, xương rồng được vắt ráo nước, sau đó là đem xào với tỏi như các loại rau xanh bình thường.
- Canh xương rồng
Canh xương rồng có vị chua chua, thơm nhẹ chứ không chua đậm như khế, không chua gắt như chanh. Có thể nấu canh với cá lóc hoặc cá trê.
- Gỏi xương rồng
Xương rồng luộc qua, vắt kiệt nước và kết hợp với các loại gia vị chua, cay, mặn, ngọt và một ít lạc rang.