Đây là món rau rừng hoang dại nhưng càng ngày càng được nhiều người tìm kiếm.
Rau xương cá (hay còn gọi là rau hến, rau phồn lâu…) là loại rau rừng, cây ưa ẩm, chịu bóng râm và có xu hướng hơi ưa sáng, thường mọc thành đám dày ở các đám ruộng, rẫy, ven rừng và cả ven đường đi.
Thân cây mảnh, phần dưới nhẵn và có tuyến ở phần trên. Lá cây mọc đối, mềm, dài khoảng 25mm, rộng khoảng 20mm. Lá cây hình tim ở gốc, nhọn dần về phía đầu, gân 3, trong đó gân giữa thường rất rõ. Những lá ở dưới thì có cuống, lá ở trên thì không cuống.
Rau xương cá (hay còn gọi là rau hến, rau phồn lâu…) là loại rau rừng nổi tiếng một thời.
Hoa mọc thành từng cụm thưa ở ngọn thân hoặc kẽ lá. Hoa nhỏ, màu trắng có hai lá đài 5 răng có lông ở mặt lưng, tràng 5 cánh dài bằng lá đài, chẻ đôi rất sâu tạo thành 2 thùy hẹp. Có 5 – 10 nhị, 5 vòi nhụy, bầu hình cầu một ô. Quả là dạng quả nang hình cầu, nút thành 10 mảnh, có hạt hình thận. Chúng ra hoa kết quả vào độ tháng 3 – 5. Nhưng sau khi có hoa quả thì cây bắt đầu vàng úa và lụi tàn. Hạt sẽ tồn tại trên mặt đất trong khoảng 6 – 7 tháng, chịu được cái lạnh của mùa đông để mùa xuân năm sau nảy mầm.
Rau xương cá chủ yếu phân bố ở vùng khí hậu mát thuộc vùng cận nhiệt đới châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, vùng núi cao Thái Lan… Tại Việt Nam, chúng chủ yếu phân bố nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, ở độ cao từ 600 đến 1600m: Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu.
Đây là món rau rừng hoang dại nhưng càng ngày càng được nhiều người tìm kiếm. Bởi chúng không những sạch, có hương vị đặc sắc mà còn là một vị thuốc có thể dùng chữa bệnh.
Rau xương cá có thể dùng để ăn lẩu, dùng nấu canh với xương, thịt trong các bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt rau xương cá nấu với đậu phụ sẽ là một bài thuốc tuyệt vời chữa cao huyết áp; rau xương cá xào có thể chữa bệnh tóc bạc…
Chị Ngọc Hà (28 tuổi, Cao Bằng) cho biết: "Trên quê mình, người dân thường đi rừng kiếm rau xương cá về làm thuốc. Thi thoảng họ cũng dùng làm rau ăn bởi nó có tính mát, rất bổ dưỡng cho sức khỏe của con người. Đặc biệt nó là loại rau sạch, không phun thuốc trừ sâu hay chất hóa học gì cả. Chúng có thể nấu canh thịt bằm hoặc xào tỏi, vô cùng thơm ngon".
Cũng theo chị Hà, rau xương cá thường được bà con dân tộc vào rừng hái và đem ra chợ bán với giá rất rẻ, chỉ khoảng vài nghìn đồng/mớ. Hiện tại một số nhà hàng nổi tiếng cũng bắt đầu "săn lùng" loại rau này, bổ sung vào thực đơn để phục vụ khách du lịch.
Trong Đông y, rau xương cá có vị chua nhẹ, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiêu thũng. Ngoài ra, cây rau xương cá còn dùng trong các trường hợp muốn lợi tiểu, lợi sữa…