Loại quả tưởng chỉ dành cho trẻ nhỏ vừa nghịch chơi vừa ăn này lại có thể chế biến thành đặc sản rất ngon.
Cây bàng là một loại cây cho bóng mát, thường được trồng phổ biến ở rất nhiều đường phố Việt Nam. Quả bàng chín có vị hơi chua chua, ngọt ngọt, chát chát. Ngày bé, có lẽ đứa trẻ nào cũng từng nhặt quả bàng rụng đầy gốc, đem về đập vỡ hạt ra để lấy phần nhân hạt bên trong rồi ăn. Loại quả chẳng mấy ai ngó ngàng này ấy thế mà lại trở thành một đặc sản rất thơm ngon.
Nếu từng du lịch Côn Đảo, du khách đến đây không chỉ tận hưởng cảnh đẹp phong phú mà còn thưởng thức rất nhiều món ăn đặc sản của vùng. Đặc biệt du khách đến Côn Đảo thường lựa chọn mứt hạt bàng làm quà lưu niệm cho những người thân sau những chuyến đi.
Bàng ở Côn Đảo là một loại cây rừng có lá và quả rất to. Đến với Côn Đảo bạn sẽ thấy nơi đây có rất nhiều những dãy bàng mọc trải dài quanh Côn Đảo. Phải khi đến đây mới thấy cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với cây bàng như thế nào. Cây bàng mọc thành hàng thẳng tắp dọc theo những con đường ven biển, và có mặt ở mọi ngóc ngách đường phố. Ở Côn Đảo có những cây bàng cổ thụ hai ba người ôm không xuể.
Người dân Côn Đảo thường lượm từng quả bàng chim ăn rụng, sau đó mang về phơi khô khoảng bốn năm ngày nắng rồi lấy dao đập vỏ tách lấy hạt. Mất khoảng vài giờ đồng hồ vừa chẻ vừa vừa tách trái bàng và dùng tăm khều lấy nhân. Sau khi đã tách lấy được nhân họ sẽ đem rang lên cho khéo để có được những hạt bàng mập mạp đều nhau.
Nhân hạt bàng mới tách ra có màu nâu giống như màu gỗ. Sẽ có hai cách để chế biến thành mứt là rang muối hoặc ngào đường gừng. Nếu như kiểu rang muối chỉ đơn giản là xào hạt bàng cùng lượng muối vừa phải để ướm chút mằn mặn bên ngoài vỏ thì cách ngào đường có phần công phu hơn. Nước, đường và gừng xắt sợi sẽ là gia vị chính, người ta thả hạt bàng vào để xào thật nhanh tay giúp chúng không dính lại với nhau. Sau khi bên ngoài áo đều một màu nâu óng ánh thì thêm một lớp đường mỏng bọc thêm quanh hạt nữa mới hoàn thành.
Hạt bàng thường được chế biến thành món mứt bàng với phương pháp rang. Ở đây có hai loại mứt hạt bàng là mứt hạt bàng vị ngọt và vị mặn. Được gọi là mứt nhưng thật sự là hạt bàng chỉ là được mang rang với muối hoặc với đường như đậu phộng rang muối hay rang đường.
Loại mứt rang với muối thường có vị không mặn, chỉ đậm đà hơn hạt bàng tươi và gần như vẫn giữ được vị bùi bùi nguyên gốc của hạt bàng tươi. Loại rang với đường thì có vị rất ngọt và không còn giữ được vị gốc của hạt bàng. Hạt bàng rang muối nhìn mập, vỏ hơi nâu gỗ, khi cắn vào sẽ thấy các lớp màu trắng ngà của hạt bàng xếp cuộn khít vào nhau.
Hạt bàng ở Côn Đảo có độ săn chắc và đầy thịt hơn hẳn. Khi nhai, ngoài cái giòn giòn, bùi bùi thì đọng lại vị giác của bạn sẽ là chút béo thơm dễ chịu. Lớp vỏ óng ánh mang đến cái ngòn ngọt cay the tinh tế khi ngào đường hay mằn mặn kích thích của kiểu rang muối. Chỉ cần một lần nhâm nhi, bạn sẽ trót mê mẩn món ăn dân dã này.
Quả bàng chín rộ vào mùa hè vào khoảng tầm tháng 7, tháng 8. Giá bán mứt hạt bàng khá cao, với giá 45.000 đồng một lọ ngọt chừng 200 gam và khoảng 55.000 đồng cho lọ mặn với cùng trọng lượng. Vào lúc trái mùa, thời tiết khắc nghiệt, mứt hạt bàng thường tăng giá rất cao có khi lên đến 500.000 đồng – 600.000/kg, và có khi khách mua cũng không có đủ để bán.