Trên mặt hồ nước rộng lớn, một nhà thủy đình đã được kì công xây dựng, mô phỏng giống Thủy Đình trong chùa Thầy với tỉ lệ 1:1.
Tối 20/12, nhiều khán giả đã được trải nghiệm hành trình giao thoa văn hoá độc đáo của ẩm thực, ca trù và rối nước trong không gian ngoài trời tại sân khấu thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ. Họ được tìm hiểu về Bảo tàng rối nước và thưởng thức những trích đoạn rối nước nổi tiếng.
Múa rối có ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng múa rối nước thì chỉ duy nhất có ở Việt Nam. Có nhiều câu chuyện nói về nguồn gốc của nghề múa rối nước, nhưng đối với những người con của vùng đất chùa Thầy thì ông tổ của nghề múa rối nước chính là thiền sư Từ Đạo Hạnh - người đã sáng lập nên chùa Thầy.
Những trích đoạn rối rước được trình diễn trên sân khấu mặt nước của vở thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ".
Trên mặt hồ rộng lớn, một thủy đình được kì công xây dựng, mô phỏng giống Thủy Đình trong chùa Thầy với tỉ lệ 1:1, cùng với lũy tre làng thân thuộc và ngọn núi Thầy mờ ảo xa xa, đã tạo nên một sân khấu múa rối nước ấn tượng chưa từng có tại Việt Nam.
Những trích đoạn ngắn của nghệ thuật rối nước được các nghệ nhân truyền tải một cách sáng tạo và hóm hỉnh về những giá trị tinh thần mộc mạc, giản dị nhưng tinh tế trong nghệ thuật diễn xướng dân gian, làng nghề của xứ Đoài.
Sân khấu mặt nước rộng 4300m2 này cũng chính là sân khấu của vở diễn thực cảnh nổi tiếng Tinh hoa Bắc Bộ. Tinh hoa Bắc Bộ là câu chuyện kể về thiên nhiên và đời sống tinh thần phong phú của con người đất Việt. Dựa trên cốt truyện về thiền sư Từ Đạo Hạnh, vở diễn lần lượt đi qua 6 phân cảnh: Thi ca, Cõi Phật, Hoài cổ, Nhạc họa, An vui và Ngày hội.
Với sự tham gia của hơn 250 diễn viên, trong đó có tới 150 nghệ sĩ biểu diễn là nông dân địa phương, "Tinh hoa Bắc Bộ" được CNN bình chọn là "vở diễn đến Hà Nội nhất định phải xem".
Ngoài múa rối nước, khán giả còn được thưởng thức các món ăn với phong vị đậm đà, nóng hổi, mang đến dung tưởng như được dạo quanh những phố hàng của Hà Nội.
Du khách như lạc vào không gian như "lạ nhưng quen" của một Hà Nội phố thu nhỏ giữa làng quê, bao quanh là lũy tre, những gian nhà uốn lượn quanh co, bàn ghế mộc mạc tạo cảm giác gần gũi cho mỗi chuyến trở về. Từng góc nhỏ, từng vật dụng cho đến từng món đồ trang trí đều toát lên sự mộc mạc, giản dị nhưng tinh tế với những chất liệu dân gian, làng nghề của vùng xứ Đoài như đơm đó, rối nước, hay những ánh đèn lồng lung linh.
Thực khách không còn nghe tiếng còi xe của nội thành tấp nập, thay vào đó là những âm thanh của đồng quê thanh vắng, tiếng dế, tiếng ếch kêu văng vẳng. Đó là một cảm giác dễ chịu, được chậm lại nghỉ ngơi và thư giãn sau những xô bồ nơi phố thị.
Với mong muốn mang đến trải nghiệm ẩm thực đậm bản sắc, nơi đây kể câu chuyện giao thoa độc đáo của văn hóa Việt. Đó là chuyến chu du giữa những món đặc sản của vùng Bắc Bộ qua 4 gian nhà: Quầy Chợ, Quầy Quê, Quầy Gánh và Quầy Nướng. Sự phong phú của các món ăn, phong vị đậm đà, nóng hổi mang đến dung tưởng cho thực khách như được dạo quanh những phố hàng của Hà Nội.
Trải nghiệm ẩm thực càng thi vị hơn khi các thực khách được thưởng thức các nghệ nhân ca trù, hay còn gọi là hát nói, hay hát ả đào - một di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận ngay tại sân khấu. Trong cái se lạnh của mùa Đông Hà Nội, tiếng hát như từ miền xa xưa của các nghệ nhân ca trù như cuốn phim tua chậm đưa thực khách trở về kí ức thời thơ ấu, trong không khí ấm áp của gia đình quây quần sum họp và thương nhớ làng quê.
Các nghệ nhân ca trù (hay còn gọi là hát nói, hát ả đào - di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận) biểu diễn trên sân khấu.