Là vùng đất có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như: Chăm, Khmer, Hoa, Việt… nên văn hóa ẩm thực An Giang rất đa dạng phong phú, mỗi món ăn đều mang hương vị bản sắc riêng.
Bánh tằm bì Tân Châu
Một trong những món ngon đặc sản An Giang “tiếng lành đồn xa" là bánh tằm bì Tân Châu. Những sợi bánh tằm dai, giòn, ăn kèm cùng bì thịt heo và xíu mại, rưới thêm chút nước cốt dừa béo ngậy, tạo nên hương vị mặn - ngọt kết hợp độc đáo vô cùng.
Sợi bánh tằm bì là một nguyên liệu khá lạ, được làm từ hỗn hợp bột gạo, bột năng; khi nấu lên có độ dẻo thơm nhất định. Sợi bánh tằm bì được cán tương đương với sợi bánh canh, tuy đơn giản nhưng gây thương nhớ cho biết bao thực khách đã từng được thưởng thức món ngon đặc sản An Giang trứ danh này.
Bánh xèo Núi Cấm
Bánh xèo Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) lôi cuốn thực khách bởi hơn 20 loại rau rừng ăn kèm. Các quán bán bánh xèo sẽ lấy rau sạch và rau trên núi Cấm để làm nên một đĩa rau phong phú. Đó có thể là lá của cây xoài, rau tía tô, xà lách các loại cho đến các loại dưa giá rất phong phú.
Bánh xèo chỉ bao gồm thịt ba rọi, giá và tép như hầu hết những vùng khác, tuy nhiên lại thu hút được nhiều người bởi cái phong vị thiên nhiên và lạ miệng của các loại rau rừng. Thưởng thức bánh xèo Núi Cấm, thực khách sẽ được nếm các loại rau với đủ mùi vị, tất cả hòa trộn thành một hương vị rất đặc biệt.
Tung lò mò
Nghe tên có vẻ xa lạ nhưng đây thực chất lại là món ăn vặt lai rai quen thuộc với nhiều người. Tung lò mò hay lạp xưởng bò là đặc sản An Giang được đông đảo thực khách gần xa yêu thích. Tung lò mò được làm hoàn toàn từ thịt bò nguyên chất, không sử dụng chất bảo quản và đặc biệt không trộn lẫn thịt mỡ heo xay trộn.
Trong quá trình chế biến, người Chăm An Giang sẽ sử dụng ruột bò (hoặc tàu hủ ky) bao bên ngoài, bên trong dồn thịt bò đã xay nhuyễn trộn với gia vị như tiêu, tỏi và một số nguyên liệu bí truyền của người Chăm. Tung lò mò có thể ăn kèm với các món ăn khác bằng cách nướng, chiên hoặc hấp, nhưng ngon nhất vẫn là nướng trên than hồng.
Bánh bò thốt nốt
An Giang độc đáo không chỉ với món mặn mà còn cả món ngọt. Món ngon đặc sản An Giang tráng miệng được nhiều người ưa chuộng nhất phải kể đến bánh bò thốt nốt Châu Đốc.
Bánh bò có màu vàng tươi, mềm và xốp với mùi thơm thoang thoảng của đường thốt nốt còn vị thì ngọt thanh. Bánh bò thốt nốt có 2 loại là bánh bò khô và bánh bò ăn kèm với nước cốt dừa, mỗi loại đều mang hương vị riêng, ngọt bùi vương vấn.
Gỏi đu đủ đâm Tri Tôn
Mỗi khi có dịp về Tri Tôn, An Giang, người ta phải tìm ăn bằng được món đu đủ đâm độc đáo lạ miệng nơi đây. Công thức chẳng đâu có gồm cả ba khía, mắm ruốc và hột vịt, thịt nướng. Đây là món gỏi đu đủ của người dân Khmer, trong tiếng Khmer, đu đủ đâm có tên là bốk-la-hông.
Thành phần nguyên liệu của món bao gồm đu đủ thái sợi, rau muống, đậu đũa và sự kết hợp của chanh, cà chua, mắm ruốc. Nhai chậm rãi, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt nhẹ của sợi đu đủ giòn sần sật, cùng vị mằn mặn nhưng không quá gắt của mắm. Cộng hưởng thêm là vị chua của chanh, vị cay của ớt kèm vị béo của đậu phộng, mùi thơm của rau mọi vị cảm hoà quyện vào nhau.
Các món ăn được làm từ lía Tân Châu
Về Tân Châu không thể bỏ qua các món ăn vặt được làm từ lía ngon nức tiếng. Theo người dân nơi đây, con lía thuộc họ với hến, nhưng vỏ mỏng hơn. Lía được người dân cào trên sông, các con kênh. Lía có thể chế biến thành vài món như lía xào tỏi, lía luộc xả, lía phơi…
Dân ở đây, đặc biệt là giới trẻ, thường chuộng lía xào tỏi hơn, còn lía phơi nắng hơi kén người ăn bởi con lía còn sống, người ta chỉ ướp muối rồi phơi hai, ba cái nắng, sau đó mang ra bán. Lía xào tỏi thơm ngon, đậm vị. Phần nước dùng trong lía chảy ra trong quá trình xào càng khiến món ăn trở nên đậm đà, thơm ngon. Lấy từng con lía đưa vào chén nước chấm rồi cho vào miệng, không thể cưỡng lại món ăn quê dân dã, phảng phất mùi thơm rau quế đúng chất sông nước này.