Độc lạ quán cơm hơn 60 năm ở Sài Gòn: Khách muốn ăn phải tìm bà chủ để xem “đi nước ngoài về chưa?”

Thiên Phát - Ngày 11/04/2024 07:00 AM (GMT+7)

Giữa lòng Sài Gòn có một quán cơm tấm đặc biệt, thực khách phải chạy ngang qua “nghía” tìm bà chủ dễ thương để xem có về chưa rồi mới ghé vô ăn. Mùa mưa, chủ quán bỗng dưng “mất tích”... để đi nước ngoài khiến khách hàng nhớ mãi không thôi.

Đó là quán cơm tấm của bà Lan (70 tuổi), ngụ ở Số 150/1, đường Nguyễn Trãi (phường Bến Thành, Quận 1). Hàng chục năm nay, quán cơm tấm đầu hẻm của gia đình bà Lan là một địa chỉ ăn uống đặc biệt, khắc sâu trong ký ức của nhiều người dân. 

Dù buổi sáng hay buổi trưa, hương thơm khó cưỡng của những mâm đồ ăn nóng hổi và thơm phức dễ dàng đánh thức khẩu vị của thực khách.

Dù buổi sáng hay buổi trưa, hương thơm khó cưỡng của những mâm đồ ăn nóng hổi và thơm phức dễ dàng đánh thức khẩu vị của thực khách.

Sự dễ thương của bà chủ U70 làm nên thương hiệu “độc lạ Sài Gòn”

Dưới mái hiên nhỏ, quán Cơm tấm Số 1 Nguyễn Trãi đã đỏ lửa từ năm 1963 bởi mẹ ruột của bà Lan rồi truyền nghề cho bà không lâu sau đó. Đến nay dù đã 70 tuổi, bà Lan vẫn cần mẫn quán xuyến mọi việc, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến khâu đứng bán cho khách. 

Để có được những miếng sườn nướng thơm ngon, bà Lan phải dậy từ lúc 2h30 đi mua và tẩm ướp từng ký thịt cùng với các món khác. “Không nhất thiết phải ra chợ đầu mối, bà đi chợ Bến Thành vẫn có được thịt nóng ngon. Bà phải làm một ngàn công việc không tên: nấu cơm, làm bì, làm tóp mỡ, kho trứng… giống như mình bán vì đam mê vậy”, bà Lan gật gù nói.

Độc lạ quán cơm hơn 60 năm ở Sài Gòn: Khách muốn ăn phải tìm bà chủ để xem “đi nước ngoài về chưa?” - 2

Khác với các quán ăn dùng chả trứng, chủ quán tự tay sáng tạo món chả cua theo công thức riêng của mình.

Những mâm đồ ăn lần lượt được bà Lan bày biện ra trước, kế bên đĩa sườn, bì, chả, thực đơn bắt mắt của quán còn có xíu mại, ốp la, trứng kho và lạp xưởng. Sau khi đon đả mời khách ngồi và gọi món, nhân viên cũng gợi ý thêm thức uống và các loại canh ăn kèm như canh khổ qua, khoai mỡ, cải xoong với giá 10.000 đồng/chén. 

“Tiền nào của đó”, bà Lan chỉ tay vào bảng giá được dán công khai trong tiệm, hồ hởi nói: “Món bì này nhanh hết lắm nha, một phần cơm tấm bì là 50.000 đồng, còn ai muốn ăn sườn bì chả full topping là 80.000 đồng”. Quả thực, nhìn vào đĩa cơm tấm thơm nức với miếng chả cua ngon mắt, hầu hết thực khách đều thấy xứng đáng cho chất lượng của món ăn. 

“Sườn được ướp vừa ăn và nướng chín không quá khô”, bạn Quỳnh Vy (22 tuổi, ngụ Phú Nhuận) tấm tắc khen ngon: “Giá cả quận trung tâm theo mình như vầy là hợp lý. Quán đặc biệt ở chỗ nướng sườn nhưng không thấy khói, quầy phục vụ của quán rất gọn gàng và sạch sẽ, tạo ấn tượng ban đầu cho người đến ăn lần đầu tiên”

Độc lạ quán cơm hơn 60 năm ở Sài Gòn: Khách muốn ăn phải tìm bà chủ để xem “đi nước ngoài về chưa?” - 3

“Để tạo nên món sườn nướng riêng biệt, gia vị tẩm ướp không có sả và ngũ vị hương, hai thứ chỉ nên được dùng trong bữa cơm nhà và không phù hợp để ăn với cơm tấm”, bà Lan “tiết lộ” về công thức bí mật. 

Đặc biệt, cũng chỉ dùng mắm, muối, đường như bao quán khác nhưng quán cơm tấm nhỏ lại chinh phục dạ dày thực khách bởi sự nồng hậu, dễ thương của bà chủ quán U70 .

Quán cơm không bán mùa mưa vì bà chủ “bận đi nước ngoài thăm con”

11h trưa, đang loay hoay làm đồ ăn, bà Lan chỉ chỗ đậu xe khi khách vừa tới, bà chủ bông đùa: “Bà busy (bận rộn) lắm”. Có những vị khách quen, đi ngang thấy bà mới chịu quẹo vô, không thấy là đi luôn. 

Giải thích về việc hay “mất tích” của mình, bà Lan vui vẻ nói: “Bà chỉ ở đây có một mình nên từ tháng 6 đến tháng 9 bà đi Úc thăm chồng và con cháu. Đó là mùa mưa ở Việt Nam, mưa lớn lắm nên buổi sáng bán không được, con nít cũng nghỉ hè nên quán khá vắng”.

Trước khi đi nước ngoài, bà Lan sẽ dán thông báo tại quán để khách khỏi phải trông chờ. Ngoài ra, quán còn có lịch nghỉ cố định hàng tháng vào các ngày 14, 15 (rằm) và ngày 30, mùng 1 âm lịch. 

Độc lạ quán cơm hơn 60 năm ở Sài Gòn: Khách muốn ăn phải tìm bà chủ để xem “đi nước ngoài về chưa?” - 4

Đa số khách đến quán đều rơi vào khoảng trung niên, họ biết rõ sau khi bán hết cơm tấm, dưới đáy chỉ có một lớp cơm cháy giòn rụm chan nước mắm với bì là ngon khó cưỡng. Tất cả nhân viên kỳ cựu của quán đều “cống hiến” từ khi họ mười chín, đôi mươi. Bà Lan gọi tên từng người, nhân viên nữ đều là cháu gái của bà ở dưới tỉnh lên phụ bán, còn nam thì là nhân viên được thuê. Khi chủ quán vắng nhà, các anh chị đều không bán cơm tấm mà chỉ bán cháo lòng hoặc có khi nghỉ luôn vì quán thiếu đi sự nhộn nhịp, đốc thúc của bà Lan.

Gọi là Cơm tấm Số 1 Nguyễn Trãi nhưng địa chỉ chính xác của quán là 150/1 Nguyễn Trãi, bà Lan lấy số nhà đầu hẻm thành tên quán cho dễ nhận biết: “Trong hẻm này ai cũng biết đến quán của bà, đôi khi hàng xóm xách tô qua mua bao nhiêu bà cũng bán, vậy nên quán có để xe hơi chật hẻm một xíu cũng không sao”, bà Lan cười nói về sự dễ thương, hào sảng của những người hàng xóm.

Sự nhiệt tình, nồng hậu của bà chủ quán 70 tuổi đã tạo nên nét riêng biệt, thu hút thực khách tìm đến thưởng thức

Sự nhiệt tình, nồng hậu của bà chủ quán 70 tuổi đã tạo nên nét riêng biệt, thu hút thực khách tìm đến thưởng thức

Vì con cháu đều ở hết nước ngoài, chỉ còn mỗi bà Lan duy trì quán cơm tấm mà mẹ để lại nên đối với bà, còn sức khoẻ thì bà còn làm, cứ bán cho thỏa đam mê. 

Sau khi quán cơm tiễn những vị khách cuối cùng ra về, bà Lan đưa tay quệt mồ hôi rồi cười hạnh phúc. Có lẽ ở cái tuổi 70, việc được buôn bán, được chuyện trò cũng khách là niềm vui lớn nhất mà bà Lan có được. Vậy nên nếu một ngày rảnh rang, thay vì thưởng thức một món ngon nào đó, bạn hãy thử ghé đến quán bà Lan để cảm nhận tiệm cơm tấm chuẩn vị đã tồn tại hơn 60 năm giữa lòng Sài Gòn.

Lớp học của ông bà Tư: U90 vẫn chống gậy cầm phấn, miệt mài gieo chữ cho trẻ em nghèo
Dù mái tóc đã một màu tuyết trắng, ông bà cụ ngoài 80 tuổi vẫn ngày ngày gieo con chữ cho rất nhiều trẻ em nghèo ở làng Đại học Quốc gia TP.HCM. 30...

Việc tử tế

Theo Thiên Phát
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sài Gòn tử tế