Không chỉ được đánh giá là những ngôi chùa cổ, linh thiêng của Thủ Đô, đây còn là 5 địa điểm đẹp mà bạn nên ghé thăm mỗi dịp xuân về.
Chùa Tảo Sách
Đến số 386 Đường Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội, ngay khi bước vào cổng chùa, chắc hẳn bất cứ tăng ni phật tử nào cũng sẽ cảm thấy lòng thanh thản lạ thường. Bởi lẽ, ngôi chùa này nằm ngay sát Hồ Tây thơ mộng, có quy mô rộng lớn, cổ kính trang nghiêm, non xanh nước biếc, cảnh sắc tươi đẹp.
Chùa Tảo Sách, tên chữ là Linh Sơn Tự, đến cuối triều Bảo Đại (1941) thì chùa được xây dựng lại quy mô như hiện nay. Kho tàng hiện vật của chùa Tảo Sách rất phong phú, nhất là các tư liệu Hán Nôm, đặc biệt có 3 pho tượng Tam Thế được làm cuối thế kỷ XVIII.
Năm 1993, Chùa được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá và được duy tu, tôn tạo với đủ Nhà thờ Tổ, Trai phòng, Nhà thờ Mẫu, Điện thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát…, đặc biệt là dựng lại gác chuông, tam quan đậm nét kiến trúc dân gian, hài hoà cảnh trí như hiện nay.
Chùa Tảo Sách là một trong số những ngôi cổ tự khá hiếm hoi còn lại ở thủ đô giữ được vẻ cổ kính, u tịch, trang nghiêm không gian Phật đài.
Đền - Chùa Kim Liên
Được mệnh danh là “bông sen ven Hồ Tây”, đền - chùa Kim Liên được Bộ văn hoá Thể thao Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia đợt đầu tiên ở Hà Nội năm 1962. Đây cũng là một trong 10 di tích kiến trúc cổ đặc sắc nhất Việt Nam.
Kiến trúc của chùa Kim Liên mang dáng vẻ cung đình. Toàn bộ cổng chùa được làm bằng gỗ, khá đồ sộ và chạm khắc công phu. Các hoa văn được khắc trên vì kèo, đầu cột, đầu mái chùa, chủ yếu là hình hổ phù, lá và hoa sen, hình rồng cách điệu, mây vờn...
Tại chùa Kim Liên còn giữ được nhiều pho tượng đẹp bao gồm tượng phật, tượng Bồ Tát, Công chúa Từ Hoa. Đáng chú ý nhất là tượng Quan Âm Nam Hải 42 tay, các bàn tay xếp so le rất tinh xảo, tượng cao 1,2m đặt trên tòa sen gỗ hình lục lăng.
Cùng với hệ thống tượng quý, chùa Kim Liên còn lưu giữ được một tấm bia cổ niên hiệu Thái Hòa tam niên Ất Sửu - tức năm 1445 thời Lê Nhân Tông. Đây là tấm bia cổ nhất ở Hà Nội hiện nay.
Chùa Tứ Kỳ
Đến thăm chùa Tứ Kỳ ở số 8 đường Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chúng ta sẽ được đến với không gian thư thiền tĩnh lăng. Tiếng đạo tràng đồng tụng Kinh, niệm Phật, tiếng chuông, nhịp mõ đều đặn, bình yên ngân vọng là nét ấn tượng nhất của ngôi chùa này.
Khách thập phương khi về đây có thể mượn kinh sách, các tài liệu Phật giáo, cùng tu học, thực hành tu thiền, cùng tụng Kinh, niệm Phật, chia sẻ giáo lý. “Đọc là Thiền, Thiền là đọc”, thư thái từng phút giây, an tịnh nơi tâm mình…
Đây là một ngôi chùa có cảnh đẹp ở phía tây nam thành phố nằm trong hệ thống di tích của Thủ đô. Chùa đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa năm 1995.
Chùa Trấn Quốc
Nằm trên đường Thanh Niên (Ba Đình, Hà Nội), ngôi chùa có lịch sử 1.500 năm, là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và Trần. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang.
Quần thể chùa gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công. Ban đầu chùa có tên là Khai Quốc. Sau nhiều lần đổi tên, tên chùa Trấn Quốc lại được người dân quen gọi từ đời vua Lê Hy Tông đến nay.
Nơi đây lưu giữ nhiều pho tượng Phật, Bồ tát có giá trị nghệ thuật. Đáng nói nhất là pho tượng Thích Ca nhập Niết bàn được đánh giá là bức tượng Niết bàn đẹp ở Việt Nam.
Chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1962. Hàng năm nơi đây không chỉ đón tiếp nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ mà còn là điểm thu hút khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước khi đến du lịch Hà Nội.
Chùa Vạn Niên
Ngôi chùa 1.000 năm tuổi ở Hà Nội nằm sát với Hồ Tây , thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ, Tp.Hà Nội. Chùa được xây dựng và năm Thuận Thiên thứ 2 (1011) sau khi vua Lý Công Uẩn rời đô ra Thăng Long. Tên gọi ban đầu là chùa Vạn Tuệ sau đổi là chùa Vạn Niên.
Đây được coi là ngôi chùa thiêng liêng của đất Thăng Long - Hà Nội, có nhiều điều bí ẩn, thú vị được sử sách còn ghi.
Là một kiến trúc Phật giáo, chùa được tạo bởi công trình nghệ thuật bằng gỗ, với các hoa văn họa tiết vừa bản địa vừa tiếp nhận văn hóa phương Đông. Các nếp nhà được xây dựng hướng Đông, theo bố cục mặt bằng gồm tam quan, chùa chính điện Mẫu (thờ chúa Liễu Hạnh), nhà Tăng, nhà phụ. Bao quanh kiến trúc là vườn cây cổ thụ. Trên nóc chùa có ba chữ triện đắp nối “Vạn Niên Tự”.
Chùa được Bộ Văn Hóa xếp hạng là Di tích nghệ thuật quốc gia từ năm 1996. Chùa Vạn Niên luôn là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi đem lại sự an lạc về tinh thần và giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho các thế hệ.
>> Đọc ngay: Đi lễ đầu năm, muốn hưởng phúc thì phải "thuộc lòng" các nguyên tắc này