Tháng 7, hoa giấy đồng loạt bung nở, khoe sắc rực rỡ trở thành biểu tượng mùa hè tươi đẹp trên khắp mọi nẻo đường, làng quê ở miền Trung mê hoặc du khách.
Gần sát với trung tâm TP Quy Nhơn, thời gian gần đây, thung lũng Quy Hòa ở phường Ghềnh Ráng (Bình Định) trở thành điểm đến tham quan bình yên, thơ mộng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Mùa du lịch hè cao điểm, giàn hoa giấy cổ thụ nơi đây nhuộm hồng cả tuyến đường dài hàng trăm mét thu hút giới trẻ đến tham quan, check-in.
Hoa giấy kết thành chùm rực rỡ nổi bật dưới rặng dừa xanh mở ra không gian thiên nhiên thanh bình, ấn tượng trong lòng du khách.
Theo các tài liệu lịch sử, vào khoảng năm 1929, một linh mục người Pháp có tên Paul Maheu đã phát hiện ra sự yên bình vắng lặng hiếm có của vùng đất này và ông đã quyết định xây dựng một khu điều trị cho bệnh nhân phong mang tên Bệnh viện Laproserie de Quy Hoa. Năm 1932, bệnh viện được Charles Antoine và Ozithe xây dựng lại, có cả khu nhà để người bệnh đến đây điều trị lâu dài. Ngoài bệnh viện, trong khuôn viên Quy Hòa còn có nhà thờ, nơi ở của các nữ tu và hơn 200 ngôi nhà dành cho bệnh nhân phong định cư.
Năm 1936, thi sĩ Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong và đến sống những năm tháng cuối đời ở Quy Hòa để điều trị bệnh và làm thơ. Những năm tháng ở Quy Hòa, nhà thơ Hàn Mặc Tử ghi đậm dấu ấn tài hoa rất riêng đã được ra đời tại vùng đất đẹp như tranh này như: “Thơ điên”, “Hương thơm”. “Mật đắng”, “Máu cuồng và hồn điên”..,
Với du khách hâm mộ thơ Hàn Mặc Tử, Quy Hòa là điểm đến không thể bỏ qua trong đời. Người mộ điệu thơ, người tiếc thương cho một người tài hoa bạc mệnh, người tìm thấy vẻ đẹp và sự đồng cảm trong thơ ông đến đây trải nghiệm trên “con đường hoa giấy xác pháo” mỗi năm để tưởng nhớ ông.
Hiện nay làng phong Quy Hòa có khoảng 250 hộ dân đang trở thành một điểm đến độc đáo, thú vị cho du khách gần xa. Làng hoàn toàn là các thế hệ người bị bệnh phong sinh sống lâu đời, giữ lại được hầu hết nét kiến trúc Gothic từ thời Pháp và không có nhà xây mới hoặc cao tầng.
Sự pha trộn giữa kiến trúc, văn hóa và lịch sử in dấu trên từng ngôi nhà đã bạc màu sương gió càng khiến làng phong trở nên riêng biệt và mang đậm nét đẹp hoài cổ.
Quy Hòa có diện tích khoảng 60ha, nằm trong thung lũng ba bề là núi và cây xanh bao phủ ôm chặt ngôi làng nửa vầng trăng, mặt hướng ra biển yên bình sóng vỗ. Từ trên cao nhìn xuống, ngôi làng nằm sát bờ biển dài đẹp như nét vẽ hàng mi cong vút của người thiếu nữ. Những ngôi nhà nhỏ xinh xinh lấp ló sau những vườn cây, rặng dừa, được tô điểm bởi hàng phi lao cao vút, cát, nắng vàng và muôn màu hoa khoe sắc.
Quy Hòa lặng lẽ, đẹp dịu dàng và kín đáo - điểm đến cho những ai muốn tìm kiếm sự thư thả, bình yên trong tâm hồn. Tản bộ dưới giàn hoa giấy rực rỡ, thấp thoáng dưới bóng dừa xanh mát, du khách dễ dàng gặp gỡ người dân nơi đây vui vẻ trìu mến, hồn hậu. Để rồi cảm nhận niềm hạnh phúc, đôi khi mở ra từ những điều đơn giản với lẽ sống chậm với thiên nhiên để biết yêu thương.
Từ nay đến năm 2025, thành phố Quy Nhơn đặt mục tiêu phát triển thung lũng Quy Hòa trở thành một địa điểm du lịch tâm linh, văn hóa, kiến trúc độc đáo. Ở đây, mỗi ngôi nhà thực sự là bảo tàng về kiến trúc và mỗi cư dân là một đại sứ du lịch tạo ấn tượng đẹp cho du khách.
Trong khi đó, đến với phố cổ Hội An những ngày này, du khách có dịp trải nghiệm thú vị với không gian hoa giấy rực rỡ sắc màu trên nhiều tuyến phố.
Đi quanh các tuyến phố của Hội An, giàn hoa giấy hiện diện khắp nơi. Hoa giấy ở góc ngã tư tuyến phố cổ Trần Phú - Lê Lợi; từng chùm hoa buông xõa trước mái ngói âm dương của đình, chùa cổ, hoa giấy rơi trong sân quán cà phê hay điểm xuyết các gam màu tươi sáng trong các con hẻm huyền thoại…
Nhà văn Đinh Lê Vũ (thành phố Hội An, Quảng Nam), chia sẻ hoa giấy mỏng manh như là cánh bướm, hoa giấy nở thành từng chùm, đủ các màu tím, hồng, trắng, cam, đỏ… tươi tắn như muốn xoa dịu tiết trời nắng nóng ngày hè. Nắng càng gắt thì hoa giấy càng nở hoa rực rỡ, mãnh liệt…
"Không biết tự bao giờ, những giàn hoa giấy đã trở thành hình ảnh không thể thiếu được trong tâm trí của du khách về thăm phố cổ vào dịp hè. Phố cổ như trẻ hơn, tươi tắn hơn bởi được điểm trang bằng những chùm hoa giấy đầy màu sắc, đơn giản mà lộng lẫy", ông Vũ nói.
Hoa giấy nở rộ và đẹp nhất là khoảng giữa tháng 3 đến cuối tháng 7 dương lịch. Chính vẻ đẹp mộc mạc, thanh khiết của loài hoa này đã níu chân những du khách dạo chơi phố cổ Hội An.
Nhiều bạn trẻ đã chọn không gian mùa hoa giấy ở phố cổ Hội An vào buổi sáng sớm để chụp bộ ảnh cưới lưu giữ khoảnh khắc thanh xuân, hạnh phúc của đời mình. Vào buổi sáng, khi ánh bình minh rạng ngời xiên qua kẽ lá, đây là thời khắc đẹp nhất để có bức ảnh đẹp, lãng mạn bên giàn hoa giấy ở phố cổ Hội An.
Những sắc hoa giấy rực rỡ trong nắng hè tô điểm thêm vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình cho từng tuyến phố cổ Hội An. Nhiều cặp đôi tìm về phố cổ Hội An thuê xe đạp chạy lòng vòng, check-in lưu niệm nhiều tấm ảnh đẹp giữa mùa hoa giấy nở rộ.
Trong khi đó, nhiều nhóm du khách đi bộ hoặc đi dạo phố bằng xích lô hay đi thuyền trên sông Hoài ngắm giàn hoa giấy mơ màng bên dãy đèn lồng lấp lánh muôn màu. Những đóa hoa giấy đỏ, hồng, cam như những chiếc đèn lồng đặc biệt khơi gợi cảm xúc nhớ thương về miền phố cổ thanh bình, sâu lắng mà không nỡ rời chân đi…