Cơn ác mộng khi gặp một chiếc iPhone hỏng không chỉ nằm ở việc thay mới những linh kiện đắt tiền mà còn là nỗi lo sửa xong máy không mở nổi khóa.
Khắc phục vấn đề của một chiếc smartphone có thể là một cơn ác mộng. Đặc biệt là khi bạn nghĩ tới chuyện thay mới những linh kiện rất đắt đỏ. Và đó là lý do vì sao nhiều người chọn sử dụng dịch vụ sửa chữa của các bên thứ 3 với hy vọng mức giá sẽ “nhạc nhẹ” hơn một chút. Thế nhưng với những người sở hữu iPhone, thảm họa không chỉ nằm ở việc điện thoại bị vỡ. Thảm họa còn là làm thế nào để mở chẳng may bị khóa vì lý do phần cứng không khớp.
“Thủ phạm” gây ra những rắc rối này chính là bộ cảm biến Touch ID được nhúng vào nút home trên các dòng iPhone từ 5s trở lên. Touch ID chính là cách mà chiếc điện thoại tương tác với phần cứng. Để đảm bảo sự an toàn và an ninh giữa từ các ngón tay của bạn đến phần mềm của máy, iPhone phải có khả năng xác thực bộ quét Touch ID và ghép cặp với các phần cứng còn lại trên máy. Khi Apple thay thế nút home bị hỏng, máy sẽ cặp với một bộ cảm biến mới, thế nhưng các dịch vụ của bên thứ 3 lại không thể làm được điều này.
Vấn đề ở đây là lỗi ghép cặp này không xuất hiện ngay lúc đó. Chiếc điện thoại của bạn có thể hoạt động rất ổn trong một thời gian. Nhưng khi chủ nhân cài đặt một phiên bản cập nhật của hệ điều hành, chiếc điện thoại sẽ kiểm tra xem nó còn sở hữu bộ quét Touch ID chuẩn không, và nếu phần cứng không khớp với những gì chiếc điện thoại “kỳ vọng”, nó sẽ khóa thiết bị và máy báo lỗi 53 (error 53).
Apple có cái lý của mình, bởi sự chặt chẽ này sẽ giúp phần mềm phát hiện được các cuộc tấn công dạng man-in-the-middle, tại đó các hacker phần cứng có thể giả mạo vân tay trên Touch ID. Đương nhiên Apple chẳng gặp bất cứ hậu quả nào khi làm như vậy và công ty này cũng chẳng có ý định sẽ ngừng việc ghép cặp và kiểm tra Touch ID. Thế nhưng sự bảo vệ tối cao này có thể khiến các cửa hàng sửa chữa máy “hết nước làm ăn” không?