Các nhà sản xuất và người bán hàng luôn nghiên cứu kỹ lưỡng về hành vi của người tiêu dùng để đưa ra chiến lược kích thích khả năng mua sắm. Dưới đây là 15 mẹo nhỏ giúp bạn chống lại mọi cám dỗ và tiết kiệm được nhiều hơn khi đi mua sắm.
1. Đi giày cao gót
Theo một nghiên cứu nhỏ, việc phải tập trung vào việc giữ thăng bằng khi đi giày cao gót có thể ảnh hưởng đến số tiền bạn chi ra. Bằng cách này, người tiêu dùng sẽ có thể đánh giá lựa chọn của mình kỹ càng hơn và chọn những sản phẩm có giá tầm trung thay vì những thứ rất đắt tiền. Điều thú vị là đi mua sắm sau khi tập yoga hoặc sau khi đi thang cuốn cũng có thể tạo tác dụng tương tự.
2. Giữ tiền mới trong ví
Một nghiên cứu khác nói rằng hình thức bên ngoài của tiền cũng ảnh hưởng đến cách chi tiêu của chúng ta. Mọi người có xu hướng tiêu nhanh những tờ tiền trông cũ, bẩn và sờn rách. Hãy cố gắng giữ những tờ tiền mới trong ví và gửi phần còn lại vào tài khoản ngân hàng của bạn.
3. Trì hoãn khi có thể
Trước khi nhấp vào nút “Hoàn tất đơn đặt hàng” khi mua sắm trực tuyến, bạn có thể thử đóng trang web và để cho mình thời gian trì hoãn là vài giờ hoặc qua một đêm. Bạn có thể thậm chí chẳng nhớ nổi mình định mua gì vào tối hôm trước và điều đó chứng tỏ bạn thực sự không cần đến chúng.
Bạn cũng có thể làm vậy khi đi mua sắm, bằng cách đặt sản phẩm đó xuống, đi vài vòng và sau đó quay trở lại sau nếu thực sự cần.
4. Tránh tương tác lâu với nhân viên bán hàng
Tương tác tích cực với khách hàng là một trong những quy tắc được nhiều nhà bán lẻ luôn tuân thủ. Nhân viên bán hàng tương tác với khách hàng càng nhiều, khách hàng càng ở lại cửa hàng lâu hơn và càng có nhiều khả năng sẽ mua nhiều hơn dự định. Tốt nhất, bạn hãy cố gắng giảm các tương tác này xuống thời gian càng ngắn càng tốt hoặc hoàn toàn không tương tác.
5. Thanh toán bằng tiền mặt
Thanh toán không tiền mặt ngày càng trở nên thuận tiện và phổ biến hơn song điều này cũng khiến bạn khó kiểm soát những đồng tiền chi ra hơn. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng người tiêu dùng có khả năng chi tiêu nhiều tiền hơn khi thanh toán bằng thẻ ghi nợ so với thanh toán bằng tiền mặt. Thanh toán bằng thẻ khiến bạn khó theo dõi chi tiêu hơn.
6. Không lưu trữ thông tin thanh toán
Khi mua sắm trực tuyến, bạn hãy từ bỏ việc ghi nhớ thông tin thanh toán trên ứng dụng hay trang web đó. Với việc thông tin thanh toán đã được lưu trữ, bạn có thể mua hàng nhanh chóng chỉ bằng vài lần nhấp chuột và điều đó kích thích bạn mua sắm nhiều hơn mức cần thiết. Việc phải nhập từng thông tin vào phần thanh toán sẽ hạn chế hơn được việc chi tiêu.
7. Đọc nhận xét về các mặt hàng đắt tiền
Mua những thứ đắt tiền một cách bốc đồng và sau đó hối tiếc khi về nhà là một trải nghiệm không hề thú vị. Để tránh rơi vào tình trạng này, bạn có thể nhanh chóng lên mạng và xem mọi người bình luận gì về thứ mà bạn đang muốn mua. Có thể bạn sẽ nhận ra rằng sản phẩm đó không hề hữu ích như quảng cáo và rất nhiều khách hàng đã phàn nàn sau một thời gian sử dụng.
8. Ngậm kẹo bạc hà trước khi bước vào cửa hàng
Các nhà bán lẻ sử dụng một chiến lược đặc biệt gọi là "tiếp thị bằng mùi hương" để làm cho trải nghiệm mua sắm của khách hàng trở nên dễ chịu hơn. Họ sử dụng các mùi hương như cam bergamot, vani, bạch trà hoặc tre để kích thích bạn chi tiêu nhiều tiền hơn. Trong trường hợp này, bạn có thể nhai kẹo cao su hoặc ngậm kẹo có vị bạc hà để lấn át những mùi thơm xung quanh bạn và không chi tiêu nhiều hơn cần thiết.
9. Đeo tai nghe
Một mẹo khác mà các siêu thị thường dùng để khiến bạn chi nhiều tiền hơn chính là bật các bài hát với âm thanh dễ chịu. Điều này đã được nghiên cứu trong một thời gian dài và được chứng minh rằng nhịp độ và thể loại của âm nhạc có ảnh hưởng đến cách chúng ta đưa ra quyết định mua hàng.
Để không bị ảnh hưởng bởi yếu tố này, bạn có thể đeo tai nghe trong khi đi mua sắm.
10. Tránh chạm vào sản phẩm quá nhiều
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nếu khách hàng được phép nhìn và chạm vào các hàng hóa khác nhau trong cửa hàng, họ có nhiều khả năng sẽ trả nhiều tiền hơn. Việc chạm vào sản phẩm thực sự ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của chúng ta và người bán biết cách biến điều này thành lợi thế.
Lời khuyên được đưa ra ở đây là khi mua sắm, hãy cố gắng chỉ chạm vào những mặt hàng mà bạn thực sự định mua.
11. Không sử dụng giỏ hoặc xe đẩy khi mua hàng tạp hóa.
Một số cửa hàng thậm chí sẽ thay đổi kích thước giỏ hàng của họ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, sử dụng kích thước giỏ hàng lớn hơn có thể khiến người tiêu dùng chi tiêu nhiều tiền hơn.
Cách tốt nhất để tiết kiệm tiền là sử dụng giỏ nhỏ hoặc tốt hơn là không sử dụng xe hàng hay giỏ và chỉ mua những sản phẩm có trong danh sách mà bạn đã lên trước.
12. Tránh mua sắm vào thời gian cao điểm
Khi người mua sắm ở một cửa hàng đông đúc, chúng ta dễ cảm thấy mất kiểm soát và điều đó có thể dẫn đến việc chi tiêu nhiều tiền hơn mức bình thường.
Ngoài ra, rất nhiều người khi đi mua sắm cùng bạn bè bị tâm lý mua cho bằng bạn bằng bè. Lời khuyên được đưa ra ở đây là hãy cố gắng mua những thứ bạn cần trong thời điểm các trung tâm thương mại vắng khách và tốt nhất là cố gắng làm điều đó một mình.
13. Không ăn đồ thử miễn phí
Ở các siêu thị, tại các quầy đồ ăn thường có nhân viên chế biến tại chỗ và mời bạn ăn thử đồ miễn phí. Điều này nhằm kích hoạt cảm giác "có qua có lại" của bạn. Khi bạn nếm thấy một món nào đó ổn, bạn có thể cảm thấy rằng bạn muốn trả lại thứ gì đó cho nơi mà chúng ta đã nhận. Bên cạnh đó, việc thưởng thức đồ ăn miễn phí cũng kích thích sự thèm ăn của bạn và khiến bạn mua nhiều hơn cần thiết.
14. Luôn kiểm tra bao bì mới
Các công ty thông thường sau một thời gian nhất định sẽ thay đổi thiết kế bao bì trông bắt mắt hơn. Tuy nhiên điều này có thể khiến bạn không nhận ra rằng khối lượng của sản phẩm có thể đã thay đổi.
Hãy nhớ luôn kiểm tra khối lượng trên bao bì để đảm bảo không trả thêm tiền chỉ vì có bao bì mới.
15. Xem lại tủ quần áo của bạn trước khi đi mua sắm
Trước khi đi mua sắm quần áo, tốt nhất bạn nên kiểm tra lại một lượt tủ quần áo của mình để chắc chắn mình chưa có thứ đồ nào tương tự với sản phẩm chuẩn bị mua. Đôi khi có những chiếc áo hay váy bạn đã mua từ lâu nhưng lại quên bẵng đi mất. Bằng cách này, bạn sẽ biết được mình đang có thứ gì, tránh tốn tiền vào những thứ tương tự đồ đã có.