Khó có tỷ lệ tiết kiệm nào là phù hợp với tất cả mọi người song muốn cải thiện thói quen chi tiêu của bản thân, nhất định cần phải thực hiện từng bước thay đổi. Dưới đây là những mẹo “nhỏ mà có võ”, giúp bạn tiết kiệm bất chấp thu nhập trung bình nhờ vào việc sử dụng tiền mặt một cách khôn khéo.
Lý do phải tiết kiệm, ai trong chúng ta có lẽ đều quá rõ điều này. “Nhất định tháng này mình sẽ tiết kiệm hơn” là câu nói tự nhủ của rất nhiều người. Tuy nhiên mong muốn và hành động lại là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt.
Có rất nhiều phương pháp giúp bạn quản lý chi tiêu và việc sử dụng phương pháp nào còn tùy theo điều kiện của từng người. Khó có tỷ lệ tiết kiệm nào là phù hợp với tất cả mọi người song muốn cải thiện thói quen chi tiêu của bản thân, nhất định cần phải thực hiện từng bước thay đổi.
Dưới đây là những mẹo “nhỏ mà có võ”, giúp bạn tiết kiệm bất chấp thu nhập trung bình nhờ vào việc sử dụng tiền mặt một cách khôn khéo.
Luôn để tiền mặt trong ví
Theo sự phát triển của xã hội, việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến hơn. Giờ đây bạn có thể mua hàng, đi xe taxi, dùng bữa tại nhà hàng mà không cần đem theo tiền mặt, chỉ cần quẹt thẻ là xong.
Không thể phủ nhận những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại song nó cũng khiến bạn có thể bị mất kiểm soát chi tiêu. Khi dùng thẻ, việc thanh toán quá nhanh và thuận tiện dễ khiến bạn ít có cảm nhận chân thực về số tiền mình đang chi ra vì không tận mắt nhìn thấy tiền của mình bị tiêu đi. Đó là lý do bạn dễ dàng quẹt thẻ mà chẳng suy nghĩ nhiều, đến khi hết tiền vẫn không hiểu vì sao, mình đã tiêu cho những khoản nào.
Trong khi đó, việc dùng tiền mặt để thanh toán sẽ giúp bạn cảm nhận rõ hơn về cách chi tiêu của mình.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc bạn đưa tiền mặt ra và tận mắt chứng kiến việc nó bị trao cho người khác là trải nghiệm rất đau lòng. Cảm giác này thật hơn rất nhiều so với việc bạn thanh toán chỉ qua một cú nhấp chuột hay quẹt thẻ. Khi cảm thấy nuối tiếc với đồng tiền của mình, bạn sẽ suy nghĩ nhiều hơn về việc liệu có cần thiết phải bỏ ra khoản chi đó.
Nếu muốn thay đổi và thực hiện chế độ tiết kiệm, hãy cố gắng bỏ thẻ đi và chỉ dùng tiền mặt cho các giao dịch. Tất nhiên, bạn cần chia sẵn ngân sách cho từng tuần, từng tháng để rút số tiền phù hợp, không được tiêu vượt quá.
Sức mạnh của tiền chẵn
Một sự thật thú vị rằng, bạn có thể tiết kiệm chỉ đơn giản bằng việc mang tiền chẵn trong ví. Tại sao lại như vậy? 2 tờ tiền 500 nghìn thì có khác gì so với 20 tờ tiền có mệnh giá khác nhau với tổng giá trị là 1 triệu đồng?
Tiến sĩ Mary Gresham, một nhà tâm lý học có trụ sở tại Atlanta đã lý giải về "tờ tiền đặc biệt" này. Theo đó, chúng ta có xu hướng suy nghĩ cẩn thận trước khi tiêu các tờ tiền có mệnh giá lớn do cảm giác coi chúng đặc biệt hơn những đồng tiền mệnh giá nhỏ.
Bạn sẽ cảm thấy miễn cưỡng hơn khi phải “phá” tờ 500 nghìn trong ví, trong khi nếu ở đó là những đồng tiền lẻ, bạn sẽ không phải nghĩ ngợi nhiều mà tiêu ngay lập tức. Một khái niệm gọi là kế toán nhận thức có liên quan đến cách chúng ta quyết định chi tiêu hay không dựa trên mối liên kết với số tiền trong tay. Mối liên kết này không phải lúc nào cũng dựa trên lý trí.
Cụ thể, những đồng tiền chẵn luôn được chúng ta coi trọng hơn, thấy đặc biệt hơn trong khi những đồng tiền có mệnh giá nhỏ lại thường bị coi là loại tiền nhỏ nhặt, linh tinh. Bạn từng nhiều lần muốn mua linh tinh cho hết số tiền lẻ còn trong ví chưa?
Đó chính là sự khác biệt trong cảm giác và cũng là lý do vì sao bạn nên đem theo tiền chẵn trong ví. Nó sẽ giúp bạn phải cân nhắc hơn trước khi "phá" những tờ tiền đặc biệt này.
“Để mai rồi mua”
Để nói lời từ chối một chiếc váy bạn thích từ lâu nay lại được giảm giá là điều vô cùng khó. Dù chiếc váy đó chỉ có thể mặc trong 1, 2 dịp nhưng bạn rất thích nó và giá sau khi giảm đã vừa với khả năng của mình. Vậy là bạn cảm thấy bối rối và muốn mua ngay lập tức.
Mua bán ngẫu hứng chính là cách biến những khoản tiền tưởng chừng nhỏ tích dần lại thành khoản tiền khổng lồ rời khỏi ví của bạn.
Thay vì việc rất khó để nói không, hãy học cách tự nhủ “Để mai rồi mua”. Câu nói đơn giản này chính là cách bạn tự đặt ra rào cản, gờ giảm tốc cho mình trong việc chi tiêu. Hơn nữa, việc đặt ra quy tắc “ngừng mua sắm” trong vòng 24 tiếng còn giúp bạn suy nghĩ kỹ càng hơn về việc, liệu chiếc váy kia bạn có thực sự cần mua không hay chỉ là ham muốn nhất thời khi thấy được giảm giá.
Với những sản phẩm có giá trị cao, bạn có thể đặt ra thời hạn cho mình là 1 tuần, thậm chí 1 tháng. Trong thời gian đó, bạn cũng có thể tìm hiểu, tham khảo và so sánh giá để có nhiều sự lựa chọn hơn khi sản phẩm đó là thực sự cần thiết.