Nhiều người trẻ ở Sài Gòn sống thắt lưng buộc bụng với mức lương thấp trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Với áp lực chi phí sinh hoạt ngày càng cao, nhiều người phải xoay xở đủ cách cố gắng bám trụ ở thành phố đất chật người đông.
Chi tiêu chắt bóp từng khoản nhỏ
Mỗi sáng thức dậy, Ngân bắt đầu ngày mới với một phần khoai hoặc bắp luộc mua ven đường với giá 15 nghìn đồng. Ngân là một sinh viên mới ra trường, đang thực tập cho vị trí account (nhân viên đại diện cho công ty để làm việc với khách hàng) tại một công ty ở TP.HCM với mức lương hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng.
Ngân chia sẻ: “Với mức lương cơ bản, tôi thường tự nấu cơm ở nhà rồi mang đi làm. Tiền đi chợ nấu ăn 30 nghìn đồng mỗi ngày. Buổi tối do không có nhiều thời gian và thường ở lại tăng ca nên tôi ăn ngoài ở các quán bình dân khoảng 40 nghìn đồng một bữa.
Mỗi tháng tôi tốn khoảng 3 triệu tiền ăn và 2 triệu tiền ở trọ. Các chi phí khác nhờ vào khoản tiền làm thêm bên ngoài dao động 1-3 triệu một tháng. Nhưng không phải tháng nào tôi cũng có việc làm thêm ổn định, nên tôi cố gắng tiết kiệm nhiều nhất có thể".
Theo Tổng cục Thống kê vào năm 2023 thu nhập bình quân đầu người vẫn tiếp tục duy trì tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ tăng chậm so với năm 2022 do kinh tế Việt Nam và thế giới đều gặp nhiều khó khăn.
Thống kê cho thấy thu nhập ở TP.HCM bình quân đầu người đạt mức 6,51 triệu đồng/tháng. Con số này cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, nhưng khi đặt trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất Việt Nam, nó trở nên khá eo hẹp. Chi phí thuê nhà, ăn uống, đi lại, giáo dục và y tế đều ở mức cao, đòi hỏi người dân phải tính toán kỹ lưỡng trong chi tiêu hàng ngày.
Với những người trẻ mới ra trường hoặc mới lập gia đình, chi tiêu ở TP.HCM là bài toán nan giải. Nhiều người cho rằng thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng là khó để thuê nhà ở khu vực trung tâm, chi trả cho các nhu cầu thiết yếu và có một khoản tiết kiệm nhỏ.
Minh Châu (24 tuổi), nhân viên văn phòng tại TP.HCM nói: “Ngày xưa mình cũng từng chỉ đủ sống với mức lương 10 triệu, mình thậm chí còn không dư nổi 2 triệu để sửa laptop, phải gọi về xin ba mẹ. Sau đó mình cố gắng từ bỏ các sở thích trước đây, như là làm nail, mua đồ linh tinh.
Cứ mỗi lần muốn mua thứ gì đó, mình sẽ suy nghĩ là nếu không có thứ này thì có ảnh hưởng gì, có bị bất tiện không. Cách này giúp mình tự ngăn cản mình mua những món không cần thiết. Rồi mình tự nấu ăn, thuê trọ ở ghép để tiết kiệm thêm các chi phí. Mình vẫn cho phép bản thân đi ăn, đi chơi, nhưng chỉ vài tuần mới đi một lần”.
Minh Châu chọn ở ghép với nhiều người, tự nấu ăn để tiết kiệm tiền.
Chi phí nhà ở là một trong những gánh nặng lớn nhất đối với người dân có thu nhập thấp và trung bình. Giá thuê nhà trung bình cho một phòng trọ nhỏ ở trung tâm từ 4-7 triệu đồng/tháng. Giá thuê căn hộ ở quận trung tâm dao động từ 10-15 triệu đồng/tháng, trong khi đó ở các quận ngoại thành, giá thuê nhà trọ cũng không dưới 2 triệu đồng. Với những người có thu nhập trung bình từ 5 đến 10 triệu đồng, tiền thuê nhà đã chiếm tới một phần lớn thu nhập hàng tháng, chưa kể đến các chi phí điện, nước, internet và phí quản lý khác.
Bên cạnh đó, chi phí ăn uống, đi lại ở thành phố cũng là một khoản đáng kể. Giá bữa ăn tại các quán cơm bình dân thường từ 30-50 nghìn đồng. Đối với những người có thu nhập thấp, tự nấu ăn là một cách tiết kiệm hiệu quả, nhưng không phải ai cũng có thời gian nấu mỗi ngày.
Lương 20 triệu cũng khó nuôi con ở Sài Gòn
Chị Phụng, một nhân viên ngân hàng ở TP.HCM, thu nhập 20 triệu đồng/tháng quyết định về quê sau khi sinh con vì không thể gánh nổi chi phí sinh hoạt tại thành phố.
Chị tâm sự: “Trước khi có con thì chi tiêu cũng tạm đủ sống ở Sài Gòn. Lúc trước mình cũng tiết kiệm được một chút tiền cộng với tiền thai sản nữa là vừa đủ ngân sách 20 triệu/tháng chi tiêu cho 6 tháng sau khi sinh.
Mình dự tính chi 5 triệu cho tiền nhà, tiền ăn uống và nuôi con 10 triệu, chi phí khác khoảng 4-5 triệu. Nhưng thực tế mới tháng đầu tiên sau sinh con mà mình đã chi hơn 30 triệu. Mình thấy cứ tiếp tục như thế này thì không ổn, trong khi mình định ở nhà chăm con đến 1 tuổi rồi mới đi làm lại. Vì vậy vợ chồng mình quyết định về quê để giảm bớt phí sinh hoạt”.
Chi phí sinh hoạt của gia đình chị Phụng giảm còn một nửa khi chuyển về quê sinh sống.
Vợ chồng chị Phụng cắt giảm chi tiêu xuống còn 10 triệu đồng/tháng khi về quê. Chồng chị Phụng làm việc tự do nên khi về quê, gia đình cắt giảm được một nửa tiền thuê nhà, tiền ăn uống mỗi tháng chỉ tốn khoảng 5 triệu đồng.
Chị chia sẻ: “Nhờ về quê mà nhà mình dư ra được khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Về quê mọi thứ đều rẻ hơn, sức khoẻ tinh thần tốt lên vì ở quê bình yên, trong lành và mát mẻ nữa. Thật ra nếu thấy Sài Gòn quá đắt đỏ, ngột ngạt, làm lương không có dư, thậm chí không đủ sống nữa thì việc về quê cũng là một lựa chọn không tồi. Mình về quê mới thấy các anh chị, cô bác ở quê vẫn sống vui vẻ, ngủ sớm dậy sớm chứ không như ở Sài Gòn lao ra đường từ sớm đến tối khuya mới về nhà mà vẫn sống chật vật quá”.
Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, người trẻ lập nghiệp ở các thành phố lớn như Sài Gòn gặp nhiều khó khăn từ việc làm, thu nhập đến sức khỏe tinh thần. Khi các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô hoặc ngừng hoạt động, cơ hội việc làm giảm sút đáng kể. Nhiều sinh viên mới ra trường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, trong khi những người đã có việc phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp hoặc cắt giảm lương.
Thu nhập bấp bênh khiến người trẻ phải thắt chặt chi tiêu, ưu tiên các nhu cầu thiết yếu và hạn chế các hoạt động giải trí, mua sắm. Với áp lực chi phí sinh hoạt ngày càng cao, người trẻ ở Sài Gòn phải xoay xở nhiều cách để chi tiêu hợp lý, thậm chí thắt lưng buộc bụng để tiết kiệm tiền.