Người ta có rất nhiều chốn để đi nhưng chỉ có duy nhất một nơi để quay về, đó chính là gia đình.
Câu chuyện thứ nhất:
Năm ấy tôi 15 tuổi và đang là học sinh lớp 11. Cái tuổi mới lớn ẩm ương khiến tôi chỉ muốn làm theo những gì mình thích mà chẳng thèm nghĩ ngợi xem điều đó là đúng hay sai. Tôi sẵn sàng cúp học thêm để đi chơi, có môn tôi còn không thèm đến lớp bữa nào và lấy tiền học phí bố mẹ cho hằng tháng để chi trả cho những lần tụ tập với bạn bè.
Đến một ngày bố mẹ tôi cũng phát hiện ra. Khỏi cần nói cũng biết bố mẹ tôi đã tức giận đến mức nào. Tối hôm ấy, vì không kìm chế được sự giận dữ, bố đã tát tôi một cái đau như trời giáng. Đêm đó tôi đã không ngủ được, không phải vì hối hận mà là vì cái tát của bố đã khiến tôi vô cùng ngỡ ngàng và giận dỗi.
Sáng hôm sau, tôi xuống nhà và chuẩn bị ăn sáng để đến trường. Tôi gặp bố ở trong bếp và đã tự nhủ với lòng rằng sẽ không bao giờ mở miệng nói với bố một câu nào nữa. Trong lúc đang lầm lì tìm đồ ăn, tôi chợt thấy bố tiến đến gần mình, nhẹ nhàng hỏi: “Tối qua bố đánh con có đau không?” Lúc ấy, bao giận hờn trong tôi đều tan biến hết, thay vào đó là sự hối hận vô bờ. Tôi òa lên khóc nức nở, còn bố thì dang rộng vòng tay để ôm tôi vào lòng.
Câu chuyện thứ hai:
Trước ngày về quê, mẹ nói với bố rằng mẹ sẽ đi mười ngày, sau đó là dặn bố con tôi đủ thứ chuyện trong nhà. Cái ngày mẹ đi, tôi thoáng thấy trong ánh mắt bố những nét buồn và lưu luyến.
Mẹ về quê lâu hơn dự tính, bố vẫn vui vẻ nói qua điện thoại rằng mẹ cứ đi cho thoải mái, đừng lo cho mấy bố con ở nhà. Mãi tới khi mẹ đã quyết định được ngày về, gọi điện thoại vào báo tin cho bố, đến lúc ấy bố mới chịu nói thật lòng mình: “Xong việc rồi thì thu xếp về nhanh, chứ em đi lâu…anh nhớ”.
Chuyến xe của mẹ sẽ tới nơi vào sáng sớm, đêm hôm ấy bố không ngủ được, bố ngồi ở phòng khách cả đêm để đợi mẹ về.
Gia đình là nơi bình yên nhất để ta tìm về… (ảnh minh họa)
Câu chuyện thứ ba:
Chị tôi đi học đại học ở thành phố, bố mẹ ở nhà lo lắm vì chị là đứa kén ăn kén uống, ở xa gia đình ăn uống không hợp thì chắc chẳng có sức mà học hành. Vì thế mà cứ hai tuần một lần, vào ngày thứ bảy, mẹ sẽ chuẩn bị một thùng đồ ăn và trái cây để gửi xe khách mang đi thành phố cho chị.
Mẹ gửi cho chị toàn là những đồ ngon, nhiều khi gửi đi hết chẳng để lại ở nhà chút nào. Lắm lúc tôi thèm mấy món ấy mà mẹ chỉ cho thử một miếng tí tẹo rồi thôi, còn bao nhiêu đem gói ghém hết cho chị. Tôi vẫn hay ganh tị với chị là vì lẽ ấy, những lúc như thế mẹ vẫn hay nói: “Chị ở trên đó một mình tội nghiệp chứ con, con thích ăn thì mai mẹ lại làm cho cái khác. Gớm, mai này anh mà đi học xa thì mẹ còn gửi nhiều gấp mấy lần thế này ấy chứ!”...
Tuần này mẹ bị ốm, mấy ngày nay mẹ chỉ nằm một chỗ, cứ đứng dậy là lại chóng mặt, đau đầu. Mẹ bắt cả nhà giấu chị, đừng nói cho chị biết kẻo chị lo.
Buổi sáng thứ bảy, mẹ thức dậy từ sớm, chậm chạp bước ra khỏi phòng, vừa đi vừa thở dốc. Bố thấy vậy liền la lên: “Mình làm gì mà phải ra tận đây? Cứ nằm trong phòng cho khỏe đi chứ!”. Mẹ cười nhẹ rồi trả lời bố: “Mình chở tôi ra chợ chút đi, tôi mua ít đồ về làm còn kịp để gửi cho con. Hôm bữa nó gọi nói là thèm món thịt kho tàu của mẹ nấu”.
(Ảnh minh họa)
Câu chuyện thứ tư:
Tôi và bố trước nay không hợp nhau, dù là con gái nhưng mỗi lần tôi nói chuyện với bố thì chỉ được vài ba câu là bắt đầu tranh cãi do không cùng quan điểm. Vì lí do đó nên tôi thường hạn chế việc tiếp xúc với bố mình.
Tôi đi làm xa, vì công việc bận rộn nên cũng hiếm khi gọi về cho bố và cũng vì nếu có gọi cũng chả vui vẻ gì. Nếu có chuyện gì cần thiết thì mẹ sẽ cầu nối giữa hai bố con.
Thế rồi bố tôi bị tai biến, bệnh tật làm bố không còn hoạt bát và cũng chẳng thể nói nhiều như ngày nào. Tôi có về thăm bố vài lần, nhưng vì khoảng cách xưa nay giữa hai bố con nên tôi cũng chẳng thể ngồi cạnh bố lâu.
Lần gần đây nhất về thăm nhà, trong lúc dọn dẹp đồ đạc tôi tiện tay với lấy chiếc quạt tre của bố đang treo trong góc tường để quạt cho mát. Khi lật ra mặt sau của chiếc quạt, tôi bất ngờ khi thấy tên của mình được viết chi chít trên các nan tre…tất cả đều là nét chữ của bố tôi.
Cầm chiếc quạt đưa cho mẹ xem, tôi lặng người đi khi nghe mẹ nói: “Bố con đang tập viết lại đấy, bạ đâu là viết đó, mà chỉ viết toàn tên con thôi . Con đi làm xa đâu có biết bố mong con như thế nào, có khi trong một ngày mà nói nhớ con tới tận hai ba lần”.
Câu chuyện thứ năm:
Ngày mẹ còn sống, bố tôi hay tỏ thái độ tôn trọng mẹ bằng việc luôn hỏi ý kiến bà trong mọi việc. Một lần nọ, tôi muốn mua cho bố chiếc điện thoại mới và hỏi xem bố thích chọn màu nào. Hôm sau, bố đã trả lời tôi rằng: “Mẹ thích màu đồng và bố cũng thế”. Quả nhiên, ai cũng phải công nhận rằng chiếc điện thoại màu đồng ấy nhìn tinh tế và bắt mắt hơn tất cả các màu còn lại.
Một lần khác, bố được một vài người bạn cũ rủ đi du lịch tại Huế. Bố đem chuyện này về bàn với mẹ, mẹ nói không muốn bố đi lúc này vì bố dạo gần đây không được khỏe cho lắm, mẹ thì chẳng thể đi cùng để chăm lo và thế là bố đã vui vẻ ở nhà. Hai tuần sau, Huế bỗng nhiên nổi mưa bão, đúng ngay dịp đoàn du lịch ấy đang đến thăm quan, vì thế mà họ chẳng đi được đâu, suốt ngày phải ở trong khách sạn chờ đến lúc bão tan.
Có lần, tôi lại muốn thay mới cái cổng đã cũ của nhà mình. Nghĩ đây là chuyện đàn ông nên tôi đã hỏi ý kiến bố. Bố nghe tôi trình bày xong liền bảo: “Con hỏi mẹ thử xem”. Hôm ấy, mẹ đã nói rằng cách sửa chữa của tôi như vậy là chưa hay và ngay lập tức đưa ra cho tôi một phương án khác. Tôi quay sang nhìn bố và thấy bố mỉm cười gật đầu…
Mẹ tôi ra đi bất ngờ sau một cơn nhồi máu, điều này đã khiến gia đình tôi trở nên trống vắng, đặc biệt là với bố, ông cũng chẳng còn hay cười như trước kia.
Hai năm sau ngày mẹ mất, có một lần tôi buột miệng hỏi bố rằng: “Bố muốn có con dâu như thế nào hả bố?”. Bố tôi yên lặng một lúc rồi nhìn lên di ảnh của mẹ: “Giống mẹ con, là người sẽ luôn đưa ra cho con những quyết định đúng đắn trong đời”.
Việc mâu thuẫn trong một gia đình không chỉ phát sinh giữa mẹ chồng - nàng dâu mà nó còn tiềm tàng ngay chính trong gia đình ruột thịt, giữa những người thân yêu nhất. Nó xuất hiện khi giữa những thế hệ khác nhau cùng chung sống trong một gia đình. Đó là mâu thuẫn giữa những quan niệm sống khác nhau, cách nghĩ, cách nhìn nhận về vấn đề xã hội. Vậy, làm thế nào để các thế hệ trong gia đình có thể xích lại gần nhau hơn, mong muốn của những người làm cha, mẹ và những đứa con là gì? Tất cả sẽ được giải quyết trong livestream vào 15h30 ngày 28/06 tới đây: Khoảng cách thế hệ: Xích lại gần nhau - Khó hay dễ? |