Người trưởng thành về mặt cảm xúc biết sức mạnh của lời nói và đó là lý do có những câu họ sẽ tránh xa.
1. “Bạn luôn…” hoặc “Bạn không bao giờ…”
Những người trưởng thành về mặt cảm xúc hiểu được sức mạnh của những lời tuyên bố tuyệt đối. Khi chúng ta nói những câu như “Bạn luôn luôn” hoặc “Bạn không bao giờ”, chúng ta không chỉ đưa ra tuyên bố về một hành vi cụ thể mà còn khái quát hóa sâu rộng về tính cách của một người.
Một người trưởng thành biết rằng điều này là không công bằng và vô ích. Con người rất phức tạp và luôn thay đổi. Người trưởng thành về mặt cảm xúc sẽ tránh những tuyên bố hoặc đen hoặc trắng này. Thay vào đó, họ bày tỏ cảm xúc của mình mà không đổ lỗi hay chỉ trích, tập trung vào hành vi cụ thể khiến bản thân khó chịu.
2. “Đó là lỗi của bạn”
Những người trưởng thành về mặt cảm xúc biết tầm quan trọng của việc chịu trách nhiệm cá nhân. Đổ lỗi rất dễ dàng, nhưng chắc chắn nó sẽ không giúp chúng ta học hỏi và trưởng thành từ trải nghiệm đó. Thay vì chỉ trích ai đó, hãy thảo luận về cách các bạn có thể cải thiện vào lần tới.
Đó là sự trưởng thành về mặt cảm xúc trong hành động, làm chủ vai trò của mình trong một tình huống và nỗ lực tìm ra giải pháp thay vì đổ lỗi.
3. “Tôi biết bạn sẽ làm hỏng việc”
Những người trưởng thành về mặt cảm xúc tránh xa những dự đoán tiêu cực. Câu nói “Tôi biết bạn sẽ làm hỏng chuyện” không chỉ gây tổn thương mà còn thể hiện sự thiếu tin tưởng của bạn vào khả năng của ai đó.
Bạn có biết, kỳ vọng của chúng ta thực sự có thể ảnh hưởng đến kết quả? Nó được gọi là Hiệu ứng Pygmalion, một hiện tượng tâm lý trong đó kỳ vọng cao hơn sẽ dẫn đến hiệu suất tăng lên.
Vì vậy, khi chúng ta nói “Tôi biết bạn sẽ làm hỏng chuyện”, chúng ta không chỉ không tử tế mà còn có thể góp phần vào chính kết quả mà chúng ta đang chỉ trích. Thay vào đó, những người trưởng thành về cảm xúc sẽ đưa ra sự hỗ trợ và phản hồi mang tính xây dựng, thúc đẩy môi trường khuyến khích sự phát triển và cải thiện.
4. “Tôi không cần ai cả”
Tự chủ là điều tốt và những người trưởng thành về mặt cảm xúc cũng biết rằng việc dựa vào người khác là điều bình thường. Câu nói “Tôi không cần ai cả” có thể là một cơ chế phòng vệ, một cách để tránh bị tổn thương nhưng về bản chất, chúng ta là những sinh vật xã hội, phát triển nhờ sự kết nối và cộng đồng. Từ chối nhu cầu của chúng ta đối với người khác có thể dẫn đến sự cô lập và bỏ lỡ cơ hội có được những mối quan hệ có ý nghĩa.
Thay vào đó, những cá nhân trưởng thành về mặt cảm xúc chấp nhận sự phụ thuộc lẫn nhau. Họ biết rằng việc yêu cầu giúp đỡ, dựa vào người khác và thừa nhận rằng họ không có tất cả các câu trả lời là điều bình thường. Đó không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối mà là sức mạnh và sự tự nhận thức.
5. “Tôi là thế đó”
Đây là câu nói yêu thích của những người chống lại sự thay đổi. Trong khi đó, những người trưởng thành về mặt cảm xúc biết rằng sự phát triển cá nhân là một hành trình suốt đời.
Câu nói “Tôi là thế đó” là một cách trốn tránh sự tự hoàn thiện bản thân, từ chối thừa nhận những sai sót của mình và cách khắc phục.
Sự thật là tất cả chúng ta đều có khả năng thay đổi. Điều này có thể không dễ dàng và không xảy ra chỉ sau một đêm, nhưng với nỗ lực và cam kết, chúng ta có thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Những người trưởng thành về mặt cảm xúc hiểu điều này. Họ cởi mở với những phản hồi và sẵn sàng thực hiện những thay đổi để trở nên tốt hơn.
6. “Tôi ghét bạn”
Câu nói này có thể gây ra những vết thương sâu sắc. Những người trưởng thành về mặt cảm xúc hiểu được sức mạnh hủy diệt của chúng và sẽ không dùng chúng chỉ để thỏa mãn khi nóng giận. Họ biết cách quản lý cảm xúc của mình, ngay cả khi tức giận hoặc khó chịu. Họ sẽ bày tỏ tình cảm một cách trung thực và trực tiếp, thay vì dùng những lời lẽ căm thù.
Thay vì nói “Tôi ghét bạn”, bạn có thể nói “Tôi thực sự bị tổn thương vì những gì bạn đã làm”. Đó là một cách giao tiếp hiệu quả mà không gây ra những đau đớn không đáng có.
7. “Tôi không quan tâm”
Câu nói này có thể là một cơ chế phòng thủ khi bạn không muốn cho ai thấy điều gì đó thực sự quan trọng với mình đến mức nào. Nếu chúng ta giả vờ như không quan tâm thì sẽ chẳng có hại gì nếu mọi việc không diễn ra theo ý mình phải không?
Nhưng những người trưởng thành về mặt cảm xúc hiểu rằng quan tâm sâu sắc đến mọi thứ là điều bình thường, ngay cả khi nó có nguy cơ khiến họ bị tổn thương hoặc thất vọng. Thay vì nói “Tôi không quan tâm”, họ có thể nói “Tôi đang cố gắng không khơi dậy hy vọng của mình”. Đó là sự phản ánh trung thực hơn về cảm xúc của họ.
8. “Bạn nhạy cảm quá”
Những người trưởng thành về mặt cảm xúc hiểu rằng mỗi người đều có mức độ nhạy cảm khác nhau và họ tôn trọng điều đó. Câu nói “Bạn nhạy cảm quá” có thể vô hiệu hóa cảm xúc của người khác, gạt bỏ cảm xúc của đối phương để không phải chịu trách nhiệm về những hành động hoặc lời nói của chính mình.
Thay vào đó, một người trưởng thành về cảm xúc có thể nói: “Tôi không biết điều này sẽ khiến bạn khó chịu, hãy chia sẻ với tôi.” Cách tiếp cận này xác nhận cảm xúc của người khác và mở ra một cuộc đối thoại cởi mở, sâu sắc hơn để đôi bên hiểu rõ hơn quan điểm của nhau. Nó thể hiện sự đồng cảm và tôn trọng, những yếu tố then chốt của sự trưởng thành về mặt cảm xúc.
9. “Hãy quên chuyện đó đi”
Những người trưởng thành về mặt cảm xúc không tránh né các vấn đề, thay vào đó, họ tìm cách giải quyết chúng. Thay vì nói “Hãy quên chuyện đó đi”, họ sẽ nói “Chúng ta hãy cùng nhau giải quyết vấn đề này”. Họ biết đối mặt trực diện với vấn đề là cách duy nhất để thực sự vượt qua.
Nhớ rằng, tất cả chúng ta đều không hoàn hảo. Vì vậy, nếu bạn thấy mình đã nói câu nào trong những câu trên đây, đừng tự dằn vặt mình mà hãy coi đó là cơ hội để phát triển.
Thay vì “Bạn luôn…”, hãy thử “Tôi nhận thấy…”. Thay vì “Đó là lỗi của bạn”, hãy cân nhắc “Hãy cùng nhau tìm ra giải pháp”.
Suy cho cùng, vấn đề không chỉ nằm ở những lời chúng ta nói mà là việc hiểu được cảm xúc của chúng ta, quản lý chúng một cách hiệu quả và liên hệ với người khác một cách tôn trọng, đồng cảm. Đó là bản chất của sự trưởng thành về mặt cảm xúc.