Có lẽ chẳng sai khi nói rằng cái giá của trưởng thành đôi khi là sự cô đơn và nước mắt. Nhưng cũng chính nhờ những khoảnh khắc cô đơn mà bạn dần trở nên mạnh mẽ hơn, dần trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Một câu hỏi đã từng khiến cư dân mạng không khỏi suy ngẫm:
"Tại sao nhiều người mỗi khi lái xe về đến nhà lại ngồi trên xe rất lâu rồi mới xuống?".
Mỗi bình luận dưới chủ đề đó đều thể hiện suy nghĩ riêng của mỗi người. Tuy nhiên, một câu trả lời đã nhận được rất nhiều sự chú ý và đồng tình.
"Nhiều khi tôi không muốn xuống xe luôn vì cảm giác đó chính là phân mốc ranh giới. Mở cửa xe, bước ra sẽ là cơm áo gạo tiền, con cái vợ chồng... đủ nỗi lo toan. Một chút thời gian ở trong xe, chỉ đơn giản là hút một điếu thuốc để thấy thân thể này thuộc về chính mình."
01. Thiếu tiền
Dù không muốn nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng, có lẽ đến 80% những rắc rối trong cuộc sống mà chúng ta gặp phải đều xuất phát từ tiền bạc.
Nhìn cảnh cha mẹ đã ở tuổi trung niên vẫn phải dậy sớm thức khuya, làm việc chăm chỉ để có cuộc sống tốt nhất cho bạn, thực sự rất đau lòng. Bạn chỉ muốn đứng lên và nói rằng: "Bố mẹ đừng vất vả như vậy nữa, con sẽ gửi biếu bố mẹ tiền". Nhưng ngay sau khi ý tưởng này xuất hiện, thực tế như muốn tặng bạn một gáo nước lạnh vì tiền lương của bạn chỉ đủ để nuôi sống bản thân, sống một cách khó khăn.
Nhìn người con gái bên mình đã mấy năm, gần đây lời nói dường như luôn ám chỉ muốn sớm kết hôn, bạn thực sự muốn cho cô ấy một ngôi nhà ổn định, muốn tự tin mà nói rằng: "Anh sẽ lo cho em". Vậy nhưng thực tế quá phũ phàng.
02. Cô đơn
Có ai đó từng nói: “Tận cùng cảm xúc của một người không phải chửi thề cũng không phải trút giận mà là im lặng”.
Bạn cũng chẳng còn nhớ bản thân đã bao nhiêu lần bị hiểu lầm, bị phớt lờ, để rồi giờ đây thậm chí nhiều lúc bạn chẳng nhận ra mình - một người ngày càng trở nên ít nói hơn. Bạn sợ người khác sẽ không thích nghe những gì mà mình nói. Nhưng đáng sợ và là suy nghĩ thường xuyên xuất hiện trong đầu bạn, chính là sợ rằng không ai muốn nghe bạn.
Chúng ta không biết vì sao mình trở nên ngày càng bình tĩnh hơn. Đôi khi chỉ là một ai đó chủ động bắt chuyện, một tin nhắn có khi chỉ mang tính xã giao "Dạo này thế nào?” cũng đủ để bạn thấy biết ơn, thấy tâm hồn được vỗ về. Ít nhất, bạn vẫn cảm giác được thế giới này còn có người quan tâm đến bạn, nhớ đến bạn.
Cô đơn thực sự là điều đáng buồn với người lớn mà ít người thấu được. Vì là người lớn nên chúng ta có xu hướng giấu điều đó vào trong, vờ như mình ổn giữa cuộc sống chật hẹp này. Có lẽ chẳng sai khi nói rằng cái giá của trưởng thành đôi khi là sự cô đơn và nước mắt. Nhưng cũng chính nhờ những khoảnh khắc cô đơn mà bạn dần trở nên mạnh mẽ hơn, dần trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
03. Chia tay/mất liên lạc
Một đoạn chia sẻ từng khiến người đọc không khỏi đau lòng. Đó không phải câu chuyện chỉ của một người mà có lẽ là nỗi buồn cất giấu sâu trong lòng của rất nhiều người lớn.
"Bạn bè đã lâu không liên lạc, tôi thực sự không biết lấy lý do gì để quan tâm đến cuộc sống của bạn, tôi cũng không biết lấy cớ gì để kể cho bạn nghe câu chuyện của tôi."
"Dẫu biết rằng cuộc sống là phải hướng về tương lai, không ngừng tiến về phía trước nhưng anh luôn nhớ về những ngày tháng ấy. Có lẽ cũng đã lâu rồi anh không liên lạc với em. Chẳng phải vì anh hững hờ, chẳng phải vì anh đã có ai khác hay đã quên em, chỉ đơn giản là sợ nói ra sẽ làm mọi chuyện thêm tệ, những ký ức vui vẻ cũng chẳng còn".
Mỗi cuộc chia tay đều để lại trong ta những nỗi buồn, đôi khi là vết sẹo chẳng thể lành lại trong tim. Chúng ta trưởng thành lên theo thời gian, hàng ngày vật lộn với cuộc sống nhiều nỗi lo toan này và chỉ khi đêm về, những vết sẹo kia lại khơi lên trong tâm trí những kỷ niệm.