"Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn biết ngủ, biết học hành là ngoan".
Những em bé bị bạo hành
Tháng 4/2018 tại thành phố Vinh - Nghệ An, một bảo mẫu cố tình kẹp và giữ bé trai 2 tuổi bằng 2 chân. Sau đó, chị ta liên tục giật, tát và dùng tay đánh cháu bé. Mặc dù đã tìm cách chạy thoát, song bé trai vẫn bị kéo lại và đánh đập tiếp.
Ngày 21/5 cùng năm, camera ghi lại sự việc tại một cơ sở mầm non ở Đà Nẵng, một người phụ nữ đang ép ăn một bé nằm cởi trần trên đất. Bé ăn chậm nên bị đánh liên tiếp vào mặt. Một bé khác thì bị người này dùng tay bóp mặt, xách lên vì sợ bị ghẻ.
Ngày 1/3/2023, một bé trai 17 tháng tuổi đã tử vong khi được gửi tại cơ sở trông giữ trẻ tư nhân ở huyện Thường Tín (Hà Nội) với lý do bị ngã. Qua điều tra và đấu tranh, 2 bảo mẫu khai nhận đã ném bé trai xuống đất, dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và giẫm vào đầu bé.
Đây chỉ là số ít những vụ việc bị phát hiện và ghi hình lại, rải rác qua từng năm ở các địa phương. Chỉ cần tìm từ khoá "bạo hành trẻ em", thậm chí "bạo hành trẻ sơ sinh", hàng loạt bài báo hầu như năm nào cũng có, sẽ xuất hiện trên Google.
Câu chuyện từ thiện
Tháng 8/2022, nhiều trang tin, báo đài đăng tải câu chuyện "truyền cảm hứng" về một người phụ nữ "nhặt được" đứa trẻ bị bỏ rơi ở bãi rác. Sau khi hữu duyên liên tiếp phát hiện, nhận nuôi trẻ mồ côi, người này đã quyết định thành lập mái ấm tình thương cưu mang các bé, người già neo đơn và những phụ nữ trẻ nhỡ nhàng. Đó là Mái ấm Hoa Hồng, có địa chỉ tại Quận 12, TP.HCM. Người phụ nữ "nhân ái" ấy là chị S.H.
Chị H. được mô tả là người đã phải bươn chải, đi lên từ nhiều nghề nghiệp để mưu sinh như gom ve chai, dọn nhà, bán quán ăn. Dần dần, chị có vốn đầu tư các mô hình lớn hơn như mở nhà hàng, khách sạn, quán karaoke… để có tiền nuôi "đàn con" nuôi chịu nhiều thiệt thòi của mình.
Chị H. giờ đã có cơ nghiệp phát đạt. Mái ấm Hoa Hồng cũng trở thành địa chỉ quen thuộc để nhiều mạnh thường quân ghé thăm và quyên góp hiện vật, tiền bạc giúp đỡ các bé.
Tội ác núp bóng
"Từ thiện" và "bạo hành trẻ em" là 2 chủ đề luôn được cả xã hội quan tâm, tranh luận. Vậy mà cả 2 đều cùng xuất hiện trong phóng sự điều tra gây rúng động vào sáng 4/9/2024. Đó là khi video dài ghi lại những cảnh bạo hành dã man trẻ sơ sinh diễn ra dưới Mái ấm Hoa Hồng, nơi "nữ đại gia từ thiện" S.H. làm chủ được công bố.
Đây là video mà bản thân tôi cũng như nhiều người khác, không dám xem liên tục cho đến hết. Cứ mỗi 2 phút, tôi phải dừng lại vì quá phẫn uất, đau lòng.
Một bảo mẫu, dùng tay bóp mũi và miệng của bé trai 2 tuổi, kẹp chặt chân tay để đổ thuốc vào miệng khiến em bé bị sặc, giãy giụa. Hôm sau, bà ta tiếp tục cho một bé 1 tuổi uống thuốc với phương pháp trên, ghì chặt ly nhựa khiến bé đau đớn và chảy máu mồm. Ghê rợn hơn khi bà ta còn cười đắc ý: "Ha ha, tao chưa thấy ai uống thuốc mà chảy máu răng như mày".
Đây là trích đoạn video và bài phóng sự lột trần sự thật phía sau những bức ảnh hào nhoáng, ấm áp, vui vẻ trên mạng xã hội của Mái ấm Hoa Hồng. Cơ sở này có gần 100 trẻ dưới 3 tuổi được nhận nuôi, trong đó có khoảng 20 bé sơ sinh còn mặc bỉm, nằm la liệt trên những chiếc đệm cũ đặt trên nền đất. Các bảo mẫu nhiều lần dùng que, đũa và tay đánh khiến các em khóc lóc vô cùng thương tâm. Nhiều bé chỉ mới biết bò, còn nhỏ xíu nhưng bị các bảo mẫu khoẻ mạnh, to lớn xách và ném trên giường như đồ vật.
Đáng phẫn uất hơn, các em bé ở đây sinh ra đã chịu thiệt thòi khi không có cha mẹ. Không có người bảo vệ, lại không có khả năng tự vệ, chống trả, các em cứ thế phải sống trong địa ngục trần gian từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời.
Xuyên suốt video là những tiếng chửi mắng, đánh đập, la khóc. Một bảo mẫu của mái ấm còn hướng dẫn bạo hành trẻ thế nào cho đúng cách. Như vậy, có thể thấy hành động gây tổn thương cho trẻ em sống dưới Mái ấm Hoa Hồng được chấp nhận như một luật bất thành văn. Tôi tự hỏi bà H. - người chủ của mái ấm này đã ở đâu? Bà có cho phép các bảo mẫu đối xử như vậy với "đàn con" mà mình từng tự hào vì đã cưu mang, lên báo đài nói những lời tốt đẹp? Mong muốn, hay chính xác là ý đồ của bà H. khi mở "mái ấm" này là gì?
Tình thương ở đâu trong mỗi con người?
Tôi lo lắng cho những em nhỏ từ khi lọt lòng đã sống trong sự ghẻ lạnh, bạo hành của người lớn. Các em sẽ lớn lên và trở thành con người thế nào để tiếp tục tồn tại trong xã hội này? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, bạo hành có thể trở thành bóng ma ám ảnh suốt đời một con người. Họ có thể lớn lên với những hành vi tương tự, hoặc luôn sống trong sự sợ hãi, khép mình và phải trị liệu tâm lý để vượt qua. Đó là trường hợp các em nhỏ sống sót qua giai đoạn được nuôi dưỡng, may mắn được học hành đầy đủ và có khả năng tìm được công việc để sinh tồn.
Tôi lo lắng lòng trắc ẩn và tình thương của mình bị lợi dụng bởi những kẻ muốn tư lợi cho bản thân ngoài kia, sẵn sàng giẫm đạp lên sinh mệnh, quyền lợi của người khác.
"Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn biết ngủ, biết học hành là ngoan".
Xin hãy cứu lấy những búp non mong manh. Các em xứng đáng có một cuộc sống bình thường, được yêu thương, chăm sóc như bao đứa trẻ khác trên cuộc đời này.