“Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn” là sự đúc kết của ông cha ta từ hàng nghìn năm trước cho đến nay vẫn nguyên giá trị. Tuy nhiên, trên thực tế đây là mối quan hệ xảy ra nhiều xung đột nhất. Vì sao lại như vậy, chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân?
Vợ chồng hòa thuận mang hạnh phúc đến cho cả gia đình.
Nguyên nhân nào khiến gia đình xung đột?
Cha ông ta xưa có câu nói rất đúng về mối quan hệ vợ chồng đó là “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”. Câu nói này cho thấy rằng, vợ chồng hòa thuận thì không khó khăn nào là không vượt qua, không việc lớn nhỏ nào là không thể làm. Sự hòa thuận của mối quan hệ vợ chồng là yếu tố tiên quyết để làm nên hạnh phúc không chỉ cho hai người mà còn cho tất cả thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với những đứa trẻ. Vậy nhưng, trên thực tế mối quan hệ vợ chồng lại là mối quan hệ xảy ra nhiều xung đột nhất. Dường như đi đến đâu chúng ta cũng nghe những lời than phiền về đời sống hôn nhân, về chồng, về vợ. Những muộn phiền trong đời sống hôn nhân nhiều đến mức còn bị ví là “nấm mồ của tình yêu”. Người ta thành vợ chồng là xuất phát từ tình yêu. Nhưng sau khi kết hôn, các cặp đôi phải đối mặt với những rắc rối và những trách nhiệm mà họ không bao giờ mong muốn hoặc chưa bao giờ ngờ tới.
GS Lê Thi ( nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới) đã từng nhận định, những nguyên nhân chính khiến cho mối quan hệ vợ chồng không hòa thuận thường thấy đó là: Do bố mẹ kiếm sống khó khăn, nghèo túng nên hay nặng lời với nhau; bố hay đi uống rượu, say rượu về quát mắng ầm ỹ, đánh vợ, đánh con vô cớ; cũng có trường hợp vợ hoặc chồng ngoại tình sinh ra mâu thuẫn; bố mẹ thua đề cãi nhau; mẹ hay bố buôn bán thua lỗ, dằn vặt, cãi nhau, v.v..
Theo các chuyên gia tâm lý, nếu xét về mặt tâm lý thì nguyên nhân chính yếu và phổ biến nhất khiến cho mối quan hệ vợ chồng trở nên rắc rối đó là do người chồng thiếu trách nhiệm về tài chính, vợ chồng nghi ngờ và thiếu tin tưởng lẫn nhau, ngoại tình, vỡ mộng sau hôn nhân…
Khi mối quan hệ vợ chồng trở nên không hòa thuận không chỉ biến cuộc sống của mỗi người mỗi ngày trôi qua là sự chịu đựng lẫn nhau mà họ còn biến “tổ ấm gia đình” của mình thành địa ngục trần gian mà mọi thành viên trong gia đình đều bị ảnh hưởng, nhất là con cái của họ.
Số liệu các cuộc điều tra về trẻ phạm tội đều cho thấy rằng, nguyên nhân khiến trẻ phạm tội chủ yếu xuất phát từ sự thiếu hòa thuận trong gia đình mà chủ yếu là sự không hòa thuận của vợ chồng.
Một cuộc khảo sát tiến hành năm 2002 của Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Phụ nữ phỏng vấn 70 cháu nghiện ma túy ở Trại Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình, trú tại 4 phường trên địa bàn TP Hà Nội về nguồn gốc gia đình cho thấy: 10 gia đình bố mẹ ly hôn, 6 gia đình bố mẹ ly thân, 10 gia đình bố mẹ bất hòa, 6 gia đình bố mẹ có hành vi phạm pháp, 16 gia đình bố mẹ nghiện ma tuý, 16 gia đình bố hoặc mẹ qua đời. Đặc biệt, có 6 gia đình làm ăn kinh tế phát đạt, giàu có nhưng do chăm lo làm kinh tế hơn chăm lo con cái, nên các cháu đã đi vào con đường nghiện hút.
Các cặp vợ chồng cần biết rõ bổn phận của mình
Theo điều tra do Bộ VH-TT&DL, phối hợp với Tổng cục Thống kê, với sự hỗ trợ của UNICEF cho thấy, số vụ ly hôn có chiều hướng tăng. Nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ. Người vợ đứng đơn ly hôn hiện gấp hai lần so với người chồng đứng đơn. Người tốt nghiệp đại học, cao đẳng có tỷ lệ ly hôn từ 1,7- 2%, thấp hơn tỷ lệ 4- 6% của người không có bằng cấp. Số năm sống trung bình trước khi ly hôn của các cặp vợ chồng 18- 60 tuổi là 9,4 năm; còn riêng ở các khu vực nội thành, các thành phố lớn, chỉ 8 năm. Có 4 nguyên nhân thường xảy ra nhiều là: Mâu thuẫn về lối sống: (chiếm 27,7%); ngoại tình (25,9%); kinh tế (13%); bạo lực gia đình (6,7%).
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa (Tổng đài Tư vấn tâm lý tình cảm 1088 – Hà Nội), xét về mặt bản chất thì nguyên nhân gốc rễ vẫn là do vợ chồng thiếu kỹ năng ứng xử. Kỹ năng ứng xử lại phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết của vợ và chồng. Điều đáng lo ngại là hiện nay chúng ta đang thiếu những bộ quy tắc ứng xử trong đời sống vợ chồng. Các cặp vợ chồng chung sống với nhau nhưng dường như không có một bộ quy chuẩn nào để giúp họ hiểu bổn phận của người vợ thì phải như thế nào, bổn phận của người chồng ra sao. Từ việc không xác định rõ bổn phận của mình nên dẫn đến sự thiếu trách nhiệm. Từ sự thiếu trách nhiệm sẽ kéo theo những tâm lý oán trách, thất vọng, nghi kỵ, chán ghét… lẫn nhau. Mọi rắc rối phát sinh từ đó.