Khi hay tin ở Bình Dương, một người dân kinh doanh hoa quả đã dùng chất diệt cỏ để làm chín chuối, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã thốt lên rằng: "Như thế là tội ác".
Đúng là tội ác, thưa Bộ trưởng Phát. Bởi hơn ai hết, ông rất biết sự nguy hại của chất diệt cỏ với sức khỏe con người, dù ở nồng độ nào đi chăng nữa, thì việc dùng chất diệt cỏ để làm chín hoa quả cũng là hành vi giết người thầm lặng.
Ông thì thấy “lạnh sống lưng” khi nghe thông tin trên, nhưng người tiêu dùng thì biết từ lâu lắm rồi, thưa bộ trưởng. Nhưng tìm đâu được rau sạch, thực phẩm an toàn ở thời buổi mà “thật, giả” chẳng biết đâu mà lần này?
Biết tìm đâu ra thực phẩm an toàn nếu các cơ quan chức năng không xử lý triệt để?
Tôi nghĩ, có thể ông được sử dụng nguồn thực phẩm vô cùng an toàn nên không một chút lo lắng, không phải ngày đêm suy nghĩ "rau có sạch không, thịt có nhiễm khuẩn không?".
Trong khi, với người dân chúng tôi thì câu hỏi ấy đã trở thành điệp khúc hàng ngày, nhưng đỏ mắt không tìm được câu trả lời. Ông có biết niềm tin của người tiêu dùng chỉ được “trấn an” bởi một sợi dây với vài dòng chữ, bởi lời của người bán, còn nguồn gốc của sản phẩm thì chỉ có “bắc thang lên hỏi ông trời” mới biết, mới hay.
Người dân vẫn đành tặc lưỡi, nhắm mắt mua, nếu không thì ăn gì, uống gì bây giờ?
Khi hay tin thứ trưởng Vũ Văn Tám ở bộ ông đưa ra lời đề nghị rằng, từ nay đến Tết, các địa phương hãy chỉ cho người tiêu dùng địa chỉ muốn mua thực phẩm an toàn. Và câu hỏi của vị thứ trưởng là các địa phương có làm được không?
Niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm an toàn cứ như ngọn đèn dầu phất phơ trước gió.
(ảnh minh họa)
Người dân tin là không thể làm được thưa thứ trưởng Tám. Ông có tin là các siêu thị bán hàng có nguồn gốc, thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn?
Dư luận cũng đã từng bị lừa khi hoàng loạt siêu thị lớn nhỏ ở Hà Nội (cũng bị lừa) bán rau được thu mua trôi nổi ngoài chợ, nhưng lại được "hóa phép" thành rau an toàn.
Niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm an toàn cứ như ngọn đèn dầu phất phơ trước gió.
Dùng chất diệt cỏ làm chín chuối được vị bộ trưởng cho là tội ác, ấy thế mà chỉ bị phạt có 6,4 triệu, chở cả chục tấn xương heo đã có giòi để đưa đi làm bột nêm rồi cũng chỉ bị phạt ít tiền, tịch thu, tiêu hủy.
Báo chí vẫn đưa liên tục nơi này bắt 600 kg nội tạng động vật đã bốc mùi, nơi kia phát hiện hàng chục kg mỡ đã bốc mùi, heo con chết thành heo quay giòn… những thông tin như vậy nhiều lắm, kể không xuể, nhưng lại chưa hề thấy- những kẻ táng tận lương tâm, vì đồng tiền đã đầu độc sức khỏe đồng loại - phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Xin được hỏi bộ trưởng câu hỏi: Vì sao? Trong khi luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực bốn năm rồi.
Phải chăng là đang thiếu một “nhạc trưởng”?
Vì sao có tới ba bộ “to đùng” lo “mâm cơm” an toàn cho người dân mà cuộc chiến chống thực phẩm bẩn dường như vẫn đang rơi vào bế tắc, khi những vụ vi phạm an toàn thực phẩm ngày càng gia tăng. Năm sau cao hơn năm trước, thủ đoạn tinh vi hơn.
Dư luận cho rằng, cuộc chiến với thực phẩm không an toàn của các cơ quan chức năng vẫn chỉ là cuộc chiến với cối xay gió. Các bộ ngành được chính phủ giao lo bữa ăn an toàn cho người dân chỉ là chàng Đôn ki-hô-tê huyền thoại.
“Hãy là người tiêu dùng thông thái” - khẩu hiệu ấy được treo nhan nhản trên đường phố vào “ngày tiêu dùng, tháng tiêu dùng” cũng chỉ mang tính hô hào, sáo rỗng.
Người dân chẳng thể nào thông thái khi các cơ quan chức năng vẫn thờ ơ, vẫn chưa làm hết trách nhiệm, vẫn chỉ “phạt rồi tiêu hủy” thì không thể nào hạn chế được lòng tham của những người kinh doanh coi tiền cao hơn sức khỏe.
Hãy hành động động bằng những việc làm thiết thực, thay vì kêu gọi, hô hào.
Đã là tội ác thì phải phạt tù mới đủ sức răng đe.
Một ĐBQH thì hy vọng, một khi loại bỏ được cán bộ “ăn bám” thì mới lo trọn vẹn được cho dân.
Người dân vẫn ngóng cổ trông chờ để có được một mâm cơm an toàn.
Xem chừng vẫn chỉ là… mơ về nơi xa lắm.
Xót xa thay.