Chị Phạm Thị Mai, 33 tuổi, sống tai Hà Nội đã từ bỏ một công việc vô cùng tốt để khởi nghiệp với hai bàn tay trắng trên căn gác mái 12m vuông với công việc khâu đồ da yêu thích. Giờ đây, chị đã gặt hái được những thành công đáng kể...
Ngay khi vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu chuyên ngành marketing, chị Phạm Thị Mai đã trúng tuyển vào một tập đoàn công nghệ lớn nhất nhì Việt Nam. Chỉ sau một thời gian ngắn làm việc tại đây, chị trở thành trợ lý Chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn. Có được công việc và mức lương nhiều người mơ ước nhưng chị Mai luôn đau đáu về một công việc của riêng mình, do mình tự làm chủ.
Bài học từ những thất bại
Năm 2011, bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình, chị Mai xin nghỉ việc và bắt đầu kinh doanh riêng bằng việc thực hiện dự án về giáo dục. Nhờ vào kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm marketing của mình, chỉ sau gần một năm hoạt động, dự án phát triển mạnh mẽ. Nhưng một thời gian sau, vì nhiều lý do, chị chấp nhận thất bại trong hợp tác và rời khỏi dự án.
Thất bại đầu tiên đã mang lại cho chị Mai bài học quý giá rằng khi hợp tác mình phải chứng minh được giá trị của bản thân, phải có giá trị riêng của mình, để trong trường hợp thất bại, mình sẽ không bị mất đi tất cả.
Chị Mai trao đổi công việc với đối tác nước ngoài
Thời điểm đó, chị Mai nhận được một số lời mời hợp tác làm việc với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên với bản tính quyết liệt, đã đặt ra mục tiêu thì nhất định phải thực hiện, chị tiếp tục tìm hướng đi mới cho mình. Sau vài tháng tìm hiểu và nghiên cứu, tháng 4/2012 chị khởi nghiệp lại tại một căn gác mái rộng 12m2 với công việc làm đồ da thủ công.
Những ngày đầu khởi nghiệp gian nan, cộng với bài học thất bại khi hợp tác, chị Mai quyết định tự mình làm hết, từ việc đi khắp các tỉnh miền Bắc tìm nguồn hàng, tự thiết kế sản phẩm, tự khâu vá, … Nói về những ngày tháng vất vả khi ấy, chị Mai cho biết: “Mình khâu trên da thật nên rất cứng, thường xuyên bị kim đâm vào tay. Vì làm công việc thủ công mà mình chưa quen nên 3 ngày mình mới khâu xong một chiếc túi. Lúc khâu xong, mình đã ngồi ôm mặt khóc.”
Mặc dù ở thời điểm đó, việc khởi nghiệp của chị đã từng thất bại và việc mới đang gặp khó khăn mọi bề, nhưng khi được Tổng giám đốc tập đoàn nơi chị đã từng làm việc gọi về làm, chị Mai vẫn lựa chọn con đường của riêng mình. Bởi với con người chị khi ấy đã chuyển sang một tầm khác, thay vì làm văn phòng chỉ với một công việc chuyên môn, mức lương ổn định, chị Mai đã được hoàn thiện hơn rất nhiều về cách nhìn nhận vấn đề, triển khai công việc, cách suy nghĩ, … mặc dù chị chưa chạm tới thành công.
Tìm được hướng đi mới là điều không đơn giản, song việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm là một thách thức lớn gấp bội. Thời gian đầu, sản phẩm của chị Mai tự tay làm ra được bạn bè, anh chị em họ hàng ủng hộ rất nhiệt tình. Nhưng điều đó không giải được bài toán lâu dài về thị trường. Chính vì vậy, việc nhận được đơn hàng lớn chỉ sau hơn một tháng hoạt động là động lực rất lớn để chị Mai tiếp tục chặng đường của mình.
Là người làm kinh doanh, nhận được đơn hàng lớn là điều vô cùng sung sướng.
Chị Mai chia sẻ: “Đó là dự án cung cấp nội thất đồ da cho 1 khách sạn lớn . Tôi đã rất bất ngờ vì trước đó chỉ nghĩ rằng da chỉ dùng làm túi, ví, … Cùng vì khám phá đó mà tôi thật sự ham mê và hấp dẫn với công việc làm đồ da thủ công.”
Là người làm kinh doanh, nhận được đơn hàng lớn là điều vô cùng sung sướng. Thế nhưng với chị Mai khi đó chỉ có một mình, chị phải huy động toàn bộ mối quan hệ người thân để đến cắt hàng nghìn miếng da theo đúng kích thước khách hàng yêu cầu, đánh bóng từng miếng, ghép vào khung,… Chị Mai tự bỏ chi phí để thực hiện đơn hàng thành công, nhưng phải 8 tháng sau chị mới được thanh toán. Đây là bài học tiếp theo trong kinh doanh dành cho chị, chị rút ra kinh nghiệm rằng có đơn hàng khó một phần, thực hiện đơn hàng khó gấp đôi, thanh toán đơn hàng khó gấp nhiều lần.
Nhận thấy phản hồi tích cực từ thị trường đồ da thật, chị Mai nhận ra việc làm thủ công bằng tay không đáp ứng được nhu cầu khách hàng nên chị quyết định mở xưởng ban đầu với hàng chục công nhân và hợp tác với anh Phan Mạnh Hà nhằm đưa dự án phát triển lên tầm cao mới. Sau khi cùng anh Hà nghiên cứu lại, chị Mai nhận nhiệm vụ quản lý công ty và xưởng trong khi anh Hà sang Thái Lan học nghề. Từ đây, công ty đã có định hướng rõ ràng hơn, lượng khách hàng cũng tăng nhanh.
Hạnh phúc vì được làm việc mình yêu thích
Hình ảnh rất đời thường của chị Phạm Thị Mai
Chia sẻ về những điều chị đã làm được, chị Phạm Thị Mai cho biết: “Điều thành công nhất của dự án là tôi được làm việc mình thích. Tôi luôn trăn trở với công việc mà không phải do áp lực từ bên ngoài, bởi đó là điều tôi thực sự yêu thích, vì ước mơ của tôi đã thành sự thực. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó, tôi đã phải hy sinh nhiều thời gian lẽ ra phải dành cho gia đình. Tôi có 3 con nhỏ trong độ tuổi từ 2 – 7 tuổi. Có hôm tôi đi công tác tỉnh về muộn thấy hai cháu lớn đang cãi nhau, tôi thật sự mệt mỏi. Khi ấy tôi chìa đôi tay còn dính đầy keo dán da bảo các con xem tay mẹ như này vì đi làm vất vả mà các con cãi nhau chỉ vì việc gấp quần áo. Bọn trẻ chạy lại nhìn tay mẹ rồi lặng lẽ tự chia nhau làm việc. Đó là niềm vui, là động lực để tôi tiếp tục công việc.”
Hiện tại, công ty chị nhận được nhiều đơn hàng cùng lời mời hợp tác từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, …Nhiều đối tác nước ngoài đã tìm đến tận xưởng để tham quan và bày tỏ mong muốn được phân phối thương hiệu đồ da thật của chị tại nước họ. Việc này đã tạo điều kiện cho những thành công đáng nể mà trước giờ chị luôn mong đợi...
Là người làm trong lĩnh vực đồ da, chị Mai khuyên chị xem phụ nữ khi mua đồ da cần biết phân biệt đồ da thật gồm có 3 lớp: lớp ngoài cùng là tốt nhất, giá thành cao nhất; lớp thứ 2 kém chất lượng hơn, giá thấp hơn; lớp thứ 3 chất lượng xấu gần tương đương với bột da nghiền rồi có lớp phủ tạo bóng, độ bền kém mà giá thành thấp. Điều quan trọng nhất, da thật chỉ bền khi biết đùng đúng cách, cần phải tránh nước, lửa và hóa chất.
Bản thân chị là người đam mê đồ da, chị Mai quyết định chỉ sản xuất những sản phẩm bằng đồ da thật, dùng từ loại da fullgrain. Các sản phẩm của công ty chị đều thực hiện bằng tay, trừ khâu máy. Điều chị mong muốn là sản phẩm chị tâm huyết sẽ đến tay khách hàng với cả trái tim mình. Vì vậy, nhân công trong xưởng của chị không làm việc theo kiểu khoán sản phẩm, họ được làm theo cái tâm người thợ. Người thợ đặt mình vào suy nghĩ của khách hàng để làm việc.
Chị Mai cùng đồng nghiệp và đối tác nước ngoài
Là phụ nữ có 3 con nhỏ, tự khởi nghiệp với công việc không dễ dàng, chị Mai chia sẻ: “Điều may mắn nhất với tôi là có được sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là chồng tôi. Dù thời gian đầu tất cả mọi người đều phản đối. Thực tế, có những giai đoạn tôi gặp khủng hoảng thực sự vì 3 con còn quá nhỏ, công việc bận rộn, … Có thể nói, người phụ nữ không thể thành công nếu không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Nữ doạnh nhân nếu biết cách cân đối và đặt mục tiêu cho từng giai đoạn thì hạnh phúc gia đình và sự thành đạt sẽ là tỷ lệ thuận.
Với riêng tôi, vì không có điều kiện để đưa các con đi chơi nhiều nơi, nhưng tôi thường đưa con đến xưởng thăm quan. Thậm chí vào những ngày nóng nực, xưởng không có điều hòa, tôi vẫn mang các con tới để con tự cảm nhận được công việc lao động vất vả như thế nào.”
Trải qua những thất bại, khó khăn để có được thành công như hiện nay, chị Mai nhận ra rằng việc khởi nghiệp không phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính hay tình trạng hôn nhân. Chị cho biết, mặt dù hơi muộn để nhận ra điều đó, nhưng điều hạnh phúc nhất không phải ở thành công của công việc mà quan trọng nhất là được làm việc mình yêu thích. Startup với phụ nữ không phải là đánh đổi mà nó là sự bổ sung để trở thành một phụ nữ có hoài bão. Với chị, vẻ đẹp của người phụ nữ 30 tuổi là có ước mơ và quyết tâm thực hiện ước mơ đó.