Vì căn bệnh ung thư gan của bố, Nguyễn Thùy Linh, cô tiểu thư Hà Nội 31 tuổi đã từ bỏ cuộc sống vật chất đầy đủ, bình yên tại Singapore để trở về quê nhà trồng rau, bán sản phẩm hữu cơ...
Đến với rau hữu cơ vì căn bệnh ung thư gan của bố mình
Thùy Linh, cô tiểu thư Hà Nội đam mê trồng rau và các thực phẩm hữu cơ (ảnh NVCC)
Thông điệp của các chương trình quảng cáo thực phẩm, hàng tiêu dùng phổ biến nhất hiện nay là: 'Hãy là người tiêu dùng thông thái”! Vậy câu hỏi đặt ra, người tiêu dùng thông thái là người tiêu dùng như thế nào? Nếu ta không là người thông thái thì phải chấp nhận dùng hàng bẩn, hàng kém chất lượng và rồi chấp nhận bệnh tật do nó gây ra?... Đó là điều khiến Thùy Linh, người phụ nữ 31 tuổi đam mê việc trồng rau hữu cơ và bán các sản phẩm hữu cơ phục vụ người tiêu dùng.
Rau củ hữu cơ tại cửa hàng của Linh (Ảnh NVCC)
Nguyễn Thùy Linh, 31 tuổi, vốn là một tiểu thư Hà Nội có cuộc sống vật chất đầy đủ, bình yên. Sau khi tốt nghiệp du học tại Singapore, Linh làm trợ lý cho Giám đốc một công ty lớn tại đây với mức lương rất cao. Cô kết hôn và định cư tại Singapore.
Cuộc sống hạnh phúc ấy của Linh cứ thế trôi đi, cho đến một ngày bố Linh, một Giám đốc thành đạt ở Việt Nam bị chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối. Linh nhận được tin khi đang trong giờ làm việc. Cô chạy ra ngoài và khóc trong sự bất lực.
Linh chia sẻ: “Với tôi, mọi thứ lúc đó sụp đổ. Tôi gần như phát điên vì không chấp nhận suy nghĩ tôi có thể mất bố. Tôi lục tung mạng internet tìm kiếm thông tin, chạy đôn chạy đáo khắp nơi để hỏi về căn bệnh này. Tôi cố gắng bám víu vào những hi vọng dù nhỏ nhoi nhất. Tôi tạm nghỉ việc để đưa bố sang Sing chữa trị. Sau vài tháng, tình hình bệnh của bố tôi không mấy khả quan. Tôi và chồng đã quyết định để tôi và con gái về Việt Nam chăm sóc bố. Về Việt Nam sau hơn 8 năm định cư ở Singapore, tôi dần bình tĩnh hơn và nhận ra rằng than khóc sẽ không thay đổi được gì. Việc tôi cần làm bây giờ là cố gắng cùng bố chiến đấu lại căn bệnh nan y này”.
Trang trại rau tại Thanh Trì, Hà Nội của Thùy Linh (ảnh NVCC)
Với lượng kiến thức tìm hiểu được về bệnh ung thư, Linh biết rằng việc sử dụng những sản phẩm hữu cơ, không hóa chất sẽ giúp cơ thể con người giảm bớt các nguy cơ nhiễm độc và tăng khả năng chống chọi với bệnh tật. Vì muốn đảm bảo rằng bố mình không phải nạp thêm bất kì loại hóa chất nào nữa, Linh đã đi lùng sục khắp nơi để tìm bằng được những nguồn thực phẩm lành mạnh, an toàn và tự nhiên nhất.
Trên hành trình của mình, Linh gặp không ít khó khăn khi tiếp cận các nhà cung cấp “làm thật sự tử tế” trong thời buổi “vàng thau lẫn lộn” như bây giờ. Linh cũng chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện tương tự như trường hợp của gia đình mình. Cùng với đó là vấn nạn về thực phẩm bẩn đang nhức nhối hơn bao giờ hết, khiến Linh trăn trở suy nghĩ rất nhiều. Như một lẽ tự nhiên, Linh cũng muốn cống hiến sức lực nhỏ bé của mình để giải quyết vấn đề này. Và rồi, V-Organic - thực phẩm hữu cơ được ra đời.
Vì đã có quá trình tìm hiểu khá kỹ về thị trường thực phẩm sạch, Linh thấy một thực trạng là mặc dù nhiều loại thực phẩm bán trong các cửa hàng, siêu thị và ngoài chợ có gắn mác thực phẩm sạch nhưng chất lượng vẫn không đảm bảo. Hơn nữa còn có trường hợp, một số hàng chuyên cung cấp thực phẩm sạch vẫn có những loại hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Điều đó bởi vì, các đơn vị này không tự sản xuất mà nhập về từ các nguồn khác nhau nên rất khó kiểm soát đầu vào.
Linh thường xuyên xuống trang trại, trực tiếp chăm sóc các luống rau (Ảnh NVCC)
Từ những trăn trở đó, Linh quyết định xây dựng chuỗi sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng. Linh lên mạng tìm hiểu thông tin, hỏi thăm bạn bè và bắt tay vào việc trồng những luống rau đầu tiên. Nhờ sự hỗ trợ của người thân, chỉ sau thời gian ngắn, Linh đã có một trang trại trồng rau khá phong phú tại Thanh Trì, Hà Nội.
Ban đầu, vì nguồn hàng còn ít (Linh không nhập hàng từ các nguồn sản xuất khác), Linh chỉ bán online. Sau đó, nhu cầu của khách hàng tăng nhanh, nhiều đơn vị còn đặt các giỏ rau quả sạch làm quà tặng nên Linh mở rộng sản xuất, nuôi thêm gia súc, gia cầm và mở cửa hàng tại Gamuda Garden, Hoàng Mai.
Hiện nay, theo đề xuất của khách hàng, nhằm cung cấp được nhiều hơn nữa cho nhu cầu của khách, qua nhiều người giới thiệu và tự đề xuất, Linh đi khảo sát thực tế và nhập thêm một số mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Linh cho biết: “Có lẽ vì bị ám ảnh bởi sự qua đời của bố, nên bản thân tôi luôn khắt khe trong việc tìm hiểu nguồn gốc thực phẩm. Nhiều đối tác đã tìm đến tôi, họ mang cả sản phẩm tới để chứng minh chất lượng nhưng tôi từ chối vì họ không chứng minh được nguồn gốc và quá trình sản xuất”.
Sản xuất thực phẩm hữu cơ là một hành trình gian nan
Hiện tại, Thùy Linh đang là giám đốc của 1 công ty chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm hữu cơ, một nữ giám đốc đam mê công việc nông trại. Vì thế, cô càng có điều kiện để thực hiện đam mê của mình, phát triển ngành nghề và mở rộng thị trường...
Hiện nay, ở Việt Nam đã có nhiều nhà sản xuất và phân phối thực phẩm sạch giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội tiếp cận với thực phẩm sạch và an toàn hơn thời gian trước nhiều. Tuy nhiên điều đó cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lương tâm, trách nhiệm và phương pháp của người sản xuất, bán hàng đến đâu.
Trang trại của Linh loại bỏ hoàn toàn việc dùng hóa chất và phân hóa học, đồng thời áp dụng phương pháp nông nghiệp truyền thống của ông cha từ xa xưa. Đó là dùng phân chuồng ủ mục, phân xanh, thuốc trừ sâu sinh học bằng dung dịch rượu, tỏi, ớt, …
Lợn ở trang trại của Linh rất chậm lớn (ảnh NVCC)
Khó khăn đầu tiên đến với Linh khi bắt đầu thực hiện kế hoạch trồng rau hữu cơ là sự ngăn cản từ phía gia đình. Vì muốn thực hiện việc mở trang trại nông nghiệp hữu cơ, Linh và con gái ở lại Việt Nam trong khi chồng Linh vẫn sống và làm việc tại Singapore. Hơn nữa, người thân trong gia đình không muốn Linh phải làm việc vất vả, khi mà mọi thứ Linh đều có sẵn. Do vậy Linh luôn phải tự động viên, nhắc nhở mình nhớ tới mục đích cần làm và hy vọng sau này mọi người sẽ hiểu.
Vốn là người không có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, nên Linh phải tự mày mò, trồng thử nghiệm. Ban đầu, nhiều loại rau Linh trồng đã không cho thu hoạch vì thời tiết xấu, gặp nhiều sâu bệnh,…
Thực phẩm “thuận tự nhiên” đôi khi không “thuận lòng người”. Việc thiếu hàng, hết hàng thậm chí khách đặt trước rồi mà hôm sau vẫn không có hàng là điều không thể tránh khỏi. Rau củ, gia súc, gia cầm chậm phát triển hơn và hình thức của rau không phải lúc nào cũng đẹp mắt để hài lòng khách hàng. Chính vì vậy, Linh bày tỏ mong muốn nông dân hãy áp dụng phương pháp trồng rau hữu cơ đại trà mới đáp ứng được nhu cầu của tất cả người dân.
Thùy Linh chia sẻ: “Với sản phẩm đặc thù như thực phẩm thuận tự nhiên và không hóa chất thì khách hàng không phải Thượng đế, thiên nhiên mới là Thượng đế. Do đó, cửa hàng và hệ thống bán hàng online của Linh chỉ cung cấp được các loại rau theo mùa chứ không đa dạng như ngoài chợ. Nhưng hiện tại, rất nhiều khách hàng tìm đến sản phẩm của Linh, tất cả đều bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối khiến Linh rất hạnh phúc”. Ước mơ của Linh chính là mang đến những sản phẩm sạch cho mọi người, đảm bảo sức khỏe, yên tâm về chất lượng, nguồn gốc, để ai cũng tin vậy thương hiệu của mình, không lo lắng ăn phải thực phẩm bẩn.
Thực phẩm “thuận tự nhiên” đôi khi không “thuận lòng người”. Việc thiếu hàng, hết hàng thậm chí khách đặt trước rồi mà hôm sau vẫn không có hàng là điều không thể tránh khỏi, Linh chia sẻ
(Ảnh NVCC)
Ở Việt Nam đang tồn tại các khái niệm như rau sạch, rau an toàn, rau hữu cơ, … khiến người tiêu dùng khó phân biệt sự khác nhau giữa chúng. Theo giải thích của Linh, rau an toàn là loại có sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu trong giới hạn cho phép và có thời gian cách ly để đảm bảo an toàn cho người ăn.
Đối với rau hữu cơ, về cơ bản trong quá trình sản xuất không được sản xuất chất vô cơ như phân hóa học, thuốc trừ sâu, … Nông nghiệp hữu cơ thường là nông nghiệp khép kín, sử dụng rác thải sinh học, giúp cân bằng, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.
Là người trực tiếp sản xuất rau hữu cơ, Thùy Linh muốn gửi thông điệp đến người tiêu dùng hãy tin vào cảm nhận của chính mình vì rau củ hữu cơ thường có vị ngọt đậm đà mang hương vị tự nhiên.
Thùy Linh tâm sự: “Thông qua việc trồng và bán rau củ quả, tôi muốn truyền tới khách hàng một thông điệp là một cách sống xanh, thuận tự nhiên, yêu và trân trọng tự nhiên để cuộc sống chúng ta cũng trở nên tươi xanh, hạnh phúc hơn”.
Eva tám là nơi chị em tâm sự, chia sẻ những câu chuyện, những vấn đề khúc mắc về hôn nhân, gia đình, cuộc sống, những kinh nghiệm kinh doanh, làm giàu. Hãy gửi tâm sự về địa chỉ chiase@khampha.vn để nhận được những góp ý cũng như những ‘cao kiến’ chân thành của chị em. Bài viết của các bạn sẽ được chọn đăng tải trên chuyên mục nếu phù hợp quy chuẩn nội dung và sẽ được bảo mật thông tin cá nhân. |