Những người bạn ở Sài Gòn hẹn nhau "đại chiến" tại phố đi bộ Nguyễn Huệ vì mâu thuẫn trên facebook. Những người bạn trẻ ở Hà Nội hẹn nhau trên vỉa hè đánh nhau vì tranh luận trên mạng xã hội... Đó là những hành động khi chúng ta còn trẻ.
Chúng ta, đã có một thời tuổi trẻ. Thời mà chúng ta luôn tự do cười nói, phóng khoáng và hãnh tiến trong thế giới của chính mình.
Thời mà chúng ta không biết sợ hãi, không phải nghĩ quá dài. Thời mà chúng ta hạnh phúc với những thứ vớ vẩn mà chỉ riêng chúng ta mới có thể cảm nhận được.
1. Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta sẽ yêu đương rất nhiệt thành. Chúng ta có thể sống hoặc chết để bảo vệ tình yêu của chính mình. Chúng ta sẽ nói với nhau những câu mà bây giờ nghĩ lại chúng ta có khi cảm thấy đỏ mặt, như: “Với anh, em là cả thế giới”, “Em chỉ cần ở bên cạnh anh thôi, mọi việc cứ để anh lo”.
Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta sẵn sàng đổ máu để bảo vệ một quan điểm rất đỗi vô lý.
Khi chúng còn trẻ, chúng ta luôn cảm thấy cực kỳ dễ bị xúc phạm. Ai chê chúng ta một mái tóc không đẹp, một làn da không sáng, một khuôn mặt không tươi… chúng ta sẽ sẵn sàng lao vào ăn thua đủ bất chấp mọi hậu quả.
Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta có quá nhiều cơ hội để phung phí mình vào những trò náo nhiệt rất buồn cười, kiểu như kéo băng nhóm đi đánh nhau không vì lý do gì cả.
Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta sẵn sàng đổ máu để bảo vệ một quan điểm rất đỗi vô lý. (Ảnh minh họa)
Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta dễ dàng ghét một ai đó chỉ vì “Nhìn nó đáng ghét quá”.
Khi chúng ta còn trẻ, điều duy nhất mà chúng ta thiếu chính là lòng bao dung.
Nhưng không ai trách chúng ta điều này cả, vì chúng ta còn trẻ và chúng ta sẽ còn phải học hỏi nhiều điều để có thể sở hữu thứ cảm xúc xa xỉ đó. Thật ra, ngay cả khi chúng ta lớn, không hẳn chúng ta đã có được điều ấy.
2. Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta sẽ dễ cáu vì bị người lớn xoa đầu bảo ban.
Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta tin rằng chúng ta đã biết tất cả, không cần ai phải dạy dỗ.
Khi chúng ta còn trẻ, điều khiến chúng ta dị ứng nhất là những câu so sánh kiểu “Thời tôi bằng cậu bây giờ hoặc ngày trước chúng tôi đâu có như vậy”…
Mỗi thời gian trôi qua luôn kéo theo một bối cảnh xã hội khác nhau, những quan điểm khác nhau, những vấn đề quan tâm khác nhau, những cuộc vui khác nhau, những công cụ tiếp nhận đời sống khác nhau.
Rất khó để lấy kinh nghiệm đời sống của người đã trải qua và áp dụng vào đời sống của người chưa bước đến.
Tôi không nghĩ những người bạn trẻ khác biệt là điều gì đó phản cảm trong xã hội. (Ảnh minh họa)
Chúng ta trong một bối cảnh nào đó, chỉ có thể an ủi và cố gắng dung hòa mà thôi.
Điều nguy hại nhất chính là chúng ta cứ mắng vào những người trẻ bây giờ khi chúng ta đã không còn trẻ nữa.
3. Như một đoạn trên facebook cá nhân của tôi, “Những người bạn trẻ ở Sài Gòn hẹn nhau đại chiến tại phố đi bộ Nguyễn Huệ vì mâu thuẫn trên facebook.
Những người bạn trẻ ở Hà Nội hẹn nhau trên vỉa hè đánh nhau vì tranh luận trên mạng xã hội.
Những người bạn trẻ nữ mà đầy nam tính, nam tính mà đầy nữ tính.
Những người bạn trẻ khoe nhau về kem dưỡng da trắng, mắt đeo lens đổi màu, tóc nhuộm kỳ lạ, gọi người cùng giới là vợ chồng.
Những người bạn trẻ hiện tại khác rất nhiều so với những người bạn trẻ thời của chúng tôi.
Thế nhưng, bên cạnh những người bạn trẻ này luôn có những người bạn trẻ khác. Những người bạn trẻ thay cha chăm sóc cho mẹ, thay mẹ lo lắng cho em, những người bạn trẻ tìm vui trong học tập, trong tri thức…
Không sao cả, sự khác biệt luôn làm cho đời sống sinh động và nhiều điều thú vị.
Tôi không nghĩ những người bạn trẻ khác biệt là điều gì đó phản cảm trong xã hội.
Tôi chỉ nghĩ rằng, chúng ta phải luôn yêu thương và bản bao cho những người bạn trẻ hơn là kỳ thị, mặc cho những người bạn trẻ làm cho chúng ta vô cùng hoang mang.
Còn giả như những người bạn trẻ mỉa mai sự giáo điều của chúng ta thì cũng không có gì là hệ trọng. Bởi mỗi cá nhân luôn có những quan điểm riêng.
Dẫu sao, những người bạn trẻ luôn còn rất nhiều thời gian để sống”.
Như chúng ta, ngày xưa vậy!
Xem bài viết cùng tác giả: Tình công sở và đường ngược chiều (P.1) Tình công sở và đường ngược chiều (P.2) |