Vì nhiều lý do, không được cha mẹ chồng chấp nhận, không được đón rước đàng hoàng, không đăng ký kết hôn… những cô con dâu 'hờ' sau khi đặt chân được vào nhà chồng đã trở mặt lu loa, vu vạ nhà chồng.
Bố mẹ chồng đắng lòng vì dâu “hờ” trả thù
Là một cô gái mất mẹ từ khi còn bé, dưới sự dạy dỗ không đến nơi đến chốn của người cha, bản tính của Dung (28 tuổi, Long Biên, Hà Nội) có phần cộc cằn, không khéo ăn, khéo nói. Bên cạnh đó, Dung cũng là một phụ nữ vụng về trong việc bếp núc, thu vén gia đình… Chính bởi điều này mà sau vài lần ra mắt, cô bị cả gia đình Minh khéo léo phản đối. Từ cha mẹ đến những người họ hàng của Minh đều bóng gió: “Hai đứa chúng mày là bạn bè tốt, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”.
Hết lần này đến lần khác, khi Minh đề cập đến chuyện cưới xin thì bố mẹ Minh kiên quyết phản đối. Với ông bà, Minh là con trai độc nhất, lại là con trưởng, phải lo lắng và thu vén nhiều công việc trong gia đình nên nếu không chọn được vợ đảm đang, hoàn hảo thì cũng phải là người “biết mỗi thứ một tí”. Nói khéo mãi không được, cuối cùng bố mẹ Minh hẹn gặp riêng Dung và phân trần lý do ông bà không muốn tác hợp cho đám cưới của hai người.
Hiểu rõ khó khăn mà mình gặp phải, biết chắc mình không thể thay đổi được tình cảm của gia đình Minh dành cho, Dung tỏ ra ấm ức, khó chịu. Cô không cam tâm chấp nhận cảnh bị người khác từ chối, lại không muốn từ bỏ người đàn ông mình yêu. Với ý định “cho hai ông bà già biết thế nào là lễ độ”, Dung quyết tâm “bẫy” Minh để mình mang bầu, rồi từ đó buộc bố mẹ Minh phải đồng ý đón cô về làm dâu.
Hiểu rõ khó khăn mà mình gặp phải, biết chắc mình không thể thay đổi được tình cảm của gia đình Minh dành cho, Dung tỏ ra ấm ức, khó chịu. (ảnh minh họa)
Khi mang thai được 8 tháng, Dung khệ nệ “bế” bụng bầu đến nói chuyện với bố mẹ Minh. Trước mặt hai ông bà, Dung tỏ ra hối hận vì trót nhỡ, cô năn nỉ bố mẹ Minh đồng ý, hứa sẽ cố gắng thay đổi để là nàng dâu mà ông bà có thể tự hào.
“Cơ sự đã đến thế, chúng tôi không đồng ý cũng không được. Con dại thì cái mang. Cũng là thân phụ nữ nên tôi cũng xót thương cho con bé bầu bì mà không được chăm sóc chu đáo. Cũng vì thế nên chúng tôi đồng ý làm theo lời Dung đón nó về nhà mà không cần có lễ cưới rình rang gì”- bà Thư, mẹ Minh cho biết.
Sau khi bố mẹ chồng đồng ý đón về nhà, Dung và Minh cũng không vội đăng ký kết hôn. Dung cho việc bước chân được vào nhà Minh, lại chuẩn bị sinh quý tử cho ông bà nội thì Dung đã là kẻ chiến thắng, giấy tờ chỉ là chuyện nhỏ.
Nung nấu ý định từ trước nên khi đã “có chìa khóa” vào nhà chồng, Minh không những không sửa đổi gì như đã hứa mà cô trở mặt, hống hách, thường xuyên dựng chuyện vu khống bố mẹ chồng. Đã có nhiều hôm, hàng xóm cũng phải ngơ ngác, xì xào vì bỗng dưng Dung khóc toáng lên vu vạ: “Ông bà muốn con và cháu chết thì cứ nói thẳng ra chứ đừng hành hạ như thế”.
“Kể từ ngày nó về sống trong nhà, chúng tôi cũng coi nó như con. Tôi không ngại chăm bẵm, hầu hạ để nó mẹ tròn con vuông. Nhưng đúng là cực chẳng đã, nhà hết phúc nên mọi chuyện rối tung vì nó. Về làm dâu, nó dương dương tự đắc, đi về không thèm chào hỏi ai, đồ đạc thì bày bừa. Góp ý thì mặt mày cứ sưng lên, rồi lợi dụng tình cảm của chồng, nó đặt điều chúng tôi đối xử bạc ác với nó".
"Một ngày nó dựng nên đủ thứ chuyện để 'tố' với chồng. Chồng nó vì cho chúng tôi không có ấn tượng tốt từ ngày xưa nên chắc chắn giờ vẫn không thấy thoải mái… Cả nhà thành ra mâu thuẫn, lúc nào cũng có tiếng cáu gắt, ầm ĩ. Sống đến chừng này tuổi đời rồi, tôi vẫn không tin rằng mình lại vô phước rơi vào cảnh rối ren, bế tắc thế này” - bà Thư thở dài nói về chuyện nhà mình.
Tuổi xế chiều bị con dâu “hờ” đuổi ra đường
Cũng rơi vào tình cảnh bị con dâu “hờ” trở mặt, bà Thanh (Hà Đông, Hà Nội) cay đắng khi nói về chuyện của gia đình mình. Bà Thanh kể, vì một vài lý do mà hồi tuổi trẻ, bà không xây dựng gia đình. Ở tuổi 37, bà xin được một đứa con nuôi. “Cứ thế nuôi con trai lớn khôn, học hành rồi có công việc tử tế. Những tưởng sau này tuổi già sẽ được nhờ cậy nhưng…” - giọng bà Thanh đứt quãng, nước mắt trực trào nhớ lại những ngày tháng qua.
Cũng rơi vào tình cảnh bị con dâu “hờ” trở mặt, bà Thanh (Hà Đông, Hà Nội) cay đắng khi nói về chuyện của gia đình mình. (ảnh minh họa)
Theo lời bà Thanh kể, khi anh con trai có công việc ổn định, anh dẫn một cô gái về ra mắt mẹ. Bà Thanh không kén chọn gì con dâu: “Chỉ mong con trai sống hạnh phúc, gia đình hòa thuận yên ấm là tôi đã mãn nguyện rồi. Tuy không sinh ra nhưng chứng kiến từng ngày con lớn khôn, trưởng thành rồi lấy vợ, đúng là không còn gì vui mừng, hạnh phúc bằng. Nghĩ đến đây là tôi có thể yên lòng mà nhắm mắt xuôi tay rồi”.
Sau lần đưa bạn gái về ra mắt, đám cưới nhanh chóng diễn ra. Không hiểu lý do gì mà vợ chồng con trai bà Thanh cưới xin đàng hoàng nhưng mãi chưa đăng ký kết hôn.
Đám cưới con trai chưa đầy 2 năm thì chuyện đau lòng ập đến với bà. Trong lần đưa mẹ về quê ở Hà Nam thăm họ hàng, trên đường trở về, anh con trai gặp tai nạn. “Con trai chết, tôi là người đau đớn nhiều nhất. Tôi ước mình có thể là người chết được thay cho con. Vì đưa tôi về quê mà nó gặp nạn…” - bà Thanh vừa kể vừa đưa tay đấm vào ngực mình.
Đau xót vì con trai mất đột ngột đã đành, bà lại bị cô con dâu quay ra chì chiết, nguyền rủa với lý do “vì mẹ mà tôi mất chồng, cháu bà mất cha”. Không những thế, hậu sự của chồng xong chưa được bao lâu thì con dâu của bà Thanh nhất mực đòi kiểm kê tài sản và chuyển quyền sở hữu tất cả những gì thuộc về chồng.
Bà Thanh buồn rầu cho hay: “Nhà có một mẹ, một con, dành dụm được gì tôi cho con trai hết. Tuổi già biết sống chết lúc nào nên quyền sử dụng của ngôi nhà tôi cũng vừa chuyển giao cho con trai hơn một năm về trước. Giờ con trai chết, con dâu đòi đứng tên và có ý đuổi tôi ra đường vì không muốn dính dáng gì đến tôi. Trước sau gì tất cả cũng là của nó, vì tôi thì sống được bao lâu nữa nhưng nó vẫn nhất mực rồi đòi kiện tôi".
"Nghe hàng xóm nói rằng dâu ‘hờ’ thì làm sao đủ lý mà đuổi mẹ chồng. Tôi có dò hỏi luật sư thì thấy bảo nếu kiện thì phần thua vẫn là con dâu tôi, do chúng nó chưa đăng kí kết hôn. Nhưng giờ lôi nhau ra kiện cáo chỉ tổ làm trò hề cho thiên hạ”.