Kiss Cam, hôn kiểu gì như trò cắn trộm

Ngày 27/06/2015 07:06 AM (GMT+7)

Lần đầu tiên thấy vợ bức xúc như thế về một chuyện ồn ào ngoài đường xôn xao trên mạng. Sự bức xúc của nàng thể hiện ra cái mặt nhăn nhó như chồng cuối tháng vẫn nợ lương. Nàng nói: “Trào lưu cái gì, hôn nhau kiểu gì như chó chạy rông âm thầm cắn trộm thế”.

Một kiểu so sánh nói chung là rất là khập khiễng, rất là chung chiêng…nhưng cũng đáng suy nghĩ. Dĩ nhiên theo thông lệ, tôi phải mò ngay lên mạng tìm hiểu thông tin về trào lưu này, vừa là để có chuyện mà vào ra với vợ, cũng là vừa thể hiện quan điểm một cách rõ ràng. Vợ tôi là thế, hùn theo vợ chưa chắc đã là thượng sách, đôi khi phải đong đưa tỏ ra phản biện nàng mới cho là người đàn ông có chính kiến.

Theo giáo sư biết tuối “google” thì trào lưu Kiss Cam được cho là xuất phát từ Mỹ và Canada, với ý tưởng camera hướng đến cặp đôi khán giả nào đang xem thể thao thì họ phải hôn nhau. Sau đó Kiss Cam dần phát triển trở thành việc hôn trộm người lạ trên đường phố. Có nghĩa là bạn sẽ hôn trộm một người xa lạ trên đường phố và không phải xin phép họ, quay clip, sau đó thì xem phản ứng của họ.

Kiss Cam, hôn kiểu gì như trò cắn trộm - 1

“Trào lưu cái gì, hôn nhau kiểu gì như chó chạy rông âm thầm cắn trộm thế”.

Phong trào này thật sự thu hút giới trẻ ở phương Tây, gây nhiều thích thú và mới đây đã chính thức “đổ bộ” vào Việt Nam, được giới trẻ ủng hộ sôi nổi. “Thế này thì đúng rồi vợ, đây là của phương Tây nó sáng tạo ra, chúng ta chỉ tiếp thu không thèm chỉnh sửa chứ có gì đâu”, tôi lên tiếng. Nàng lúi húi trong bếp vẫn ném ra mấy câu: “Cứ cái kiểu gì của phương Tây nó tràn sang là bê nguyên vào mà áp dụng, cái hay thì chả thấy đâu, cái chưa hay thì làm ngay không cần suy nghĩ. Tây nó có đái đường đâu, Tây có vứt rác bừa bãi đâu, sao không học đi”.

Tình huống bắt đầu căng, thật ra thì lý giải của nàng cũng đâu phải là không có lý. Lại mò lên mạng, thực ra thì tôi ấn tượng hơn là một clip của một đôi bạn trẻ người Nga thực hiện. Cũng là hôn người lạ, nhưng mỗi người cầm trên tay một chiếc bìa nhỏ có dòng chữ dịch ra tiếng Việt có thể là “Hãy hôn tôi đi”. Mỗi người cầm một cái bìa đó giơ ra trước người lạ, nói đôi ba câu và rồi họ hôn nhau tình nguyện, vô tư. Thông điệp ở đây chính là sự xóa nhòa ranh giới giữa những người lạ với nhau.

Trong thế giới phẳng hiện nay, bất cứ một trào lưu, một hình ảnh gì đều dễ dàng xâm nhập và được giới trẻ sử dụng. Tuy nhiên cũng giống như những trào lưu khác, nó dễ phân con người thành hai luồng ý kiến. Ủng hộ và không ủng hộ. Ở trào lưu này dễ thấy xu hướng phản đối có chiều hướng cao hơn hẳn. Điều này không khó lý giải nó liên quan đến một cái hằn sâu vào trong tâm thức mỗi người, trở thành mô hình ứng xử của xã hội đó là sự kín đáo, thâm trầm trong bộc lộ tình cảm. Ở các nước phương Tây việc người ta hôn nhau giữa đường, nơi công cộng là bình thường, còn ở xứ mình đó sẽ là điều bất bình thường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (vì người tham gia giao thông sẽ tò mò mà nhìn theo).

Có lần trong một hội thảo liên quan đến người đồng tính, song tính, chuyển giới một chuyên gia của cộng đồng này kể một câu chuyện anh nhận được ý kiến từ một bạn trẻ nói rằng: Em thấy tởm khi bị một người đồng giới hôn. Chuyên gia này hỏi lại: Bạn có thấy tởm khi người hôn bạn là người yêu của bạn không?. Cô gái nói không, người yêu mình hôn thì phải thích chứ. Chuyên gia này kết luận: Cái tởm đó không phải vì người hôn bạn là người đồng tính mà vì đó là người lạ.

Người ta có nhiều cách để biện minh cho hành động của mình, nhưng như cứ như vợ tôi hình dung từ trong bếp thì: “Em đang hình dung một ngày nào đó ra đường, người ta cứ chạy loạn trên phố đè nhau ra hôn. Rồi một số thành phần bệnh hoạn lao ra đường khoe của quý trước mặt người khác thì thế nào?". - "Thế nào thì không biết nhưng anh đã nghe thấy mùi cháy của thức ăn rồi". Đối phó với trào lưu đơn giản là thờ ơ với nó. Nói vậy mà vợ vẫn bĩu môi có vẻ chưa đồng tình.

Hồ Viết Thịnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện