Đây là những lời khuyên hữu ích giúp bạn thúc đẩy quá trình tiết kiệm nhanh hơn, tiết kiệm hiệu quả và dễ dàng hơn.
Lập kế hoạch chi tiêu
Chúng ta đều biết lập ngân sách là bước cơ bản để có thể tiết kiệm hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta thực sự cần có động lực để gắn bó được với ngân sách ấy. Brad Klontz, chuyên gia tâm lý học và nhà hoạch định tài chính cho biết: “Bộ não cảm xúc của chúng ta phản ứng với từ ngân sách giống như cách phản ứng với từ ăn kiêng vậy. Nó khiến chúng ta liên tưởng đến sự thiếu thốn, kham khổ, chán nản”.
Từ ăn kiêng dễ khiến chúng ta cảm thấy như sắp có một nạn đói. Chúng ta có thể tìm kiếm động lực để đối mặt với nạn đói đó trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài lại là câu chuyện khác. Bạn bắt đầu thấy thức ăn trở nên ngon miệng và hấp dẫn hơn khi bạn ăn kiêng, khó có thể cưỡng lại.
Với từ ngân sách cũng vậy, thay vì nghĩ đến những gì bạn muốn, bạn lại nghĩ về những gì bạn không thể có như chiếc điện thoại mới ra mắt hay những bữa ăn ngoài hàng. Ngân sách khiến chúng ta liên tưởng đến sự khan hiếm và bản năng của chúng ta là vượt qua sự khan hiếm đó theo cách tốt nhất mà chúng ta biết chính là: tiêu tiền của mình.
Hãy làm việc với tâm lý của bạn thay vì chống lại nó. Thay vì lập ngân sách, Klontz gợi ý bạn có thể đặt ra một kế hoạch chi tiêu với vài điểm khác biệt tuy nhỏ nhưng quan trọng so với ngân sách. Không giống như ngân sách, kế hoạch chi tiêu tập trung vào các mục tiêu của bạn.
Trước tiên, bạn cần suy nghĩ về những điều bạn đánh giá cao và thích thú nhất. Nếu bạn muốn đi nghỉ, mục tiêu của bạn sẽ là “Chuyến du lịch gia đình tại Đà Nẵng vào năm 2023". Bạn có thể khiến mục tiêu đó trực quan hơn bằng cách thay đổi nền màn hình điện thoại thành ảnh bãi biển tuyệt đẹp. Khi đã có mục tiêu trong đầu, hãy xây dựng kế hoạch để tiết kiệm cho mục tiêu đó và xử lý các con số còn lại, tìm cách chi tiêu sao cho phù hợp và biến mục tiêu thành hiện thực. Đó chính là cách tiếp cận khác nhau.
Kế hoạch chi tiêu tập trung vào việc hỗ trợ các mục tiêu của bạn, giúp bạn có thể kiểm soát được tình hình tài chính của mình và tạo động lực lớn. “Chúng ta thực sự hào hứng với những gì mình muốn chi tiền. Và sau đó chúng ta sẽ muốn cắt giảm những thứ không quan trọng”, Klontz nói.
Theo dõi chi tiêu
Quản lý tiền cũng có thể là một thách thức vì chúng ta có xu hướng đánh giá thấp chi tiêu của mình. Một nghiên cứu năm 2008 được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Người tiêu dùng đã yêu cầu các đối tượng ước tính chi tiêu của họ trong tháng tới hoặc trong suốt 1 năm. Kết quả thú vị là các ước tính chi tiêu trong tháng tiếp theo khá lệch, trong khi các dự đoán chi tiêu năm lại sát thực tế hơn.
Bạn có thể nghĩ rằng ước tính chi tiêu gần sẽ dễ hơn nhưng sự thật là chúng ta không kiểm soát tiền của mình tốt đến vậy. Khi ước tính chi tiêu năm, chúng ta thường tự cho mình thêm vào một con số điều chỉnh để bù đắp chỗ này chỗ kia, phòng những điều bản thân chưa nghĩ đến. Đó là điều khiến con số cuối cùng họ ước tính sát với thực tế hơn là ước tính chi tiêu cho tháng sau.
“Rất nhiều người trong số chúng ta chi tiêu một cách vô thức. Đa phần chúng ta không biết mình đang chi bao nhiêu nên trước khi đi sâu vào phân bổ lại tiền của mình, bạn cần biết số tiền ấy thực sự sẽ đi đến đâu", Klontz nói.
Ngoài việc theo dõi chi tiêu thường xuyên, bạn có thể quản lý chi tiêu tốt hơn khi sử dụng tiền mặt. Sự tiện lợi của tấm thẻ nhựa đang khiến chúng ta đánh giá thấp chi tiêu của mình. Trong khi đó, tiền mặt làm cho việc mua hàng trở nên hữu hình hơn, buộc bạn phải suy nghĩ kỹ về việc chi tiêu.
Kết nối bạn của hiện tại với bạn của tương lai
Về cơ bản, việc lập ngân sách chính là bạn đảm bảo mình có thể kiểm soát chi tiêu trong hiện tại để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai. Vấn đề là đa phần chúng ta đều gặp khó khăn trong việc liên kết tương lai với hiện tại. Chúng ta coi tương lai của mình như một người xa lạ và sẽ thật khó để bạn tiết kiệm tiền cho một người lạ.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học New York phát hiện rằng khi những người tham gia có tầm nhìn rõ ràng hơn về bản thân trong tương lai, họ tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Cụ thể, những người tham gia nghiên cứu được chia thành 2 nhóm, 1 nhóm xem một bức ảnh bình thường của chính họ và nhóm còn lại xem một bức ảnh đã được chỉnh sửa về chính họ ở tuổi 70. Kết quả là, các đối tượng trong nhóm nhìn thấy bản thân mình trong tương lai đã tiết kiệm được gấp đôi số tiền khi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, bài học ở đây không hẳn là tập trung vào tương lai mà là liên kết hình ảnh trong tương lai với hiện tại. Chúng ta thường tiết kiệm được nhiều hơn khi ngồi lại và ngẫm nghĩ về những tháng ngày nghỉ hưu lý tưởng của mình. Khi họ thấy gần gũi với các hình ảnh trong tương lai hơn, họ sẽ có nhiều khả năng để thu hẹp khoảng cách và bám sát các mục tiêu ngân sách cũng như tiết kiệm.
Bên cạnh đó, một số người có những ý nghĩ tiêu cực về nghỉ hưu và điều này cũng khiến cho việc tiết kiệm trở nên khó khăn hơn. Nếu bạn nghĩ rằng nghỉ hưu có nghĩa là ngồi cả ngày và xem đi xem lại các chương trình TV, bạn sẽ không có động lực để tiết kiệm cho lối sống đó. Hãy nghĩ một cách cụ thể về những gì bạn muốn đạt được khi nghỉ hưu và hình dung ra những hoạt động, trải nghiệm đó. Bạn sẽ tiết kiệm được nhiều hơn khi làm điều này.
Chia mục tiêu lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn
Cuối cùng, ngay cả khi bạn đã có một ý tưởng rõ ràng về kiểu tương lai mà mình muốn, bạn vẫn có thể khó kiên định với mục tiêu trong lâu dài. Động lực của bạn có thể giảm dần và bạn bị cám dỗ để tiêu tiền vào những thứ gì đó mang lại cảm giác nhanh chóng hơn như một bữa ăn ngon hoặc một đôi giày mới. Bạn nghĩ rằng đây là sự bù đắp cho việc thiếu thốn trên chặng đường sắp tới.
Để chống lại dòng suy nghĩ này, trước tiên, hãy chia mục tiêu tiết kiệm của bạn thành các khoản nhỏ hơn. Tiết kiệm 5 tỷ đồng để nghỉ hưu dường như là một giấc mơ viển vông đối với hầu hết chúng ta nhưng tiết kiệm 2 triệu mỗi tháng sẽ dễ dàng hơn nhiều. Việc chia nhỏ mục tiêu lớn sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa hiện tại và tương lai, giúp bạn tiết kiệm hiệu quả hơn một cách bất ngờ.