Đây là những khoản đầu tư giúp các chị em cải thiện triển vọng tiền bạc của mình, mở ra tương lai rủng rỉnh và giàu có hơn.
Đầu tư vào quỹ khẩn cấp
Trước khi bạn đầu tư vào bất kỳ thứ gì khác, hãy đầu tư vào một quỹ khẩn cấp. Đây chính là số tiền bạn đã dành ra để đề phòng những biến cố như thất nghiệp, bệnh tật hay khủng hoảng kinh tế.
Carly Hensley, cố vấn tài chính của Công ty Tư vấn Tài chính Merit ở Charlotte, Bắc Carolina cho biết: “Với tôi, điểm khởi đầu tốt cho bạn chính là một quỹ khẩn cấp. Khi bạn không có trong tay quỹ này và gặp phải trường hợp khẩn cấp, bạn sẽ nhanh chóng rơi vào khó khăn và dễ kiệt quệ về tài chính. Đó thực sự có thể là một vấn đề, đặc biệt là khi bạn sắp nghỉ hưu”.
Các chuyên gia tài chính cá nhân đều tin rằng, quỹ khẩn cấp chính là trọng tâm của sức khỏe tài chính. Trong một số thời điểm, quỹ khẩn cấp sẽ là sự hỗ trợ tài chính rất quan trọng. Việc xây dựng và duy trì quỹ này giúp bạn đảm bảo duy trì các mục tiêu tài chính của mình ngay cả trong trường hợp bị giảm lương, mất việc hay gặp vấn đề về y tế… Cũng theo các chuyên gia, bạn nên dành ra 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt cho tài khoản tiền mặt này. Tất nhiên con số chính xác bao nhiêu là phụ thuộc vào độ ổn định trong công việc, sức khỏe, số người phụ thuộc… của bạn.
Quỹ khẩn cấp giúp chúng ta có tâm lý tốt hơn để đưa ra quyết định khi gặp phải sự cố, mở ra cho ta nhiều sự lựa chọn hơn. Trong trường hợp khẩn cấp, mỗi đồng tiền đều trở nên đáng quý hơn. Ngay cả với 1 triệu đồng, đó cũng là một điểm khởi đầu tốt.
Nếu bạn thấy một khoản tương đương giá trị 3 đến 6 tháng sinh hoạt phí có vẻ khó khăn, Hensley khuyên bạn nên bắt đầu từ những khoản tiền nhỏ hơn. Đó có thể là 500 nghìn hay 1 triệu đồng sau mỗi lần lấy lương để tích cóp cho những trường hợp khẩn cấp. Khi đã có những bước đầu tiên, quãng đường phía sau sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Đầu tư vào tiềm năng kiếm tiền của bạn
Sẽ là một quyết định khôn ngoan khi bạn đầu tư thời gian cho những hoạt động có thể giúp nâng cao khả năng kiếm tiền của bạn. Đó có thể là tự học các kỹ năng mới, tham gia các khóa học trực tuyến thi bổ sung các chứng chỉ… Điều này không chỉ mang lại hiệu quả trong ngắn hạn khi bạn nhận được mức lương cao hơn mà còn giúp ích cho chính bạn trong chặng đường sau này.
Bên cạnh đó, mức thu nhập cao hơn còn tạo nên sự khác biệt trong khoản đóng bảo hiểm xã hội. Thu nhập cao hơn tương đương với mức đóng bảo hiểm cao hơn (mức lương tối đa để tính mức đóng bảo hiểm xã hội của Việt Nam là 20 lần mức lương cơ sở).
Đầu tư cho hưu trí
Ngay cả khi bạn vẫn còn hàng chục năm nữa mới nghỉ hưu hay những ngày tháng đó đang đến gần, việc đầu tư cho hưu trí luôn là điều rất quan trọng. Đó có thể là tham gia vào bảo hiểm xã hội tại nơi làm việc, bảo hiểm xã hội tự nguyện hay đầu tư vào các quỹ hưu trí.
Nếu bạn còn mang suy nghĩ “nghỉ hưu là chuyện của người già”, bạn sẽ khó có thể xây dựng tài chính vững chắc. Một con số cơ bản được các chuyên gia đưa ra là bạn hãy góp ít nhất 10% thu nhập của mình cho hưu trí. Trong trường hợp bạn chưa thể bắt nhịp luôn với con số đó, hãy làm những gì tốt nhất có thể và tăng dần tỷ lệ tích lũy.
Điều quan trọng cần nhớ ở đây là càng bắt đầu sớm, bạn sẽ càng nhanh đến đích hơn. Sự kiên trì của bạn và kỳ quan thứ 8 – lãi suất kép sẽ giúp bạn mở ra những ngày tháng hưu trí rủng rỉnh tiền bạc.
Đầu tư vào kiến thức tài chính của bạn
Theo Hensley, khi chúng ta bắt đầu với một khoản đầu tư, mong muốn tìm hiểu thêm về tài chính sẽ được khơi dậy. Có rất nhiều cách giúp bạn nâng cao kiến thức tài chính của mình, thông qua đọc sách, nghe podcast hay tham gia các khóa học trực tiếp, trực tuyến…
Nhớ rằng, bạn không cần phải là một chuyên gia tài chính mới có thể đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đừng để những kiến thức đó làm bạn sợ, cản đường đầu tư.